Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông: Gắn sản xuất với bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện chủ trương của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam về phát triển bền vững ngành cao su, thời gian qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã triển khai nhiều giải pháp gắn sản xuất với bảo vệ môi trường thông qua việc xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững và xử lý nước thải hiện đại.

Xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững

Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông quản lý hơn 9.546 ha đất tự nhiên, trong đó diện tích cao su khai thác hơn 5.382 ha, cao su kiến thiết cơ bản 3.123 ha và một số cây trồng khác. Năm 2020, Công ty bắt đầu thực hiện xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FM/VFCS ST 1003:2019 cho Nông trường Thống Nhất và Thanh Bình trên diện tích gần 2.600 ha, đến tháng 5-2021 số diện tích này đã được cấp chứng chỉ. Đồng thời, Công ty cũng xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm từ vườn cây tới nhà máy chế biến mủ theo tiêu chuẩn PEFC/CoC 2002:2020, được tổ chức SGS cấp giấy chứng nhận vào tháng 4-2021; được cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) và truy xuất nguồn gốc sản phẩm (DDS) theo tiêu chuẩn quốc tế (PEFC). Việc đạt các chứng nhận đã mở ra cơ hội để sản phẩm của Công ty thâm nhập vào thị trường thế giới.

Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông Võ Toàn Thắng (bìa phải) kiểm tra vườn cây của đơn vị. Ảnh: Vũ Thảo
Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông Võ Toàn Thắng (bìa phải) kiểm tra vườn cây của đơn vị. Ảnh: Vũ Thảo


Ông Võ Toàn Thắng-Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: Ngoài 2 nông trường đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, hiện Công ty đang triển khai mở rộng cho diện tích cao su tại các nông trường: An Phú, Hòa Bình và Đoàn Kết với tổng diện tích 3.154 ha. Để đạt được chứng chỉ quản lý rừng bền vững, Công ty đã thuê Viện Nghiên cứu Lâm sinh Việt Nam tư vấn các giải pháp triển khai. Đồng thời, Công ty xác định các mục tiêu và chiến lược phát triển bền vững trên 3 lĩnh vực gồm: kinh tế, môi trường và xã hội. Theo đó, đối với lĩnh vực kinh tế, Công ty áp dụng các biện pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật chẩn đoán dinh dưỡng và các giống tiến bộ có khả năng thích nghi với biến đổi khí hậu nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng mủ và gỗ cao su, hạ giá thành sản phẩm, đa dạng nguồn thu nhập kết hợp với đa dạng sinh học bằng các biện pháp trồng xen, trồng kết hợp… Đối với môi trường, đơn vị chú trọng giảm thiểu tác động tiêu cực trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, khai thác mủ và gỗ cao su cùng các loại cây trồng khác; xử lý nước thải đạt cột A; tăng cường trồng cây bản địa có tác dụng phòng hộ, bảo vệ rừng cao su… Về lĩnh vực xã hội, Công ty chú trọng tạo việc làm ổn định cho trên 2.200 lao động, nâng cao đời sống người dân địa phương, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Điển hình là tuyển dụng lao động địa phương vào làm công nhân và cho người dân trồng xen canh cà phê, hồ tiêu dưới tán rừng cao su để có thu nhập. “Từ nguồn vốn đầu tư tái tạo rừng, hàng năm Công ty từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, duy tu các tuyến đường lâm nghiệp vừa phục vụ sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo việc đi lại, giao thương nội vùng được thuận tiện”-ông Thắng thông tin.

Ông Dương Ngọc Luân-Giám đốc Nông trường Thống Nhất-cho hay: Khi triển khai quản lý rừng theo hướng bền vững, Nông trường đặc biệt chú trọng tới hiệu quả kỹ thuật, môi trường xã hội. Trong hoạt động sản xuất, đơn vị thực hiện chặt chẽ các quy định phòng hộ để đảm bảo sự an toàn tuyệt đối cho người lao động. Khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chúng tôi đều có thông báo đến chính quyền và người dân nhằm hạn chế việc tới khu vực vườn cây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đối với các khu vực giao nhận mủ đều được xây dựng các hố bẫy để thu gom nước vệ sinh dụng cụ, tránh chảy ra môi trường gây ô nhiễm... “Ngoài ra, để đảm bảo đa dạng sinh học, Nông trường đã tuyên truyền công nhân và người dân địa phương tuyệt đối không săn bắt động vật trên vườn cây. Đồng thời, nói không với việc sử dụng thuốc diệt cỏ, thay vào đó là phát cỏ, chỉ để lại 10-15 cm thảm thực vật giúp giữ độ ẩm và hệ sinh vật trong mùa khô. Nhờ đó, tháng 5-2021, toàn bộ diện tích 1.400 ha của Nông trường đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững”-ông Luân nói.

Chú trọng xử lý chất thải

Ông Võ Toàn Thắng cho biết: Với công suất chế biến khoảng 40 tấn mủ/ngày đêm, trung bình mỗi ngày Xí nghiệp chế biến-vận tải mủ cao su của Công ty thải ra môi trường khoảng 900 m3. Xác định đây là nguồn thải lớn, ngay từ khi đi vào hoạt động, Công ty đã đầu tư đầy đủ hệ thống xử lý nước thải đạt cột B. Những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng với mong muốn giảm thiểu tối đa các tác động của nước thải đối với môi trường, Công ty đã đầu tư 40 tỷ đồng để nâng cấp hệ thống xử lý nước thải từ cột B lên cột A với công suất 1.200 m3/ngày đêm theo tiêu chuẩn quốc gia về nước thải công nghiệp. Ngoài ra, Công ty còn là đơn vị cao su đầu tiên ở Tây Nguyên đầu tư xây dựng trạm quan trắc nước thải tự động để truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường nhằm theo dõi các chỉ số về nước thải trước khi xả. Đây là nỗ lực rất lớn của Công ty để bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất vì mục tiêu tăng trưởng xanh.

 Sản phẩm mủ cao su sơ chế của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: Lương Quang Hiến
Sản phẩm mủ cao su sơ chế của Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông. Ảnh: Lương Quang Hiến
Ông Lê Tấn Hiếu-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Chư Prông: Những năm qua, Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông đã có nhiều nỗ lực bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất và chế biến. Công ty đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để cải tạo và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn từ cột B lên cột A; tích cực thu gom và hợp đồng với các doanh nghiệp để xử lý chất thải nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất, chế biến. Ngoài xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững, Công ty còn góp phần giảm thiểu các tác động đến môi trường, tăng tỷ lệ che phủ rừng và hệ sinh thái tự nhiên.

Nói thêm về quy trình xử lý nước thải, ông Nguyễn Hoàng Tuấn-Trưởng phòng Quản lý chất lượng-cho hay: “Nước thải được thu gom về 16 bể gạn để tách mủ. Sau đó, mủ cao su được thu gom để tái chế hoặc bán, còn nước thải được đưa qua hệ thống các bể để xử lý. Khi đã đạt tiêu chuẩn cột A, nước thải sẽ đi qua trạm quan trắc tự động để theo dõi các chỉ số và truyền dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi xả thải”. Cũng theo ông Tuấn, từ tháng 10-2021, Công ty đã áp dụng thử nghiệm phương pháp mới là sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước thải nhằm tiết kiệm chi phí cũng như giảm thiểu tác động môi trường. Sau xử lý, nước thải được tái sử dụng cho việc tưới tiêu cây trồng trong khuôn viên cũng như phục vụ sản xuất.

Xác định sản xuất và bảo vệ môi trường là 2 nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện song song để tạo sự phát triển bền vững. Do đó, Công ty đã xây dựng chiến lược phát triển theo hướng đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, gắn với việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, vì cộng đồng và bảo vệ môi trường. Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, cùng với việc tiếp tục cải tiến và đổi mới công nghệ sản xuất đáp ứng về chất lượng sản phẩm, Công ty đã chủ động quan tâm đầu tư công nghệ xử lý nước thải, tái tuần hoàn nước trong quá trình sản xuất để tiết kiệm tài nguyên nước, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, giảm phát sinh chất thải, quản lý tốt chất thải nguy hại và hóa chất; triển khai bảo vệ đất bằng thảm thực vật, sản xuất phân hữu cơ sinh học để bón cho vườn cây. Ngoài ra, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững cho toàn bộ diện tích và quản lý một cách hiệu quả vườn cây theo các tiêu chí đã quy định.


 

 VŨ THẢO - NHẬT HÀO
 

Có thể bạn quan tâm