Cô đỡ Rơ Châm Alui tận tâm với dân làng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thân thiện, cởi mở, tận tâm trong công việc, cô đỡ thôn bản Rơ Châm Alui (SN 1987, ở làng Mrông Yố 2, xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai) luôn được mọi người tín nhiệm, yêu quý. Khi có thai phụ cần trợ giúp là chị nhanh chóng lên đường, không nề hà khó khăn.
14 năm làm cô đỡ
32 tuổi nhưng có đến 14 năm làm cô đỡ thôn bản, chị Alui đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm quý báu trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đến nay, chị đã thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm thai phụ ở làng Mrông Yố 2 và các làng lân cận; đỡ đẻ thành công cho hơn 30 ca sinh tại nhà; trợ giúp nhiều ca khó đến cơ sở y tế sinh đẻ mẹ tròn con vuông. Nói về cơ duyên đến với nghề, chị Alui kể: Ngày còn bé, chị thường theo mẹ đi đỡ đẻ cho người thân trong gia đình. Chứng kiến công việc mẹ làm giúp ích được cho nhiều người, từ đó chị cũng mong ước sau này lớn lên sẽ làm cô đỡ. Ý định này được cả nhà ủng hộ và khuyến khích nên Alui càng có thêm động lực phấn đấu thực hiện ước mơ của mình.
Chị Alui ngoài cùng bên phải. Ảnh: N.N
Chị Alui ngoài cùng bên phải. Ảnh: N.N
Năm 2005, Trạm Y tế xã cử Alui đi học khóa đào tạo cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ (TP. Hồ Chí Minh). “Qua 6 tháng đào tạo, mình có thêm kiến thức trong việc khám thai, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai trước và sau sinh, đặc biệt là kinh nghiệm trong việc đỡ đẻ an toàn. Sau khóa đào tạo, mình trở về làng và bắt đầu nghề cô đỡ từ đó đến nay. Không có lương hay phụ cấp nhưng mình vẫn quyết tâm gắn bó, bởi nó cần thiết, ý nghĩa”-chị Alui nói.
Trước đây, vì điều kiện kinh tế khó khăn, tập quán lạc hậu nên nhiều thai phụ ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đến các cơ sở y tế thăm khám sức khỏe. Không những vậy, nhiều người còn giữ thói quen sinh con tại nhà, dẫn đến không ít rủi ro. Từ ngày có Alui, các thai phụ làng Mrông Yố 2 và các làng lân cận đã được khám thai định kỳ, tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe sinh sản, lợi ích của việc sinh đẻ tại cơ sở y tế… Nhờ vậy, số ca sinh đẻ tại nhà giảm hẳn. Một số trường hợp sinh con tại nhà hoặc chuyển dạ không kịp đến cơ sở y tế, chị liền đến tận nơi trợ giúp.  
Gắn bó với nghề
Vất vả nhưng tâm huyết với nghề nên dù khó khăn mấy Alui đều cố gắng vượt qua. Nhiều thai phụ đau đẻ lúc đêm khuya, mưa gió nhưng nghe tin là chị nhanh chóng có mặt. Có những ca vượt cạn khó khăn, thai phụ chuyển dạ từ chiều đến tận sáng hôm sau mới sinh nhưng chị luôn ở bên cạnh động viên, trợ giúp. Có ca sinh khó, Alui hỗ trợ gia đình chuyển thai phụ đến cơ sở y tế sinh đẻ kịp thời, tránh được tai biến sản khoa. “Công việc vất vả nhưng nhìn mẹ và bé khỏe mạnh, an toàn là mình quên hết mệt nhọc”-Alui chia sẻ.
 Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (bìa phải)-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ trao tặng xe máy cho cô đỡ thôn bản tiêu biểu Rơ Châm Alui. Ảnh: N.N
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (bìa phải)-nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ trao tặng xe máy cho cô đỡ thôn bản tiêu biểu Rơ Châm Alui. Ảnh: N.N
Nhắc đến cô đỡ Alui, dân làng Mrông Yố 2 luôn dành những tình cảm trân trọng, biết ơn. Chị HThá cho biết: “Mình mang thai lần đầu, không có nhiều kinh nghiệm nên rất lo lắng. Nhờ có chị Alui tới lui thăm khám, tư vấn, hướng dẫn tận tình việc ăn uống, vận động, sinh hoạt nhằm đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé nên mình rất yên tâm. Nghe theo lời khuyên của chị Alui, mình sẽ đến cơ sở y tế sinh đẻ cho an toàn”. Cũng nhờ có Alui mà giữa tháng 3-2019, con gái bà Rơ Châm Phe đã vượt cạn thành công tại nhà. Bà Phe cho hay: “9 giờ tối, con mình có dấu hiệu chuyển dạ, mình chạy qua báo tin và Alui đã có mặt giúp đỡ kịp thời. Alui còn thường xuyên chăm sóc mẹ và bé cho đến khi cháu mình rụng rốn. Gia đình mình cảm động và biết ơn Alui nhiều lắm”.
Không chỉ là cô đỡ, Alui hiện còn đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng thôn kiêm Bí thư chi đoàn làng Mrông Yố 2. Ở vai trò nào chị cũng đều nỗ lực hết mình. Năm 2014, Alui vinh dự được kết nạp vào Đảng. Nhận xét về chị, bà Lê Thị Thanh-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Ka-cho biết: “Alui rất năng nổ, nhiệt tình, tích cực trong các hoạt động và luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người”. Tâm huyết với nghề, mãi tới ngoài 30 tuổi, Alui mới lập gia đình. Chị tâm sự: “Thuận lợi lớn nhất là chồng mình luôn thông cảm và chia sẻ để mình chuyên tâm với công việc. Mong rằng mình luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục giúp đỡ mọi người”.
 NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Khởi nghiệp ở 'cổng trời'

Vĩnh Sơn là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định). Nằm ở độ cao khoảng 800m so mặt nước biển, Vĩnh Sơn được ví von là “cổng trời”, mang nét đẹp nguyên sơ đặc trưng.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Chàng trai đam mê làm nông nghiệp sạch

Đam mê làm nông nghiệp, hướng đến những sản phẩm sạch, anh Nguyễn Mạnh Tường đã đầu tư phát triển mô hình liên kết sản xuất chế biến, tiêu thụ rau, củ, quả. Mô hình này vừa đạt giải Nhất cuộc thi Dự án khởi nghiệp thanh niên nông thôn tỉnh Hà Tĩnh năm 2024, do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức.