(GLO)- Con gái bị ảnh hưởng di chứng của chất độc da cam, con trai trông như người bình thường, nhưng khi có vợ thì không sinh con được. Nỗi đau tuyệt vọng về giống nòi cứ ray rứt, âm ỉ, lặng lẽ trong lòng người mẹ suốt gần 40 năm qua... Người mẹ bất hạnh đó là chị Bùi Thị Thanh Nhị-Nguyên Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam phường Chánh Lộ TP. Quảng Ngãi (Quảng Ngãi).
Chất độc ngấm trên đường hành quân
Gia đình chị Nhị theo cách mạng. Chị sinh ra bên bờ hạ lưu sông Trà Khúc. 13 tuổi, chị đã làm giao liên. Những bước chân thoắn thoắt đi sớm về khuya đưa những lá thư mật, những công văn quan trọng đến nơi an toàn. 17 tuổi, chị được huyện ủy Tư Nghĩa đưa đi học y tá. Sau 6 tháng học tập, chị nhanh chóng trở thành nữ y tá giỏi, băng rừng cõng thuốc về chữa bệnh cho các chiến sĩ bị thương. Giai đoạn này, Mỹ rãi chất độc da cam trên các cánh rừng phía Đông Trường Sơn, phía Tây của Quảng Ngãi với lượng dày đặc hòng để diệt cỏ cây, tìm quân cách mạng. Đó cũng là thời kỳ mà chị Nhị bắt đầu phải hứng chịu nỗi đau bất hạnh về chất độc da cam ngấm dần vào cơ thể.
Chậu hoa lan đẹp nhất trong những chậu hoa, anh Tùng đem vào nhà tặng mẹ nhân dịp ngày mùng 8-3 này. Ảnh: Trường An |
Ngẫm lại chuỗi ngày hành quân xuyên rừng núi hàng tháng trời để cõng thuốc về phục vụ chiến sĩ, chị Nhị rùng mình gạt nước mắt, kể: "Ngày đó, lớp lớp thanh niên lên đường góp chút sức để giải phóng quê hương. Người cầm súng, người dạy học, còn chị làm thầy thuốc chữa bệnh cho dân, cho cán bộ chiến sĩ. Chị hết ở Trạm xá đóng ở núi phía Tây của xã Nghĩa Lâm (Tư Nghĩa) rồi luân chuyển đến các xã phía Tây của huyện Trà Bồng.
Năm 1971-1973, chị cùng đồng đội phải thực hiện nhiệm vụ băng rừng qua Nam Trà My (Quảng Nam) cõng thuốc, băng bông, và lương thực về phục vụ cuộc chiến đấu. Mỗi cuộc hành quân kéo dài nhiều tháng trời. Có lúc, đoàn của chị như hứng cả bom rơi, có lúc chứng kiến cảnh máy bay phun màu nước trắng đục khắp các cánh rừng, lúc vắt qua, lúc vòng xéo lại. Nước trắng bắn cả trên người, trên đầu. Anh em cứ thế xuống suối mà tắm. Rồi che trại, hái lá tàu bay, đào củ mì, củ mài, múc nước suối nấu ăn mà không ai nghĩ đến hậu quả khôn lường của loài chất trắng ấy. Khi có chồng, sinh con, chị cũng đâu ngờ cái chất có màu trắng đục đó hủy hoại cơ thể chị xuyên đến thế hệ thứ hai, thứ 3 đến vậy...
Nỗi đau của mẹ
Nhà chị Nhị chỉ còn ba mẹ con. Người chồng chết cách đây 5 năm vì bị bệnh. Người con gái đầu nhiễm chất độc da cam thuộc diện gien trội. Người con trai thứ hai thuộc gien lặn. Chị Nhị nhìn con gái lắc đầu, nhìn vào tấm ảnh cưới của người con trai khá bảnh bao thì thở dài: "Hy vọng có chút thằng con này để có cháu bế, cháu bồng nối dõi, nhưng giờ nó không sinh con được".
Ảnh: Trường An |
Cái cảm giác đau nhói cứ lặng lẽ xoáy vào tâm can của vợ chồng chị khi không được làm bà, làm ông giống như cái thời mới sinh đứa con gái đầu lòng vậy. Ngày đó, chiến tranh kết thúc, vợ chồng chị được ở bên nhau, sinh được người con đầu. 3 tháng đầu, con gái no tròn, mủm mĩm trong bầu sữa mẹ. Đến tháng thứ 4 thì bé khóc thắt, khóc ré, òi ọp mãi trong đêm. 5 lần, 7 lượt, chị ôm con đến bệnh viện. Cuối cùng bác sĩ phán: Bé đã nhiễm chất độc da cam. Chị như tê dại người. Nỗi đau cứ gặm nhấm trong lòng người mẹ suốt đến 5 năm ròng.
Đến năm 1982, bạn bè động viên, chị mạnh dạn sinh được cháu trai khấu khỉnh. Niềm vui, niềm hy vọng về cuộc sống trở lại với người mẹ này cứ ngày càng nhân lên khi người con cơ thể phát triển bình thường, lanh lợi, học giỏi. "Đến năm học cấp 3 thì nó bắt đầu học chững lại và có triệu chứng đau đầu. Thi vào đại học không như mong muốn, học ba năm nó bỏ dỡ về cưới vợ... Thôi thì, không ép con để nó vui, và mình cũng hy vọng sớm có cháu bế. Nào ngờ..."-Chị Nhị bỏ lững câu nói, lau nước mắt chảy dài kể: "Con dâu mang bầu vừa hai tháng đã hỏng, lần hai lại hỏng, lần ba, lần bốn, lần 5 lại hỏng... Thấy bất bình thường chị khuyên con vào Bệnh viện Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh để chữa bệnh thì bác sĩ lại phán: Tinh trùng đã ảnh hưởng chất độc da cam, không thể sinh con được, nếu sinh thì người con cũng không lành lặn. Nghe con nói, mà mình lặng cả người. Ổng (chồng chị) buồn, bệnh tật lại đến sớm nên đã đi trước mình rồi...".
Phần thưởng Lương Định Của tặng mẹ
Hôm chúng tôi đến, chị Nhị đang loay hoay chăm sóc những chậu hoa lan trước hiên nhà. "Nhờ thằng con gầy dựng giàn hoa này. Không có cháu bế, cháu bồng, không chăm sóc con cái chúng được thì mình chăm hoa cho chúng, trước là để khuây khỏa thứ đến là giúp con cho nó vui"-Chị Nhị chia sẻ.
Kể từ ngày anh Đỗ Thanh Tùng con trai thứ của chị không sinh con được, anh đã quyết định dốc hết tâm trí vào chơi hoa phong lan. Vì có lần mẹ anh kể: Ngày xưa mỗi lần hành quân trên đường rừng núi thấy hoa lan nở khoe sắc giữa rừng già, mẹ có cảm giác như được bình yên trước bom rơi đạn lửa. Mẹ anh yêu hoa lan kể từ đó. Giờ, thời bình, bom đạn không còn, nhưng trong lòng mẹ anh luôn âm ỉ, dây dứt về sự bất hạnh của chính mình nên anh quyết định trồng hoa, cũng là một cách làm giúp mẹ vui.
Giàn hoa phong lan của anh Tùng đã đạt được giải thưởng Lương Định Của. Ảnh: Trường An |
Cứ mãi mê đeo đuổi ý nghĩ để xoa dịu nỗi đau của mẹ, anh cứ chăm sóc, tỉ mẫn bón phân, tưới nước, những nhành hoa lan cứ thế trãi dài nhánh, phát triển, nở rộ ở mỗi độ xuân về, mỗi dịp ngày lễ Quốc tế phụ nữ (8-3), ngày phụ nữ Việt Nam (20-10), nhành hoa lan tím biếc, nở rộ đầu tiên anh dành tặng mẹ.
Trong dịp này, nhiều người cũng thích hoa phong lan, anh bán kiếm chút tiền để chi tiêu... Nguồn thu cũng kha khá. Năm 2012, anh được Trung ương đoàn trao bằng chứng nhận đạt giải thưởng Lương Định Của-một phần thưởng cao quý dành cho "nhà nông trẻ suất sắc". Phần thưởng này anh dành tặng mẹ, còn đối với chị Nhị đó là phần thưởng mà chị khẳng định người con của mình đã có ích cho đời.
Trường An