Công ty Cao su Chư Prông: Lợi ích lớn từ một sáng kiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng kiến “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10, sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén-mủ đông-mủ dây và mủ skim” của nhóm tác giả là lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông khi áp dụng vào thực tế đã làm lợi cho doanh nghiệp hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hợp lý hóa dây chuyền sản xuất SVR10

Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-cho biết: Công ty đang quản lý hơn 9.546 ha cao su, trong đó, hơn 5.552 ha đã đưa vào khai thác, năng suất bình quân đạt 1,53 tấn/ha. Để nâng cao giá trị mủ cao su, từ năm 2005, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất chế biến mủ SVR10. Tuy nhiên, qua thực tế sản xuất cho thấy, dây chuyền còn một số mặt hạn chế như: sản phẩm bị sống hạt, tạp chất chưa loại bỏ hoàn toàn, độ rộng các chỉ tiêu kiểm nghiệm lớn, chi phí sản xuất vượt định mức, công suất lò sấy chỉ đạt 88,4% so với thiết kế. Bình quân chi phí sản xuất 1 tấn sản phẩm SVR10 tại thời điểm năm 2018 lên đến hơn 2,3 triệu đồng, cao hơn so với khung chi phí chế biến trên 243 ngàn đồng. Mặt khác, khi sản xuất sản phẩm mủ SVR20 từ nguyên liệu mủ dây, sản phẩm skim từ nguyên liệu mủ skim cũng có nhiều tồn tại về chất lượng, giá bán thấp và đặc biệt, khí thải đã tác động lớn đến cộng đồng dân cư địa phương.

 Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông (thứ 2 từ phải sang) cùng nhóm tác giả kiểm tra sản phẩm mủ từ dây chuyền sản xuất SVR10. Ảnh: Đinh Yến
Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông (thứ 2 từ phải sang) cùng nhóm tác giả kiểm tra sản phẩm mủ từ dây chuyền sản xuất SVR10. Ảnh: Đinh Yến


Xuất phát từ những khiếm khuyết của thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10, năm 2019, nhóm tác giả đã nghiên cứu đề tài “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10, sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén-mủ đông-mủ dây và mủ skim”. Ông Võ Toàn Thắng-đồng Chủ nhiệm đề tài-cho hay: “Sau một thời gian nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra những bất hợp lý, sau đó cải tiến dây chuyền sản xuất theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 là cán ủ nguyên liệu làm tăng số lần cán rửa gia công cơ so với trước đây. Việc tăng số lần cán, băm, rửa liên tục nhằm loại bỏ tạp chất ngay từ lúc nguyên liệu còn tươi và tờ mủ được cán mỏng đều trước khi phơi ủ. Giai đoạn 2 là sản xuất thành phẩm, giảm số lần gia công cơ (chỉ thực hiện qua 2 thiết bị), tờ mủ đem cán đã được phơi ủ khô đều, hạt cốm nhỏ đều đồng nhất, không còn hạt to, hạt nhỏ, thời gian sấy rút ngắn, tăng được công suất của lò sấy. Sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, sản phẩm mủ SVR10 đã đạt chất lượng thương hiệu VRG theo TCCS 112: 2017.

Làm lợi hàng tỷ đồng mỗi năm

 

Ngày 7-1-2020, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã quyết định công nhận sáng kiến “Hợp lý hóa thiết bị dây chuyền sản xuất SVR10, sản xuất mủ cao su SVR10 từ nguyên liệu phối trộn mủ chén-mủ đông-mủ dây và mủ skim”. Sau đó, sáng kiến này đạt giải nhì tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ 10 (2020-2021) và đạt giải ba tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (2020-2021).

Sau 3 năm áp dụng vào thực tế, sáng kiến đã góp phần giữ ổn định chất lượng sản phẩm, giảm chi phí trong chế biến, đặc biệt là dòng nguyên liệu mủ dây-mủ skim được phối trộn cùng với mủ đông-mủ chén theo một tỷ lệ phù hợp đã tạo nên sản phẩm có chênh lệch giá bán tới gần 10 triệu đồng/tấn. Nếu xuất bán mủ skim riêng lẻ, giá chỉ 26 triệu đồng/tấn, nhưng thực hiện theo giải pháp phối trộn sản phẩm thì bán được giá 36 triệu đồng/tấn. Với sản lượng phối trộn khoảng 200 tấn/năm thì số tiền làm lợi khoảng hơn 2 tỷ đồng. Tính từ năm 2020 đến nay, tổng số tiền làm lợi từ sáng kiến này khoảng 7-8 tỷ đồng.

Ông Võ Toàn Thắng thông tin: “Chúng tôi chọn phương án sản xuất sản phẩm cao su SVR10 theo hướng sáng tạo. Không phải đầu tư thiết bị, không phải nâng cấp công nghệ sản xuất mà chỉ sắp xếp lại một cách hợp lý thiết bị máy cán, lò sấy, bằng cách tăng tần số gia công cơ cho giai đoạn cán ủ và giảm số lần gia công cơ cho sản xuất thành phẩm, loại bỏ một số thiết bị lỗi thời. Bên cạnh đó, đưa ra tỷ lệ phối trộn phù hợp giữa các dòng nguyên liệu đối với mủ chén-mủ đông-mủ dây-mủ skim”.

 

 ĐINH YẾN
 

 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.