Chuyên gia kinh tế chỉ ra cách phát triển Buôn Ma Thuột đúng tầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 
Thành phố Buôn Ma Thuột đang được coi là thủ phủ vùng Tây Nguyên
"Một mô hình trung tâm của cả vùng mà công nghiệp chế biến sản phẩm đặc trưng lại không đặt ở đây. Doanh nghiệp lớn không có, công nghiệp không có, dịch vụ tăng trưởng thấp hơn vùng nông thôn là điều khó chấp nhận”
Ý kiến được PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo thực hiện kết luận số 60-KL/TW, ngày 27.11.2009 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên - giai đoạn 2010 – 2020, phương hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến  năm 2045, sáng 28.3.
Ông Trần Đình Thiên lí giải, mặc dù TP. Buôn Ma Thuột ngày càng định hình là đô thị lớn nhất Tây Nguyên, là trung tâm phát triển của vùng, nhưng thực tế nhiều người vẫn cảm thấy không thỏa mãn về cách thức phát triển của TP. Buôn Ma Thuột, đặc biệt là với vai trò -  chức năng được trao là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
 
PGS. TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam.
Qua kết quả phát triển tổng quát của TP. Buôn Ma Thuột giai đoạn vừa qua, ông Thiên nhận định, thành tích tăng trưởng chung của TP. Buôn Ma Thuột không có gì nổi bật so với thành tích của cả tỉnh Đắk Lắk. 
Ông Thiên dẫn chứng, thành tích tăng trưởng của Đắk Lắk, tuy không thấp, song chưa thể nói là đáng tự hào, nhất là khi mặt bằng xuất phát thấp và mức tăng dân số cơ học rất cao (45%).
“Nên lưu ý rằng, GDP/người năm 2018 của Đắk Lắk có nhiều tiềm năng và lợi thế phát triển bậc nhất vùng Tây Nguyên (đạt 41,1 triệu đồng). Tuy vậy vẫn thấp xa so với mức GDP đầu người trung bình của cả nước…
Chỉ số này có lẽ phản ánh xu hướng tốc độ đô thị hóa chậm lại, cách tiếp cận đô thị hóa, phát triển TP. Buôn Ma Thuột vẫn chưa thay đổi, không có tính đột phá, không phù hợp với khát vọng – mục tiêu, với logic phát triển hiện đại đã được xác định trong tư duy chiến lược, công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước và của Tây Nguyên “ – PGS.TS Trần Đình Thiên nói.
Nhiều vấn đề trong việc định hướng phát triển TP. Buôn Ma Thuột trở thành thủ vùng Tây Nguyên được ông Trần Đình Thiên nêu lên.
Ông Thiên đặt câu hỏi, TP. Buôn Ma Thuột là trung tâm vùng nhưng không có cảng biển cũng không có cảng hàng không quốc tế. Đó là chưa kể TP. Buôn Ma Thuột có một nền công nghiệp chế biến chưa phát triển.
Cà phê là thứ đặc sắc nhất với tên gọi thánh địa cà phê… thế nhưng bây giờ,  Đắk Lắk – Buôn Ma Thuột chỉ là nơi trồng cà phê. Việc rang xay cà phê vẫn vận chuyển xuống các tỉnh phía Nam để chế biến.
"Một mô hình trung tâm của cả vùng mà công nghiệp chế biến sản phẩm đặc trưng lại không đặt ở đây. Doanh nghiệp lớn không có, công nghiệp không có, dịch vụ tăng trưởng thấp hơn vùng nông thôn là điều khó chấp nhận” - từ các thực tế trên, ông Thiên đưa ra nhiều giải pháp để phát triển đúng tầm của trung tâm vùng Tây Nguyên.
Đó là Đắk Lắk phải thoát nhanh khỏi tư duy cục bộ, coi phát triển Buôn Ma Thuột là việc riêng của Đắk Lắk… Phải thống nhất về tầm quan trọng của phát triển Tây Nguyên để có cách tiếp cận phát triển TP. Buôn Ma Thuột đúng tầm, đúng cách.
Hữu Long (LĐO)

Có thể bạn quan tâm