Chuyển giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT: Cơ hội điều chỉnh luật Giáo dục

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chuyển giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, tạo nên một hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất, đồng bộ. Đây cũng là cơ hội để điều chỉnh luật Giáo dục và luật Giáo dục ĐH.

TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO CỦA GDNN THAY ĐỔI NHIỀU LẦN

Cùng với quá trình phát triển giáo dục và đào tạo, các luật Giáo dục, luật Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và luật Giáo dục ĐH (GDĐH) đã được ra đời, sau thời gian được sửa đổi bổ sung nhằm hoàn thiện và đồng bộ hơn. Riêng về trình độ đào tạo của GDNN và GDĐH đã có sự thay đổi theo thời gian, được thể hiện ở bảng dưới:

Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ các luật Giáo dục, luật GDNN và luật GDĐH
Nguồn: Tổng hợp của tác giả từ các luật Giáo dục, luật GDNN và luật GDĐH

Qua bảng trên cho thấy đã có những điểm chưa thống nhất về trình độ đào tạo của GDNN và GDĐH giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB-XH.

Trước hết, về các trình độ đào tạo của GDNN không nhất quán. Cụ thể, luật Giáo dục 2005, quy định GDNN có 4 trình độ (sơ cấp, trung cấp, CĐ, trung cấp chuyên nghiệp), luật Dạy nghề năm 2006 quy định GDNN có 3 trình độ (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, CĐ nghề), đến luật GDNN năm 2014 và luật Giáo dục 2019 quy định GDNN có 3 trình độ (sơ cấp, trung cấp và CĐ). Điều này làm cho người học không hiểu (sơ cấp, trung cấp, CĐ) và (sơ cấp nghề, trung cấp nghề, CĐ nghề) khác nhau như thế nào.

Thứ 2, trình độ đào tạo của GDĐH cũng không nhất quán. Luật Giáo dục 2005 và luật GDĐH năm 2012 quy định GDĐH có 4 trình độ (CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ) nhưng đến luật GDĐH sửa đổi năm 2018 và luật Giáo dục 2019 quy định GDĐH có 3 trình độ đào tạo (ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ). Điều này khác với thế giới, đa số các nước quy định GDĐH có 4 trình độ (CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ).

Thứ 3, luật GDNN coi GDNN là một bậc học riêng trong hệ thống giáo dục quốc dân là không tương thích với thông lệ quốc tế. Đa số các nước coi GDNN đào tạo các ngành nghề là một luồng đào tạo, hòa vào các bậc học. Chẳng hạn, ở trung học bậc thấp (có 2 luồng: phổ thông là THCS, còn luồng nghề là sơ học nghề); ở trung học bậc cao (có 2 luồng: phổ thông là THPT, còn luồng nghề là trung học nghề). Việc coi GDNN là một bậc học nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và CĐ đã xóa mất ranh giới giữa GDNN và giáo dục chuyên nghiệp nên việc phân luồng học sinh (HS) sau THCS, THPT và liên thông từ trình độ trung cấp và CĐ lên ĐH có nhiều trở ngại.

Vì vậy, để đảm bảo phân luồng HS và liên thông giữa các trình độ thông suốt, cần quy định trình độ CĐ thuộc về GDĐH.

Một giờ học của học sinh trường trung cấp nghề. Hiện nay hệ thống trường này chịu sự quản lý của Bộ LĐ-TB-XH. ẢNH: MỸ QUYÊN
Một giờ học của học sinh trường trung cấp nghề. Hiện nay hệ thống trường này chịu sự quản lý của Bộ LĐ-TB-XH. ẢNH: MỸ QUYÊN

TRUNG TÂM GDNN VÀ GDTX SẼ THUẬN LỢI

Hiện nay, các trung tâm GDNN và GDTX trực thuộc UBND cấp huyện. Hoạt động của những trung tâm này được thực hiện theo 2 văn bản khác nhau, đó là Thông tư 05/2020/TT-BLĐTBXH ngày 16.8.2020 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN công lập cấp huyện; và Thông tư 01/2023/TT-BGDĐT ngày 6.1.2023 quy định quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm GDNN - GDTX.

Ngay tại Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT cũng thể hiện sự mâu thuẫn. Tại điều 2, quy định về vị trí pháp lý và quản lý nhà nước đối với trung tâm, khẳng định đây là cơ sở GDTX thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, chịu sự quản lý nhà nước về GDTX của Bộ GD-ĐT; hoạt động GDNN của Bộ LĐ-TB-XH; đồng thời chịu sự quản lý nhà nước của UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Điều này rất khó cho các trung tâm hoạt động.

Một khó khăn mà nhiều giám đốc các trung tâm này nêu ra là trong những năm gần đây, về thiết bị dạy nghề của trung tâm không được đầu tư, do chương trình mục tiêu quốc gia thuộc Bộ LĐ-TB-XH chỉ đầu tư thiết bị cho các cơ sở GDNN, không có mục đầu tư cho trung tâm GDNN - GDTX. Việc dạy và học chủ yếu của các trung tâm này là các lớp hệ GDTX lớp 10, 11 và 12.

Vì vậy, nói rằng HS sau THCS có 3 luồng học tập tiếp là: THPT, trung tâm GDNN - GDTX và cơ sở GDNN, nhưng thực chất chỉ có 2 luồng.

Trên thế giới không có trung tâm GDNN - GDTX như ở VN mà là một trường trung học nghề (hoặc là trung học kỹ thuật), vừa học nghề vừa học văn hóa những môn cần thiết. HS tốt nghiệp trung học nghề được cấp bằng "trung học nghề" tương đương bằng "trung học phổ thông", có quyền tuyển sinh ĐH đối với các trường ĐH ứng dụng và thực hành.

Ở nước ta, mô hình trường trung học kỹ thuật được triển khai thí điểm ở Phú Thọ, Quảng Bình, Đồng Tháp và Cần Thơ trong giai đoạn sau năm 2001. Tuy nhiên sau hơn 10 năm thực hiện mô hình này (HS vừa học nghề vừa học THPT), cho thấy nhiều bất cập, dẫn đến phải dừng thí điểm. Bất cập lớn nhất là thiết bị dạy nghề không được đầu tư như các trường trung cấp nghề và CĐ nghề. Tình trạng hoàn toàn giống với các trung tâm GDNN - GDTX hiện nay.

Vì vậy, khi GDNN chuyển về Bộ GD-ĐT cần đánh giá hiệu quả hoạt động của trung tâm GDNN - GDTX, nếu không hiệu quả thì dừng hoạt động của các trung tâm này và chuyển phần dạy văn hóa cho các trường trung cấp nghề, CĐ nghề. Mỗi tỉnh chỉ giữ lại vài trung tâm GDTX làm nhiệm vụ phổ cập giáo dục.

Chuyển giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT sẽ tạo nên một hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất, đồng bộ. ảnh: Mỹ quyên
Chuyển giáo dục nghề nghiệp về Bộ GD-ĐT sẽ tạo nên một hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất, đồng bộ. ảnh: Mỹ quyên

ĐỂ TƯƠNG THÍCH VỚI PHÂN LOẠI GIÁO DỤC QUỐC TẾ

Nhằm đáp ứng yêu cầu phân loại và đối chiếu quốc tế trong lĩnh vực giáo dục, UNESCO đã xây dựng bảng phân loại quốc tế về giáo dục (ISCED). Bảng phân loại đầu tiên được thông qua năm 1975, gọi là ISCED 1976. Từ đó đến nay, UNESCO đã công bố 2 bản tiếp theo là ISCED 1997 và ISCED 2011. Trên 160 nước, vùng lãnh thổ đã vận dụng ISCED 2011.

Theo ISCED 2011, hệ thống giáo dục chia làm 9 cấp độ. Cấp độ 0: giáo dục mầm non; cấp độ 1: giáo dục tiểu học; cấp độ 2 (THCS và sơ học nghề); cấp độ 3 (THPT và trung học nghề); cấp độ 4: sau trung học nhưng không phải là ĐH; cấp độ 5: CĐ, là ĐH ngắn hạn; cấp độ 6: cử nhân và tương đương; cấp độ 7: thạc sĩ và tương đương; cấp độ 8: tiến sĩ.

Ở nước ta, năm 2016, Chính phủ ban hành Quyết định 1982/QĐ-TTg phê duyệt khung trình độ quốc gia. Về bậc trình độ, bao gồm 8 bậc: Bậc 1 - sơ cấp I, bậc 2 - sơ cấp II, bậc 3 - sơ cấp III, bậc 4 - trung cấp, bậc 5 - CĐ, bậc 6 - ĐH, bậc 7 - thạc sĩ, bậc 8 - tiến sĩ.

Theo ISCED 2011, các cấp độ 2, 3 thuộc về giáo dục trung học, các cấp độ 5, 6, 7 và 8 thuộc về bậc GDĐH, trong khi VN coi cấp độ 5 (CĐ thuộc GDNN). Cùng đó, cấp độ 4 trong ISCED 2011 rất đa dạng, nhiều trình độ khác nhau nhưng không phải là ĐH, còn theo quy định của VN, cấp độ 4 là trung cấp.

Vì vậy, để tương thích với phân loại giáo dục quốc tế, nhằm thuận lợi trong việc tạo điều kiện cho các nước công nhận bằng cấp của VN và chuyển đổi lao động giữa VN và các nước dễ dàng, cần sửa đổi, bổ sung luật Giáo dục như sau:

Sửa luật Giáo dục 2019 quy định trình độ đào tạo CĐ thuộc GDĐH.

Cần xem xét, đánh giá lại mô hình trung tâm GDNN - GDTX, nên chuyển mô hình này thành trung học nghề hay trung học kỹ thuật như nhiều nước.

Nên quy định giáo dục bắt buộc 9 năm như tinh thần của Nghị quyết 29-NQ/TW nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn cấp THCS; khi GDNN chuyển về Bộ GD-ĐT sẽ có điều kiện phân luồng HS sau THCS tốt hơn.

Theo Hồ Sỹ Anh (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

Tiềm ẩn nhiều yếu tố mất an toàn giao thông trước cổng trường

(GLO)- Trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn nhiều trường học có cổng ra vào nằm cạnh đường quốc lộ và tỉnh lộ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) rất cao. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần triển khai các giải pháp nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến học sinh.

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

Cô giáo Huỳnh Thị Cẩm Hồng: Kiên trì "ươm mầm" tri thức ở vùng khó

(GLO)- Suốt 7 năm công tác tại điểm trường làng Châu (Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Nguyễn Khuyến, xã Chư Krêy, huyện Kông Chro), cô Huỳnh Thị Cẩm Hồng luôn vượt khó kiên trì bám lớp. Càng thương học trò, cô càng quyết tâm "ươm mầm" tri thức, giúp các em có một tương lai tươi sáng hơn.

Trường học hạnh phúc

Trường học hạnh phúc

Một “trường học hạnh phúc”, không chỉ ở trường lớp khang trang, cảnh quan đẹp, trang thiết bị hiện đại, mà quan trọng nhất, phải là nơi học sinh, giáo viên, cán bộ nhân viên thấy an toàn, được yêu thương, tôn trọng, hăng say giảng dạy và học tập.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Thầy giáo 'Idol'

Thầy giáo 'Idol'

Ở Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang, học sinh gọi thầy giáo Phùng Văn Tráng, SN 1990, Bí thư Đoàn trường, là Idol (thần tượng). Không chỉ dạy giỏi, thầy luôn “sống cho đi”, giản dị.

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học: Nhiều hệ lụy

Nhà vệ sinh bẩn trong trường học, nhiều hệ lụy

(GLO)- Những bức tường bám đầy rong rêu, thiết bị vệ sinh bám bẩn ố vàng, bốc mùi khó chịu, quá tải… là hiện trạng chung đang diễn ra tại không ít trường học đứng chân trên địa bàn các xã ở tỉnh Gia Lai. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tâm lý của học sinh lẫn mỹ quan học đường.