(GLO)- Con số hàng trăm doanh nghiệp (DN) hoạt động không hiệu quả, phá sản, “mất tích”…, lẽ tất nhiên nguyên nhân chủ yếu là do năng lực hạn chế của chính bản thân DN, song không thể không nói tới trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương đối với sự tồn tại của DN.
Tổng số DN trên địa bàn Gia Lai hiện nay là 3.564 DN với tổng vốn đăng ký 16.450 tỷ đồng (bình quân 4,6 tỷ đồng/DN). Hàng năm, bình quân có khoảng 500 DN được thành lập mới và khoảng 1.300 DN đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh. Những con số này cho thấy môi trường kinh doanh khá thuận lợi với xu hướng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giúp DN nắm bắt cơ hội đầu tư kinh doanh. Tuy vậy, việc trung bình có 100 DN đăng ký giải thể mỗi năm, khoảng 60 DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN (do vi phạm hoặc thuộc diện bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN), hay trên 300 DN trên địa bàn TP. Pleiku “mất tích” không thể liên lạc được (nhiều địa phương khác cũng có không ít DN như thế) thì rõ ràng công tác hậu kiểm là chưa thực sự chặt chẽ.
Ảnh: Đức Thụy |
Công tác quản lý nhà nước đối với DN còn lỏng lẻo ở khâu phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin giữa DN với các cơ quan chuyên môn, liên quan hay UBND cấp huyện. Có nhiều DN đứng chân trên địa bàn cấp huyện nhưng lại đăng ký kinh doanh ở cấp tỉnh khiến địa phương không nắm chắc tình hình hoạt động cũng như những biến động về số lượng DN trên địa bàn. Việc hướng dẫn, hỗ trợ cho DN về pháp luật không kịp thời cũng như quản lý về thuế và thu thuế không tránh khỏi sai sót. Đơn cử như 129 DN đang hoạt động trên địa bàn thị xã An Khê, tất cả đều là do tỉnh cấp phép đăng ký kinh doanh (1 DN 100% vốn nước ngoài là Công ty TNHH VeYu) khiến địa phương hầu như không thể kiểm tra, quản lý.
Một vấn đề nữa là tình trạng một chủ nhưng đứng tên khá nhiều DN. Và điều này đã vi phạm Luật Doanh nghiệp. Không quá khó để phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm này. Chỉ cần lưu ý một chút là có thể phát hiện DN vi phạm. Nếu làm được việc này, các công ty “ma” với số vốn ảo lên đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng chắc chắn không thể tồn tại. Điều đó đồng nghĩa với việc nhiều DN chân chính sẽ không phải lo bị lừa bởi những DN “ma” này.
Ông Hồ Phước Thành- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: “Hàng năm, Sở chủ trì phối hợp với các sở, ngành chức năng khác triển khai công tác hậu kiểm DN sau đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, việc hậu kiểm DN sau đăng ký kinh doanh chưa kịp thời. Từ năm 2008 đến nay, tổng số DN ngoài quốc doanh được hậu kiểm là 2.982 DN”. Đây không phải là con số lý tưởng, nhưng với những nguyên nhân khách quan, cộng với những hạn chế từ địa phương cấp huyện như số lượng cán bộ phụ trách công tác đăng ký kinh doanh thuộc Phòng Tài chính-Kế hoạch rất ít (thường chỉ 1 người) không thể đáp ứng cho nhiệm vụ cấp phép và hậu kiểm đối với các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.
Có một thực tế là nhiều DN hoạt động đa ngành nghề nên thường xảy ra trường hợp có nhiều đoàn kiểm tra của tỉnh, của huyện tổ chức hậu kiểm cùng lúc gây trùng lặp về thời gian hoặc nội dung kiểm tra. Không ít DN khó chịu ra mặt khi phải chịu sự kiểm tra của nhiều đoàn với cùng nội dung. Ông Lê Ngọc Bửu-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh cũng thừa nhận: “Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chưa có văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể về công tác quản lý DN sau đăng ký như: Phân công, phân cấp trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan đến quản lý DN; thành phần đoàn kiểm tra, thanh tra; nội dung hậu kiểm… khiến các địa phương lúng túng, chưa chặt chẽ trong hậu kiểm, chất lượng hậu kiểm vì thế còn nhiều hạn chế”.
Hy vọng sắp tới sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong trao đổi, cung cấp thông tin cho DN, tuyên truyền, hỗ trợ hoặc ngăn chặn, xử lý các DN, các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh cá thể cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp; sự tăng cường về nhân lực, vật lực phục vụ cho công tác hậu kiểm…, môi trường kinh doanh sẽ thực sự lành mạnh, bình đẳng và công tác hậu kiểm sẽ thuận lợi và hiệu quả hơn.
Hà Duy