Còn đâu những mùa Vu Lan ấm áp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ ngày má mất, tôi không mong đợi ngày Vu Lan nữa, vì nó gợi cho tôi nhiều kỷ niệm xa xưa, làm tôi nhớ má nhiều lắm. Và, tôi rất sợ ai đó cài lên ngực áo tôi bông hồng trắng…

 
Mâm cỗ chay ngày Vu Lan
Mâm cỗ chay ngày Vu Lan



Tuổi thơ của tôi là những mùa Vu Lan ấm áp và tràn đầy hạnh phúc. Tôi hăm hở đếm từng ngày chờ đến ngày này để đến tối đêm 14 tháng 7 âm lịch được cùng má, bà ngoại, các mợ, dì và đám em họ cùng nhau tản bộ trên con đường làng dưới ánh trăng sáng lung linh dẫn lối đến một ngôi chùa nhỏ nằm trên phần đất tổ tiên của gia tộc bên nhà ngoại. Cả gia đình tôi đến đó thắp nhang, lạy Phật cầu phúc, cầu bình an cho cả gia đình.

Sau khi lễ Phật, đám trẻ con bọn tôi được các sư trong chùa phát cho một đứa một ít trái cây, cái bánh bé tẹo ăn lấy lộc. Đặc biệt, bọn tôi mê nhất là được thưởng thức chén chè thưng ngọt lịm. Không biết có phải vì được ăn ít quá nên thấy ngon, hay vì thiếu thốn mà đến tận bây giờ, dù tôi đã ăn nhiều loại chè nấu rất cầu kỳ, nhưng tôi chưa thấy chén chè nào ngon bằng chén chè ngày ấy. Khi lễ chùa ra về trên ngực áo đứa nào cũng được cài một bông hoa hồng đỏ thẳm… Chỉ vậy thôi, mà đám trẻ con quê ngày xưa vui như Tết.


 

 Chén chè thưng thơm ngon
Chén chè thưng thơm ngon



Sáng sớm ngày rằm, năm nào tôi cũng "canh me" dậy thật sớm, để được lẽo đẽo theo má ra ngã ba đầu xóm, nơi mà những người mua gánh bán bưng, hễ tới ngày Vu Lan họ lên chợ huyện gom thực phẩm chay về bán cho bà con trong làng. Má tôi mua lủ khủ nào là đậu hũ, bún tươi, củ sắn, giá hẹ, hủ tiếu, tương hột, chao rời… mỗi thứ một ít, hai mẹ con khệ nệ mang về làm cơm mâm chay cúng rằm. Ngày Vu Lan, ngoài mâm cơm chay, má tôi cũng nấu thêm nồi chè trôi nước. Trong khi tôi và má đi chợ, chị hai tôi cũng dậy sớm lấy nếp được má ngâm từ đêm hôm trước ra xay bột, rồi đổ bột vào túi vải bồng cho bột ráo nước; chị ba đi đãi vỏ đậu xanh, nạo dừa vắt nước cốt nấu nhưn chuẩn bị cho món chè. Ngày Vu Lan vui lắm, mỗi người một công việc ai cũng tất bật, mà dường như không chỉ riêng gia đình tôi mà là cả xóm tôi đều vậy ấy chứ.

 

Ngoài mâm cơm chay, má tôi còn nấu cả nồi chè trôi nước
Ngoài mâm cơm chay, má tôi còn nấu cả nồi chè trôi nước


Sau này lớn lên đi học đi làm xa nhà, những dịp Vu Lan ít khi được sum vầy bên gia đình. Nhưng như một thói quen, vào ngày này bao giờ tôi cũng tranh thủ ghé chùa lễ Phật, về nhà cũng mua một ít bông hoa trái cây và vài viên chè trôi nước để cúng rằm, y như hồi còn nhỏ ở nhà với má và vẫn cảm thấy thật vui vào dịp này.

Từ ngày má mất, tôi không mong đợi ngày Vu Lan nữa, vì nó gợi cho tôi nhiều kỷ niệm xa xưa, làm tôi nhớ má nhiều lắm. Và, tôi rất sợ ai đó cài lên ngực áo tôi bông hồng trắng…

Song Nghi (phunu.nld)

Có thể bạn quan tâm

Cha mẹ hãy thực sự là người thầy đầu tiên của con, dạy cho trẻ những thói quen tốt. Ảnh: MINH HUỆ

Nền tảng của giáo dục gia đình

(GLO)- Người xưa có câu “Mẹ dạy thì con khéo, cha dạy thì con khôn”, ngụ ý thể hiện tầm quan trọng của những người làm cha mẹ trong việc giáo dục con cái. Có lẽ, tất cả chúng ta đều phải thừa nhận rằng, gia đình là nền tảng tiên quyết, góp phần hình thành tính cách và nhân cách của một con người.

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

Nhân lên niềm hạnh phúc trong mỗi nếp nhà

(GLO)- Hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình chúng ta đi qua mỗi ngày. Khi ta biết cách nhân lên niềm hạnh phúc, cuộc sống trở nên ý nghĩa, nhẹ nhàng và đáng sống hơn. Đó là cách mà nhiều gia đình đang tạo lập cũng như chung tay gìn giữ.

Những cô gái gồng gánh gia đình qua biến cố

Những cô gái gồng gánh gia đình qua biến cố

Trong cuộc sống, không ít lần chúng ta chứng kiến những cô gái tưởng chừng yếu đuối, nhưng lại trở thành trụ cột vững chãi cho gia đình khi biến cố ập đến. Đối mặt với khó khăn, bằng nghị lực phi thường, họ xây dựng tương lai cho những người thân yêu.