Công điện của Thủ tướng về bảo đảm an toàn giao thông dịp lễ, Tết 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Công điện, các bộ, ngành, địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống dịch khi tham gia giao thông cho dân.

 

 Ùn tắc giao thông ở Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)


Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Công điện số 1725/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022.

Công điện nêu: Năm 2021, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, Việt Nam đã từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch COVID-19; đồng thời các hoạt động kinh tế, xã hội cũng đang dần phục hồi và phát triển trở lại, nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa và mật độ phương tiện tham gia giao thông cũng từng bước phục hồi và gia tăng nhanh trong điều kiện bình thường mới, đặc biệt là trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022. Bên cạnh đó, mặc dù đã từng bước được kiểm soát, nhưng tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Để bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và kiểm soát tốt dịch COVID-19 trong hoạt động giao thông vận tải, phục vụ nhân dân vui đón Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành, các tổ chức chính trị-xã hội và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp sau.

Theo Công điện, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật, hướng dẫn kỹ năng về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và phòng, chống dịch COVID-19 khi tham gia giao thông cho người dân. Trọng tâm tuyên truyền người dân thực hiện "Đã uống rượu, bia-không lái xe;" không phóng nhanh, vượt ẩu; không chở quá số người quy định; đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi môtô, xe máy, xe đạp điện; phòng tránh tai nạn đường ngang đường sắt; kế hoạch tổ chức, thực hiện phục vụ vận tải tết; tuân thủ nguyên tắc 5K, nhất là luôn đeo khẩu trang khi tham gia giao thông; cập nhật kịp thời tình hình tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông trong dịp Tết và tại khu vực diễn ra Lễ hội Xuân trong các bản tin thời sự.

Các địa phương cần tổ chức đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 14/02/2022, bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định phòng dịch COVID-19 đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân.

Cần tập trung kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm thường xảy ra trong dịp cuối năm và Tết như lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, vi phạm quy định tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe gắn máy; lập phương án đấu tranh phòng, chống đua xe trái phép và tội phạm trên các tuyến giao thông; cương quyết trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ. Cần kiểm tra việc thực hiện quy định pháp luật về bảo đảm an toàn trong hoạt động hàng không, đường sắt, tại bến khách ngang sông, bến tàu chở khách, trên các tuyến, luồng đường thủy và hoạt động vận tải ven biển.

Các địa phương cần có phương án tổ chức vận tải hành khách phù hợp, bảo đảm an toàn giao thông và phòng dịch COVID-19, giảm thiểu tình trạng chậm, hủy chuyến; tuyệt đối không để tình trạng hành khách không có phương tiện về quê trong dịp Tết; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có hành vi tăng giá vé trái quy định.

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh và cơ sở giáo dục, đào tạo chủ động phối hợp với các đơn vị vận tải tổ chức bán vé tàu, xe trực tiếp cho công nhân, người lao động và sinh viên; bố trí thời gian cho người lao động và sinh viên nghỉ Tết và trở lại làm việc, học tập phù hợp, giảm áp lực giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Kiểm tra, đôn đốc, yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải thực hiện nghiêm các quy định về an toàn giao thông và phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải. Có phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả khi phát sinh tình huống có người nhiễm COVID-19 tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện vận tải công cộng.

Cần kiểm tra điều kiện an toàn các công trình kết cấu hạ tầng giao thông; khắc phục kịp thời các đoạn đường bị hư hỏng, sạt lở do mưa, lũ gây ra; rà soát bổ sung hệ thống báo hiệu giao thông, thiết bị cảnh báo phản quang tại các nút giao thông, các đoạn đường có độ dốc cao, bán kính cong hẹp, tầm nhìn hạn chế tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông.

Cần có phương án tổ chức giao thông an toàn khi thi công và khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đô thị và trả lại lòng đường phục vụ giao thông trước ngày 23/1/2022. Cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng, phương tiện cứu hộ kịp thời giải tỏa khi xảy ra sự cố về hạ tầng, phương tiện hoặc tai nạn giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài, nhất là trên các tuyến trục chính ra vào thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm (nhà ga, sân bay, bến cảng…) và khu vực tổ chức Lễ hội Xuân; có phương án tổ chức, điều tiết giao thông hợp lý, linh hoạt tại các trạm thu phí BOT, tuyệt đối không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Các địa phương cần chỉ đạo các Sở Y tế và cơ sở khám, chữa bệnh trong cả nước có phương án bố trí lực lượng, phương tiện, trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh và máu để đảm bảo khả năng cao nhất trong việc cứu chữa nạn nhân tai nạn giao thông, giảm thiểu thiệt hại về người khi xảy ra tai nạn giao thông; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng của các cơ quan trung ương và của từng địa phương để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự, an toàn giao thông, phối hợp giải quyết, khắc phục kịp thời các sự cố, tai nạn giao thông; niêm yết đầy đủ các thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 tại các đầu mối giao thông (bến xe, nhà ga, sân bay, bến cảng…) và trên các phương tiện vận tải công cộng.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương có báo cáo sơ bộ kết quả thực hiện Công điện trong dịp cao điểm Tết Nguyên đán Nhâm Dần từ ngày 29/01/2022 (ngày 27 Tết) đến trước 16 giờ 30 ngày 4/2/2022 (mùng 4 Tết); và có báo cáo tổng hợp kết quả triển khai thực hiện công điện từ ngày công điện được ban hành đến trước 16 giờ 30 ngày 15/2/2022 gửi về Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; giao cho Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai, thực hiện Công điện này.

Theo TTXVN/Vietnam+

Có thể bạn quan tâm

Nhiều bạn trẻ đã đặt lịch chụp ảnh từ sớm để đón Tết Nguyên đán 2025 (ảnh nhân vật cung cấp).

Dịp Tết, nhiều dịch vụ “ăn nên làm ra”

(GLO)- Ngay từ đầu tháng Chạp, nhu cầu đăng ký, sử dụng các dịch vụ trong dịp Tết như chụp ảnh, dọn nhà, giặt ủi... của người dân tăng cao. Đây cũng là khoảng thời gian các doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ này “ăn nên làm ra”.