Còn một Giáng sinh khác

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người đàn ông ấy râu dài như Robinson Crusoe, phủ sơ sài lên người lớp vải bao bố buộc thừng, một tay chống gậy làm từ cành cây cong queo, tay kia vẫy gọi dòng người đang hối hả đổ về chợ Giáng sinh ở thành phố Leuven: “Còn một Giáng sinh khác ở đây nữa nhé. Mời quý vị ghé thăm”. Năm đầu tiên tôi bỏ qua ông lão. Năm sau, tôi tò mò bước vào và trào nước mắt.

 

Cây ước nguyện cho trẻ em Làng SOS trong chợ Giáng sinh tại cung điện Schonbrunn, Áo
Cây ước nguyện cho trẻ em Làng SOS trong chợ Giáng sinh tại cung điện Schonbrunn, Áo



1.Trong ánh đèn vàng ấm áp của một phòng ăn tập thể ken dày bàn ghế, những ông già bà cả tay run run, đưa lên miệng thìa súp nóng. Một vài gia đình ba bốn thế hệ cũng ngồi vào bàn gọi món ủng hộ nhà bếp. Mấy gương mặt quen quen vốn định cư dài hạn trên các góc phố, sống nhờ lòng trắc ẩn của thiên hạ, nay ấp chặt bàn tay lạnh cóng quanh tách trà bốc khói, rưng rưng cảm nhận sự quây quần đã quá vãng chợt ùa về. Ngoài hành lang, vài ba quầy hàng bán thiệp, bông tai, khăn mũ len và làn cói do phụ nữ, trẻ em ở Congo làm thủ công và gửi sang Bỉ bán gây quỹ từ thiện.

Giáng sinh khác mà ông cụ đang mời chào ngoài kia là một Giáng sinh lặng lẽ, khiêm nhường nhưng tràn ngập không khí của tình yêu và đoàn tụ. Tháng 12 của lòng nhân từ và sự sẻ chia đã đến. Hình như càng gần về cuối năm, cận kề kỳ nghỉ lớn, người ta lại càng rộng lượng, hào phóng hơn trong việc cho đi mà không mong nhận lại.

2.Không biết có phải cây thông Noel - linh hồn của chợ Giáng sinh thường được đặt ở vị trí trung tâm, quá rực rỡ và quá lớn, nên ít người biết đến sự tồn tại của wishing tree (cây ước nguyện), cũng nằm trong chợ Giáng sinh?

Thực ra, việc treo những quả bóng, ngôi sao lấp lánh lên cây Noel cũng hàm ý một ước nguyện nào đó rồi và rằng Santa ở Bắc cực sẽ cố gắng hết sức biến những điều ước này thành hiện thực. Nhưng chợ Giáng sinh ở nhiều nước châu Âu, Mỹ, Úc hiện nay thường dành một vị trí riêng cho cây ước nguyện với mục đích từ thiện rõ ràng hơn, có địa chỉ cụ thể hơn.


 

 Cây ước nguyện ở Trung tâm Tây Tạng và tu viện Phật giáo tại Eskdalemuir - Scotland
Cây ước nguyện ở Trung tâm Tây Tạng và tu viện Phật giáo tại Eskdalemuir - Scotland


Cổ điển như cây ước nguyện ở chợ Giáng sinh tại Cung điện Schonbrunn năm 2018 (Áo) là một cây thông tầm 1,5m, treo những tấm thiệp đỏ in tên, tuổi và giá từng món quà mà trẻ em có hoàn cảnh khó khăn mong muốn được nhận. Từ khi đặt cây ước nguyện này cho đến ngày 16-12-2018, người hảo tâm có thể chọn, tháo một hoặc vài tấm thiệp xuống, trực tiếp mua quà hoặc gửi tiền tặng đứa trẻ đó. Đơn vị tổ chức chợ Giáng sinh sẽ cùng SOS kinderdorf (Làng trẻ SOS) thực hiện buổi gặp gỡ với ông già Noel và trao quà ý nghĩa đó cho các em. Cây ước nguyện cũng nhắc nhở rằng, bằng hành động tung tiền xu xuống một đài phun nước ở bất cứ đâu trong thành phố Vienna, cũng coi như bạn đã góp phần biến giấc mơ mùa Giáng sinh của trẻ em bất hạnh thành hiện thực.

Hết mùa Giáng sinh, cây thông chính được di dời, nhưng nhiều loại cây ước nguyện thì được trồng lâu dài. Ví như cây ước nguyện bên thác nước Aira Force (miền Đông Tây nước Anh). Đây vốn là một thân cây bị đổ cạnh thác, khắc sâu mong ước của khách đến thăm bằng cách dùng những viên đá quanh đó để ghim từng đồng xu vào thân cây ước nguyện tồn tại quanh năm, chứ không chỉ dịp Giáng sinh. Khi đến thăm Kagyu Samye Ling - Trung tâm Tây Tạng và tu viện Phật giáo ở Eskdalemuir thuộc Scotland, tôi đặc biệt ấn tượng với cây ước nguyện rất lớn ở đây. Người Scotland gọi đó là cloutie tree, một loại cây truyền thống: buộc những miếng vải nhỏ vào cành hoặc chùm lá để bắt đầu một nguyện ước.

Cả một vùng xanh ngắt bật lên trong vườn, dày đặc những chùm vải màu rực rỡ được kết trái bằng tình yêu và những mong muốn tốt đẹp nhất của khách thập phương đến thăm Kagyu Samye Ling. Những món tiền bạn nhét vào hộp sắt nhỏ đặt cạnh cây sẽ được gửi tới tổ chức Akong Memorial Foundation để giúp đỡ cộng đồng người Tây Tạng đang sống quanh các tu viện miền Đông Tây Tạng.


 

Một gia đình ở khu Twickenham trang trí Giáng sinh rực rỡ nhằm ủng hộ các nghiên cứu về phòng chống ung thư.
Một gia đình ở khu Twickenham trang trí Giáng sinh rực rỡ nhằm ủng hộ các nghiên cứu về phòng chống ung thư.



3.Từ khi chuyển sang châu Âu định cư, tôi và một vài người bạn gốc Việt khác có thói quen vào dịp Giáng sinh rủ nhau đi dạo hoặc lái xe lòng vòng quanh nơi mình ở, tự chấm điểm xem nhà nào trang trí Noel hoành tráng nhất. Nhà đơn giản chỉ một ngôi sao lớn giữa vườn. Nhà treo hình nộm ông già Noel bằng vải ở tư thế đang trèo cửa sổ. Nhà cầu kỳ hơn, tiểu cảnh cũng chi tiết hơn, khu vườn trước cửa rực rỡ như cung điện mùa đông. Trước những thiên đường ánh sáng này, dĩ nhiên khiến chúng tôi phải dừng lại lâu hơn, ngắm nghía và trầm trồ, thỉnh thoảng còn lo hộ gia chủ “chắc tốn điện lắm”. Nhưng không phải ai cũng coi đó chỉ là một cuộc chơi công phu để thỏa đam mê. Một phần của cuộc phô bày rực rỡ đón Giáng sinh này, tìm hiểu ra, còn mang ý nghĩa khác. 

Ở phố Hazem Close thuộc khu Twickenham (London, Anh) đang diễn ra những triển lãm ánh sáng mùa Giáng sinh vô cùng đẹp mắt và ấm áp. Cây cảnh trước nhà đã trút hết lá chuẩn bị vào đông nhưng lại khoác lên mình lớp áo ánh sáng mới bằng hàng trăm, hàng ngàn chiếc đèn màu, chùm bóng màu. Các dây đèn kết rèm lấp lánh ngoài cửa sổ. Bãi cỏ trước nhà hội tụ nụ cười của người tuyết, công chúa băng, ông già Noel trên cỗ xe ngựa bọc nhung đỏ, người lính canh diện áo khoác đỏ hoàng gia đứng nghiêm trên bậc cửa. Thân hình mềm mại trong suốt và lóng lánh của những con ngựa, tuần lộc, thỏ, sóc như đang vươn cổ ngắm các ngôi sao chợt đậu trên mái nhà, bờ tường, hàng rào.

Võ Thu Thủy, bạn tôi đang sống tại Hazem Close kể: “Những gia đình này tự bỏ tiền trang hoàng Giáng sinh rất công phu. Họ chịu tốn nhiều tiền điện đóm cũng là để người qua lại chú ý lâu hơn, giúp quyên được nhiều tiền hơn cho các quỹ từ thiện. Nếu để ý kỹ sẽ thấy họ đặt một hộp sắt bên cạnh tấm biển lớn Supporting cancer research, có nghĩa là nhà này đã đăng ký tham gia các hoạt động hỗ trợ cho tổ chức nghiên cứu về ung thư. Ở London có rất nhiều hình thức cho cá nhân tham gia làm việc thiện. Chỉ cần đăng ký, người ta sẽ phát cho mình những chiếc hộp nhỏ để quyên tiền. Chồng tôi từng tham gia một hoạt động ủng hộ các nghiên cứu phòng chống ung thư. Anh ấy nhận được một chiếc hộp như vậy và mang lên cơ quan kêu gọi đồng nghiệp quyên góp, nộp lại hộp cho đơn vị tổ chức. Cuối năm hoặc sau mỗi chiến dịch kêu gọi, người ta sẽ tổng kết và gửi thư thông báo khoản tiền cụ thể mình quyên góp được”.

Làm bánh, bán hàng từ thiện, trao tặng đồ dùng cũ... cũng là những cách làm khá phổ biến, đặc biệt vào mùa Giáng sinh để quyên tiền cho các tổ chức từ thiện. Vào ngày nghỉ mùa Giáng sinh nhưng bạn cảm thấy không cần nghỉ ngơi. Hãy gọi thêm vài người bạn nữa đến nhà, vừa chuyện trò, uống trà, vừa nhào bột nặn bánh, cùng nhau nướng và tận hưởng mùi thơm của đường, quế, sô cô la tỏa ra khắp nhà. Bánh chín, những người bạn chung tay đóng hộp, bọc vào túi, đem sang hàng xóm mời mua, hoặc đợi ngày trở lại làm việc mời đồng nghiệp thưởng thức, đồng thời chìa ra chiếc hộp từ thiện. Không có hoa tay nặn bánh thì rủ nhau căng một tấm biển, kê một cái bàn trước cửa nhà, mời bà con khu phố mang đồ cũ đến bán. Tiền thu được cũng cho vào hộp sắt gắn ở cửa.

Đã 9 năm nay, Hội Phụ nữ quốc tế ở Prague (Séc) cứ mỗi mùa Giáng sinh lại tổ chức chợ Giáng sinh riêng. Khách tới đây tận hưởng niềm vui mua sắm, nghỉ lễ mùa đông và tiếp cận cả những chiếc bàn đặc biệt: bàn sách (để tặng lại sách cũ, đặc biệt là sách tiếng Anh, sách cho trẻ em, sách dạy nấu ăn, sách làm vườn), bàn nướng (mua các loại bánh nướng của Giáng sinh và mùa đông). Tiền thu từ những bàn này được gửi tới các tổ chức từ thiện.

4.Một trong những lý do tuyệt vời để bạn (nếu có thể) trở thành người nổi tiếng: dùng ảnh hưởng và tên tuổi của mình giúp đỡ nhiều người hơn nữa. Chợ Giáng sinh của thành phố Leuven năm nay vừa công bố người cha đỡ đầu mới: Marc De Bel - nhà văn chuyên viết kịch bản và truyện tranh cho thanh thiếu niên ở Bỉ. Sách của De Bel ngập tràn những chuyến phiêu lưu, sự tưởng tượng và óc khôi hài kỳ diệu. Người ta say mê Quả trứng của chú Trotter, Chiếc gương của quý cô Kriegel, Hiệp sĩ Peipus báo thù của De Bel như độc giả ở Việt Nam yêu thích Nguyễn Nhật Ánh. Riêng tập truyện tranh Macy en Hippo (Macy và Hippo) được De Bel viết với sự thông hiểu lớn dành cho người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1, chủ yếu xảy ra ở trẻ em và người dưới 20 tuổi.

Dưới sự giúp đỡ và giám sát của cha đỡ đầu De Bel, tổ chức Hippo và Những người bạn sẽ bán nến và các vật đem lại may mắn (như thú bông hà mã) trong một gian hàng của chợ Giáng sinh ở Leuven để gây quỹ cho nghiên cứu về phòng chống bệnh tiểu đường tuýt 1. Ngắm nụ cười, cặp mắt cũng cười sau tròng kính tròn và mái tóc bạc vờn gió của Marc De Bel, tôi lại nhớ về hình ảnh người đàn ông như bước ra từ thời tiền sử, chống gậy mời chào: “Còn một Giáng sinh khác ở đây nữa nhé. Mời quý vị ghé thăm”. Không chính thức, nhưng với tôi, ông cụ cũng là cha đỡ đầu cho một Giáng sinh khác, giúp bao người nhận ra và tìm thấy ở phiên chợ tháng 12 rực rỡ này.

 

Lâm Văn (sggp)

Có thể bạn quan tâm

Cửu Trại Câu du ký

Cửu Trại Câu du ký

Nơi chúng tôi đến trong chuyến đi dài ngày lần này là vùng đất Cửu Trại Câu xinh đẹp, một trong những danh lam thắng cảnh của Tứ Xuyên, rất đắc địa về mặt phong thủy của Trung Hoa lục địa.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.