Chuyện "đồng áng" trên núi lửa Chư Đang Ya

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tây Nguyên đã bước vào mùa mưa. Nhờ có nguồn nước tưới tự nhiên, nông dân bắt đầu vụ gieo trồng đầu tiên trong năm trên ngọn núi lửa Chư Đang Ya (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Ngọn núi lửa này hứa hẹn khoác lên mình tấm áo mới dệt nên từ những thảm cây xanh tốt.
Giữa trưa, vợ chồng ông Lê Danh Tiến (thôn Ngô Sơn, xã Chư Đang Ya) vẫn miệt mài vun xới cho đám dong riềng được 2-3 nách lá. Ông Tiến vui vẻ cho biết: “Địa hình ở đây rất dốc, thi thoảng có đá nên chỉ dựa vào lao động chân tay hoặc sử dụng sức kéo trâu bò”.
Đầu mùa mưa, cỏ dại vừa kịp phủ một lớp mỏng trên mặt đất. Ông Tiến sử dụng cày tay và nhờ sức kéo của bò để làm cỏ. Mũi cày xẻ một đường ở giữa hai hàng dong riềng, hất lớp đất phủ đều ra hai bên vừa lấp đám cỏ, vừa tạo thành luống nhỏ vun gốc cây. “Năm nay, tôi trồng 4,5 ha dong riềng trên núi lửa Chư Đang Ya. Đầu tháng 3 Âm lịch, khi trời vừa đổ 1-2 trận mưa, tôi đã xuống giống. Đợt gần đây có mấy trận mưa lớn, dong riềng đủ sức bật lá mới”-ông Tiến cho hay.
Là một trong những hộ canh tác lâu năm trên đỉnh Chư Đang Ya với 40 ha dong riềng, bà Dương Thị Thoa (làng Ia Gri) cho hay: “Nhờ canh tác trên ngọn núi này, tôi đã gầy dựng được cơ sở sản xuất tinh bột dong riềng nho nhỏ. Bởi vậy, ngoài trồng dong riềng, đến mùa thu hoạch, gia đình tôi còn bao luôn việc thu mua củ dong riềng tươi của bà con quanh đây”. Theo bà Thoa, dong riềng hợp với đất Chư Đang Ya nên chất lượng tinh bột rất cao, được các cơ sở sản xuất miến dong ưa chuộng. Đặc biệt, vào mùa trổ bông, dong riềng tô điểm thêm vẻ đẹp cho ngọn núi lửa Chư Đang Ya. “Từ ngày Chư Đang Ya được nhiều người biết đến, vào mùa dong riềng nở hoa, khách đến tham quan đông lắm. Những người làm vườn như chúng tôi cũng thấy vui lây”-bà Thoa bày tỏ niềm vui.
Người dân chăm sóc cây dong riềng trên núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Hải Lê
Người dân chăm sóc cây dong riềng trên núi lửa Chư Đang Ya. Ảnh: Hải Lê
Nhìn từ xa, núi lửa Chư Đang Ya có vóc dáng vươn cao như chiếc mái nhà rông khổng lồ. Vào mùa hoa dã quỳ nở rộ, vẻ đẹp ấy thêm phần lung linh nhờ những thảm hoa vàng rực rỡ xen vạt nương xanh tươi của dong riềng, khoai lang... Ngọn núi khi ấy giống một cô gái vốn đã xinh xắn còn được trang điểm để thêm phần nổi bật hơn.
Vụ mùa năm nay, chỉ tính riêng trên khu vực ngọn Chư Đang Ya, người dân gieo trồng khoảng 145 ha dong riềng, 120 ha bí đỏ, mì và các cây trồng khác. Hiện tại, bà con đã gần như hoàn tất mùa vụ gieo trồng trên núi. Ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Đang Ya-cho hay: “Đất ở núi lửa Chư Đang Ya rất màu mỡ nhưng do không có nguồn nước tưới chủ động nên bà con chủ yếu trồng cây ngắn ngày. Với địa hình sườn dốc là chủ yếu, việc canh tác trên núi cũng rất vất vả, tốn công sức. Tuy nhiên, nương rẫy của họ thực sự như khoác lên ngọn núi này những chiếc áo rực rỡ, tươi mát”.
HẢI LÊ

Có thể bạn quan tâm

Bên dòng Đăk Bla

Bên dòng Đăk Bla

Sông Đăk Bla thường được gọi với tên gọi “Dòng sông chảy ngược” cùng những truyền thuyết, thần thoại. Thế nhưng, không chỉ có sự độc đáo và bí ẩn đầy hấp dẫn, Đăk Bla còn là dòng sông mang lại sự trù phú, ấm no với những bãi bồi xanh mướt cây trồng và tiềm năng kinh tế du lịch đang được “đánh thức”.

Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Infographic Chùm ảnh: Ruộng bậc thang Kon Tu Rằng vào mùa lúa chín

Vào tháng 6 hàng năm, những thửaruộng bậc thang thôn Kon Tu Rằng (xã Măng Cành, huyện Kon Plông) bắt đầu chín rộ. Những thửa ruộng bậc thang vàng rực, trải dài ven các triền núi xanh ngát xuống bờ sông Đăk Bla khiến khung cảnh nơi đây trở nên tuyệt đẹp, thu hút đông đảo du khách đến thưởng ngoạn.

Bắt chồng giữa đại ngàn

Bắt chồng giữa đại ngàn

Nằm nép mình dưới chân núi Voi hùng vĩ, thôn Đarahoa hiện có hơn 340 hộ dân sinh sống, trong đó 80% là đồng bào dân tộc K’Ho. Không chỉ nổi bật bởi khung cảnh đại ngàn thơ mộng, Đarahoa còn gìn giữ một trong những phong tục đặc sắc bậc nhất của người K’Ho, tục "bắt chồng".

null