Chuyện ít biết về núi Ngọc Linh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tỉnh lộ 673 dẫn vào Vườn Quốc gia Ngọc Linh bắt đầu từ ngã ba Đak Tả, mạn chân đèo Lò Xo của đường Hồ Chí Minh thiên lý rẽ vào, ngang qua khu vực ngục Đak Glei, nơi nhà thơ Tố Hữu từng bị lưu đày và để lại những câu thơ: “Đường lên xứ lạ Kon Tum/Quanh quanh đèo chật trùng trùng núi cao/…Núi hỡi, từ đây băng xuống đó/ Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm trường?” trong bài thơ “Tiếng hát đi đày” của ông.

Rặng quần sơn Ngọc Kơ Ang thuộc dãy Trường Sơn có rất nhiều núi cao từ 800 m trở lên mà cao nhất là đỉnh Ngọc Linh với 2.598 mét. Đây là ngọn núi cao thứ nhì của Việt Nam sau đỉnh Fansipan. Ngọc Linh là cách gọi chệch âm Ngok Linh của ngôn ngữ đồng bào bản địa (Ngok là núi, Linh là tên riêng). Quây quanh Ngọc Linh còn có những đỉnh “đàn em” cao ngút ngát…

 

Núi Ngọc Linh. Ảnh: internet
Núi Ngọc Linh. Ảnh: internet

Với một liên hoàn núi non bao trùm 4 tỉnh từ toàn bộ Kon Tum, qua một phần Quảng Nam, sang một phần Quảng Ngãi, đến các huyện Kbang, Đak Đoa của tỉnh Gia Lai nên nó còn được gọi là Ngọc Linh Liên Sơn. Ngọc Linh Liên Sơn bắt đầu từ ngọn Ngọc Lum Heo ở Tây Bắc và kết ở Ngọc Rơ Ô phía Đông Nam. Đây cũng là đường phân thủy cho 2 hướng chảy của sông suối theo địa thế địa hình ở 2 bên sườn Đông và Tây Trường Sơn. Chảy về Đông có sông Thanh về Quảng Nam, sông Trà Khúc về Quảng Ngãi; chảy về Đông rồi ngoặt hướng Nam như sông Ba về Gia Lai để xuôi xuống Phú Yên…

Mãi đến đầu những năm 30 của thế kỷ trước, Ngọc Linh vẫn là chốn rừng thiêng nước độc, như một đoạn trong Hồi ký “Từ Hà Tĩnh đến nhà đày Kon Tum” của Ngô Đức Đệ, một cựu tù ở ngục Kon Tum: “Đã trải qua hàng chục năm mà đường 14 chỉ mới mở được đến Đak Tô, cách thị xã Kon Tum về phía Bắc độ 50 km. Bắt đầu từ thị xã Kon Tum trở lên về phía Bắc, triền núi càng ngày càng cao, vì khoảng này thuộc về chân núi Ngọc Linh, cao hơn mặt biển gần 2.600 m, là một trong những ngọn núi cao của Trường Sơn, đứng sững ở phía Bắc Đak Tô; chân núi ấy tỏa rộng ra 4 phía…

Vùng núi Ngọc Linh này rất hiểm trở, rừng già, cây cối cao to rậm rạp, từ xưa đến nay chưa ai khai thác gì, nhiều cây cao đến 100 mét, thân cây 2, 3 người ôm chưa khít tay. Núi cao tạo nên nhiều khe suối sâu, thác hiểm, ghềnh đá gồ ghề… Trong mùa mưa, núi rừng đổ lở, có khi sạt cả một khúc núi… Đứng trước cảnh hùng vỹ của núi rừng, mây mù bao phủ núi cao, xa kia róc rách tiếng suối chen lẫn tiếng xào xạc của lá rừng làm cho cảnh trời thêm uy nghiêm lộng lẫy, nếu ai đó chưa từng bén mảng đến núi rừng cũng đều phải chồn chân sởn gáy!”.

Với thế điệp trùng núi non hiểm trở, trầm mặc ngàn năm như thế nên Ngọc Linh ẩn chứa lắm điều kỳ bí, kiểu… truyện đường rừng! Những chuyện kể về các thợ sơn tràng một đi không trở lại, những tốp người tìm trầm, tìm sâm mất tích bí hiểm đến khó tin, những người lạ vào đây mắc phải nhiều căn bệnh vô phương cứu chữa do “ma rừng” hoặc bị Yàng trừng phạt!... Chuyện thung lũng Ngọc Rêu giữa bốn bề vách núi được mệnh danh “hẻm núi chết” là một ví dụ. Bà con ở đây từng kể lại nhiều vụ máy bay rơi mà không hiểu nguyên do, cũng không bao giờ tìm thấy xác, nhất là vào thời kỳ chiến tranh, kể cả máy bay nước ngoài! Các phi công gọi nơi này bằng cái tên “vùng xoáy lạ” bởi ở đây gió thăng giáng bất thường, có thể quật rơi máy bay khi bay vào khu vực. Vì vậy, khi qua vùng này họ đều tìm đường bay vòng, tránh xa “hẻm núi chết”.

Núi Ngọc Linh cây cối nguyên sinh dày đặc, có 46.574 ha rừng đặc dụng độc đáo. Đỉnh núi khói mây phủ trùm một màn sương huyền bí, che giấu những cảnh quan, thảm thực vật và các loài động vật phong phú, quý hiếm. Đặc biệt trong thảm thực vật được che giấu dưới màn sương ẩm ấy là cây nhân sâm. Sâm ở đây còn được gọi bằng nhiều tên như: sâm Ngọc Linh, sâm khu 5, sâm Việt Nam, sâm Đốt Trúc, củ ngải rơm con, “thuốc giấu”… (Bà con Xê Đăng, Giẻ Triêng, Châu… bản địa gọi sâm ở đây là “thuốc giấu” vì thấy nó có tác dụng như một loại thuốc quý, trị được bá chứng, nên giấu giữ để dành dùng dần, không muốn cho ai biết).

Đại ngàn Ngọc Linh cũng là nơi có các khu căn cứ địa cách mạng quan trọng trong suốt thời kỳ đánh Mỹ của 2 tỉnh Kon Tum, Quảng Nam và Liên khu 5 cũ; là nơi hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh hiểm trở chằng chịt như những mạch máu của cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ.

Để phá thế cô lập của vùng Ngọc Linh, tỉnh Kon Tum đang tiến hành mở một tỉnh lộ dài hơn 59 km nối từ thôn Ngọc Hoàng (xã Măng Bút, huyện Kon Plông) sang huyện Tu Mơ Rông, vắt về xã Ngọc Linh. Từ đây sẽ rút ngắn được chừng 60 cây số để về trung tâm tỉnh lỵ Kon Tum và tiện đường đi về các nơi khác nữa. Theo lời của các kỹ sư cầu đường giám sát thi công, đường nằm trên độ cao bình quân 1.800 m vắt vẻo giữa lưng chừng trời, lượn lờ qua các sườn núi cheo leo trong quần thể Ngọc Linh Liên Sơn. Khi hoàn tất nó sẽ phá vỡ thế độc đạo độc tôn của tỉnh lộ 673 hiện nay, sẽ là con đường xuyên sơn vô cùng kỳ vỹ. Và con đường này sẽ mở ra những khu du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa cùng các hoạt động thám hiểm, leo núi, khảo sát… như ở Fansipan-Hoàng Liên Sơn ở Tây Bắc.

Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm