Chuyện lạ Đắk Lắk: Trồng cây thuốc quý khắp bờ rào, mái nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Lô Quốc Hợi vẫn lặn lội vào nhiều cánh rừng sâu ở tỉnh Đắk Lắk tìm kiếm các loài cây thuốc quý hiếm, hái lá, làm thuốc. Không chỉ hái lá thuốc quý từ rừng về, ông còn đưa nhiều loài cây thuốc quý về nhà trồng khắp các bờ rào, góc sân, ngoài vườn, thậm chí trồng trên cả...mái nhà. Đây là một trong những chuyện lạ Đắk Lắk...
Lặn lội khắp nơi tìm loài cây thuốc  quý
Đảo đều sàng thuốc Nam đang phơi giữa sân, ông Lô Quốc Hợi (68 tuổi, làng Thái, xã Ea Kueh, huyện Cư M'gar) vốc một nắm thân cây bắt đầu quắt khô, chìa ra cho phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, nói: "Đây là cây thuốc Nam có tên vương tôn đỏ, tôi đi rừng Buôn Đôn hái về từ 2 ngày trước".
Vương tôn đỏ, phèn đen, dứa gỗ... và nhiều loài cây thuốc Nam quý hiếm được ông Hợi lấy từ rừng Buôn Đôn. Ảnh: PL
Vương tôn đỏ, phèn đen, dứa gỗ... và nhiều loài cây thuốc Nam quý hiếm được ông Hợi lấy từ rừng Buôn Đôn. Ảnh: PL
Ông Hợi mới chính thức vào nghề làm thuốc Nam, bốc thuốc Nam được 20 năm. Nhưng từ khi còn là một cậu bé dân tộcThái, ông đã quen với nghề đi hái các loại cây rừng làm thuốc ở vùng núi  huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
"Mấy bà già trong làng có nghề làm thuốc Nam, họ lớn tuổi nên không còn leo trèo được. Thời đó túng bấn lắm, các bà hứa khâu cho mình cái áo. Sướng quá thế là đi theo hái cây, lá thuốc cho các bà ấy thôi chứ không có chủ định theo nghề làm thuốc Nam này".
Cây ba chét được ông Hợi mang từ quê rừng núi huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vào tỉnh Đắk Lắk trồng ở góc sân trước nhà. Ảnh: PL
Cây ba chét được ông Hợi mang từ quê rừng núi huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An vào tỉnh Đắk Lắk trồng ở góc sân trước nhà. Ảnh: PL
Về sau, ông Hợi lập gia đình. Không may, năm 1973, vợ ông bị chứng sản giật sau sinh. Tình thế hiểm nghèo đã buộc ông phải vận dụng nhiều bài thuốc Nam dân gian của "ông già, bà lão" dân tộc Thái mà ông còn nhớ khi ở huyện miền núi Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Từ các loại cây rừng vốn quen mặt từ tấm bé và kinh nghiệm hái lá thuốc Nam được người lớn bảo ban, ông đã tìm, chế biến các cây thuốc Nam chữa khỏi bệnh cho vợ. Sau đó, ông Lô Quốc Hợi quyết tâm theo học nghề làm thuốc Nam, chữa bệnh giúp người.
Giàn trà dây leo rợp nóc nhà sàn của ông Lô Quốc Hợi. Ảnh: PL
Giàn trà dây leo rợp nóc nhà sàn của ông Lô Quốc Hợi. Ảnh: PL
Vào vùng Ea Kuêh, tỉnh Đắk Lắk lập nghiệp từ năm 1992, ông Hợi cho biết, Tây Nguyên có nhiều cây thuốc quý hiếm đặc hữu. Một số loại thường gặp như huyết đằng, an xoa, sáo tam phân… đều có dược tính cao, được ông Hợi sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông y và thuốc "bí truyền" của người Thái chữa sỏi mật, sỏi thận, xương khớp, bệnh đường ruột, rắn cắn…
Trồng cây thuốc quý ở góc sân, bờ rào, mái nhà
Nay đã gần 70 tuổi nhưng sức khỏe ông Lô Quốc Hợi còn rất tốt, trí lực minh mẫn. Mỗi tuần, ông đều tự đi xe máy đến các cánh rừng cách nhà đến 45-50 cây số để tìm cây thuốc Nam làm thuốc Đông y. Có khi ông ngủ lại trong rừng vài đêm, kiếm đủ các loại lá thuốc mới về.
Một củ bình vôi to bự ông Hợi mang từ vùng rừng Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng về trồng trong góc sân. Củ bình vôi to bự này khiến nhiều người tò mò khám phá mỗi khi tới thăm, chơi gia đình ông Hợi. Ảnh: PL
Một củ bình vôi to bự ông Hợi mang từ vùng rừng Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng về trồng trong góc sân. Củ bình vôi to bự này khiến nhiều người tò mò khám phá mỗi khi tới thăm, chơi gia đình ông Hợi. Ảnh: PL
Một số cây thuốc quý hiếm không có ở Tây Nguyên, ông Hợi phải cất công mang chúng về trong những chuyến đi đến vùng Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), tỉnh Kon Tum, tỉnh Gia Lai, tỉnh Ninh Thuận…Ông  Lô Quốc Hợi tận dụng góc sân, bờ rào, mái nhà để trồng lại những cây thuốc quý này.
Vỏ cây rà đẹt lửa thường được ông Lô Quốc Hợi dùng trong nhiều bài thuốc Đông y chữa bệnh, cứu người. Ảnh: PL
Vỏ cây rà đẹt lửa thường được ông Lô Quốc Hợi dùng trong nhiều bài thuốc Đông y chữa bệnh, cứu người. Ảnh: PL
Trước cổng nhà ông Hợi có trồng một cây rà đẹt lửa, đang kết những chùm hoa màu cam bắt mắt. "Cả vùng này chỉ có 2 cây rà đẹt lửa thôi, tôi dùng nó thay cho cây, quả, thân cây núc nác để chữa một số bệnh về gan" – ông nói.
Quanh nhà ông Lô Quốc Hợi, nhiều cây cà gai leo, xạ nai, cam thảo mọc chen nhau ở bờ rào. Ảnh: PL
Quanh nhà ông Lô Quốc Hợi, nhiều cây cà gai leo, xạ nai, cam thảo mọc chen nhau ở bờ rào. Ảnh: PL
Ở sau nhà, ông tận dụng đất trống trong 1ha vườn trồng cà phê để trồng nhiều loại cây thuốc quý. Cà gai leo, xạ nai, cam thảo, đinh lăng, bạch hạc, bạch hoa xà, bo bo, sa nhân… Đếm sơ có đến vài chục loài cây thuốc Nam trong vườn. Riêng có một cây thất diệp nhất chi hoa ông Hợi quí như vàng, đem trồng trong chậu và che chắn kỹ càng, thường dùng vào các bài thuốc trị rắn cắn, quai bị.
Cây thất diệp nhất chi mai mà ông Hợi
Cây thất diệp nhất chi mai mà ông Hợi "quý như vàng". Ảnh: PL
Cộng đồng người Thái ở Tây Nguyên hiện không còn nhiều người theo học nghề thuốc Nam. Ông Hợi kể rằng, năm 2007, ông cứu được con trai của anh Vi Văn Phước, người cùng làng bị rắn độc cắn nguy kịch. Bố mẹ của anh Phước vốn cũng có nghề làm thuốc truyền thống nổi danh nhưng không có người con nào nối nghiệp.
"Có nhiều người trẻ muốn hành nghề nhưng lại không chịu bỏ nhiều thời gian để học hỏi. Với người Thái mình, phải có ít nhất 20 năm tìm hiểu về cây thuốc, cách làm thuốc Nam mới được chữa bệnh, cứu người".
Hiện ông Lô Quốc Hợi là hội viên của Hội Đông y tỉnh Đắk Lắk. Những bài thuốc Nam hữu hiệu, ông chia sẻ với nhiều người với mong muốn lưu giữ được nghề làm thuốc truyền thống của đồng bào người Thái.
Theo Phạm Ly (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Thành phố Buôn Ma Thuột sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025

Sáng 30/10, Ủy ban nhân dân thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức lễ công bố Nghị quyết số 1193 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột.

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Vụ sát hại người tình ở Lâm Đồng: Nữ sát nhân thử nghiệm đầu độc mèo trước

Ngày 25/10, theo thông tin từ Công an tỉnh Lâm Đồng, chiều 21/10, nhận tin báo từ người dân có ô tô rơi xuống vực trên đèo Bảo Lộc, Công an TP Bảo Lộc phối hợp với các lực lượng thuộc Công an tỉnh lập tức triển khai các biện pháp cứu hộ cứu nạn, điều tiết giao thông và điều tra nguyên nhân.