(GLO)- Một dự án mang tính nhân văn với mong muốn từ nguồn kinh phí được tài trợ, học sinh vùng khó khăn được ăn uống đủ chất, phát triển toàn diện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Ban Giám hiệu (BGH) Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) có nhiều dấu hiệu bất thường…
Thực hư về suất ăn trưa của học sinh
Bà Phạm Thị Thảo-Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi. Ảnh: Nguyễn Tú |
Trường Tiểu học Lê Lợi là một trong 5 trường của huyện Phú Thiện tham gia chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (SEQAP) năm 2012-2013. Ngày 29-5-2012, UBND huyện Phú Thiện có Quyết định số 192/QĐ-UBND về việc phân bổ kinh phí cho Trường Tiểu học Lê Lợi trong năm học 2012-2013.
Theo đó, nhà trường có 230 em học sinh thuộc đối tượng gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có công với cách mạng… được hỗ trợ tiền ăn trưa, chia làm 2 đợt với số tiền là 81.652.000 đồng thuộc gói Quỹ phúc lợi học sinh. Chương trình SEQAP đề ra yêu cầu bắt buộc đối với các trường được hưởng lợi phải tổ chức nấu cơm trưa hoặc mua thức ăn cung cấp cho các em tại trường, không được cấp phát tiền mặt cho học sinh.
Theo đơn tố cáo của nhiều phụ huynh học sinh thì BGH Trường Tiểu học Lê Lợi mà đứng đầu là Hiệu trưởng Phạm Thị Thảo đã có những hành vi gian dối, hỗ trợ không đúng đối tượng, bớt tiền ăn trưa của học sinh trong quá trình thực hiện chương trình.
Trường Tiểu học Lê Lợi nơi các phụ huynh tố cáo có gian lận. Ảnh: Nguyễn Tú |
Cụ thể, đợt I thuộc học kỳ I, năm học 2012-2013, trong danh sách nhà trường lập có 103 em được hỗ trợ ăn trưa. Một tuần, mỗi em học sinh được hỗ trợ ăn hai bữa trưa (10.000 đồng/bữa). Số tiền các em được ăn trưa trong đợt I là 340.000 đồng/em. Nhưng ngày 18-10-2012, Hiệu trưởng Thảo chỉ đạo nhân viên Trần Thị Tho cấp một lần duy nhất một bữa ăn trưa bao gồm 1 hộp sữa tươi Fami, 1 gói bánh Oishy và 1 ổ bánh mì cho 45 em (gồm 39 em khối lớp 1 và 6 em khối lớp 2) chứ không phải cho tất cả 103 em.
Trong đợt II, vào ngày 24-4-2013 của học kỳ II, Hiệu trưởng Thảo chỉ đạo ông Nay Khem (bảo vệ trường) cấp thức ăn. Lần này cũng chỉ có 59 em được nhận, thay vì 127 em như danh sách của trường. Thức ăn được cấp phát giống như đợt I.
Khi có dư luận đòi hỏi về chế độ, đến tháng 6-2013, Hiệu trưởng trường tổ chức chi trả tiền mặt cho 127 em học sinh, mỗi em được trả 360.000 đồng. Đây là số tiền hỗ trợ học sinh thuộc đợt II thuộc kỳ II năm 2012-2013. Thế nhưng, nhà trường trừ lại 230.000 đồng tiền đồng phục và bắt đóng thêm 167.000 đồng tiền đóng góp cho năm học 2013-2014. Tuy vậy, nhà trường lại có hóa đơn, chứng từ chứng nhận đã cho học sinh ăn đầy đủ theo yêu cầu mỗi tuần ăn trưa hai lần của Chương trình SAQAP.
Ông Siu Duy Tuyến và Rah Lan Sơ Mi đã trao đổi với P.V Báo Gia Lai. Ảnh: Nguyễn Tú |
Điều đáng nói là, nhiều phụ huynh bức xúc vì nhà trường đã lừa dối, bắt ép phải ký vào danh sách đã nhận tiền đầy đủ cả hai đợt. Trong danh sách được nhận hỗ trợ của học sinh do nhà trường lập và được UBND xã xác nhận có đầy đủ chữ ký của phụ huynh nhưng nhiều phụ huynh lại phủ nhận mình ký vào danh sách đó vì không biết chữ.
Tại thôn Kế Tân 2 (xã Ia Sol, huyện Phú Thiện), bà Ksor H ra ngạc nhiên khi biết năm 2012-2013, con bà là Ksor Thiệu (học lớp 1) có tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ và có chữ ký của bà, trong khi bà chưa nhận tiền và không biết chữ. “Con mình kể lại trong kỳ I năm ngoái được nhà trường cho ăn một lần duy nhất thôi”- bà nói. Còn ông Siu Duy Tuyến (làng Mil), phụ huynh em Rah Lan Sơ Mi (học lớp 1) cho biết, vừa qua gia đình ông được nhận 360.000 đồng tiền hỗ trợ nhưng phải đóng tiền mua đồng phục, dù những bộ đồng phục từ năm ngoái của con ông vẫn còn tinh tươm và gia đình ông không thuộc hộ nghèo từ nhiều năm nay.
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi đã đến các làng, thôn: Kế Tân 1, Plei Tel A1, Plei Tel A2, Plei Tel B, Plei Tel B2, Plei Mil… gặp 10 gia đình có con nằm trong danh sách được hỗ trợ ăn trưa năm học 2012-2013 như: Bà Ksor Hmiên phụ huynh em Ksor Hnin học lớp 1; ông Kpă Thú có con là Siu Thúc học lớp 1; chị Ksor HChuyên phụ huynh em Ksor Mai Ly; chị Ksor HChiêu phụ huynh em Ksor Mai Hương; ông Siu Lút phụ huynh em Nay Thom lớp 3; Kpă HBru phụ huynh em Kpă Huyin lớp 3… để xác minh thêm.
Họ khẳng định các con khi theo học tại trường đều về khai được nhà trường cho uống sữa một lần duy nhất trong học kỳ I. Mới đây họ được nhận 360.000 đồng và bị nhà trường bắt buộc mua đồng phục mới. Các bậc phụ huynh còn cho biết thêm có một cô giáo xưng là kế toán trường đến xin chữ ký, mặc dù không hiểu rõ nhưng vẫn ký, do kính trọng cô giáo.
Hiệu trưởng loanh quanh, thoái thác
Các phụ huynh ở thôn Kế Tân 1 bức xúc vì nhà trường có dấu hiệu gian dối trong việc thực hiện Chương trình SEQAP. Ảnh: Nguyễn Tú |
Liên quan đến sự việc, chúng tôi đã đến Trường Tiểu học Lê Lợi gặp Hiệu trưởng Phạm Thị Thảo. Mới đầu, bà Thảo đồng ý làm việc và tiếp chuyện, tuy nhiên khi chúng tôi đề cập đến vấn đề tiền hỗ trợ cho học sinh nghèo theo Chương trình SEQAP, bà Thảo lấy lý do “phải có ý kiến lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Phú Thiện mới làm việc”. Nói rồi, bà vùng vằng bỏ đi sang phòng khác. Phải đến khi ông Lê Xuân Chương- Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện xuống tại trường, bà Thảo mới miễn cưỡng ngồi làm việc.
SEPQAP là chương trình do Ngân hàng Thế giới, Bộ Phát triển quốc tế Vương quốc Anh, Cơ quan Phát triển Vương quốc Bỉ tài trợ theo mô hình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu. Chương trình nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ngay từ cấp tiểu học, sau đó nâng dần lên các cấp cao hơn, từ học 1 buổi sang cả ngày, hướng tới 90% học sinh tiểu học học cả ngày vào năm 2020 và đến 2025 là 100% các trường trong cả nước. Học sinh tiểu học học cả ngày, kể cả khu vực khó khăn. (Nguồn: Internet). |
Trong quá trình trao đổi, khi được yêu cầu cung cấp danh sách học sinh đã ký, chứng từ, hóa đơn thanh toán đã quyết toán của chương trình, bà Thảo bảo rằng kế toán của nhà trường chưa đến được.
Sau nhiều lần chúng tôi yêu cầu được cung cấp giấy tờ liên quan, bà Thảo mới gọi kế toán từ phòng bên cạnh qua mở tủ lấy tài liệu. Thế nhưng, khi chúng tôi yêu cầu xin lại bản photo các chứng từ trên, cô này cầm tài liệu đi ra ngoài và không quay trở lại.
Đem những nội dung mà phụ huynh thắc mắc (như đã nêu trên-N.V) đề cập với bà Thảo, cái chúng tôi nhận được là lời phủ nhận sự việc từ vị Hiệu trưởng này. Theo bà Thảo, do nhà trường còn nhiều khó khăn về kinh phí, thiếu cơ sở vật chất, không thể tổ chức nấu ăn cho học sinh. Thay vào đó, nhà trường đã mua thức ăn và cấp phát đầy đủ cho học sinh trong hai đợt và đang triển khai nấu ăn trong năm học 2013-2014.
Việc tổ chức chi trả tiền mặt cho học sinh có sự đồng ý từ lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Phú Thiện. Không có chuyện sai sót trong việc thực hiện Chương trình SEQAP ở trường. Bà Thảo đổ lỗi cho các giáo viên chủ nhiệm đã không làm tròn chức trách khi phát thức ăn cho học sinh, cũng như yêu cầu xác nhận của gia đình.
Khi kết thúc buổi làm việc, bà Hiệu trưởng vẫn thừa nhận đã có sai sót ở một số điểm khi thực hiện Chương trình như: cấp không đúng đối tượng, trả tiền mặt cho học sinh, sai sót trong quá trình làm hóa đơn, chứng từ. Và lý do mà bà Thảo đưa ra là “vì năm đầu thực hiện chương trình còn nhiều bỡ ngỡ”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Xuân Chương-Phó Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Phú Thiện, cho biết: “Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện sẽ tổ chức kiểm tra xác minh sự việc, nếu có vi phạm sẽ nhắc nhở để chấn chỉnh trong nội bộ ngành”.
Nguyễn Tú