Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ số trong ngành nông nghiệp. Cụ thể, trong trồng trọt đã ứng dụng phần mềm quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0 phục vụ công tác thống kê dự báo tình hình sâu bệnh hại cây trồng; phối hợp triển khai thực hiện cơ sở dữ liệu về quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói... Toàn tỉnh hiện có 209 mã số vùng trồng với tổng diện tích hơn 9.005 ha và 33 mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ...
Cùng với đó, các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi cũng được định hướng đưa vào áp dụng để từng bước phát triển bền vững như: ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý quá trình chăn nuôi (con giống, thức ăn, thuốc thú y, quy trình chăn nuôi); xây dựng chỉ dẫn địa lý, thương hiệu sản phẩm, khai báo tình hình dịch bệnh trên hệ thống VAHIS. Tỉnh cũng chuyển dần từ hình thức nuôi trồng thủy sản quảng canh sang hình thức nuôi đơn tính, nuôi bán thâm canh, sử dụng vitamin và khoáng chất, phòng-chống dịch bệnh bằng chế phẩm sinh học.
Các đại biểu tham quan sản phẩm tại hội thảo chuyển đổi số trong nông nghiệp và PTNT các tỉnh Tây Nguyên thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Ảnh: L.N |
Hiện nay, toàn tỉnh có 327 sản phẩm OCOP đạt 3-4 sao. Các sản phẩm OCOP đã được đưa lên sàn thương mại điện tử như: ocopgialai.vn, voso.vn, postmart.vn, SmartGAP, KiotVIET, Sendo, Lazada, Shopee, Tiki… Ông Trịnh Quang Hải-Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thảo Nguyên (xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) cho biết: Để tiêu thụ sản phẩm, ngoài kênh truyền thống tại các cửa hàng, Hợp tác xã đang hướng đến tiêu thụ qua các kênh online như: Zalo, Facebook hay sàn thương mại điện tử ocopgialai.vn…
Về lâm nghiệp, tỉnh cũng đã ứng dụng công nghệ GIS và ảnh viễn thám từ các phần mềm cảnh báo cháy rừng (Hotspot GLA); phát hiện mất rừng, cháy rừng từ ảnh vệ tinh theo thời gian thực (Gia Lai FFW). Cùng với đó, sử dụng phần mềm bản đồ trên smartphone giúp nhân viên kiểm lâm thực hiện việc tuần tra, kiểm tra, quản lý địa bàn đến từng lô rừng một cách hiệu quả nhất. Ứng dụng phần mềm trong công tác theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, sử dụng ảnh vệ tinh trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; ứng dụng công nghệ trong giám sát, quản lý, theo dõi và phát hiện sớm mất rừng bằng phần mềm QGIS. Các phần mềm này có độ chính xác cao, phạm vi quản lý rộng giúp tiết kiệm nhân lực, chi phí; cập nhật diễn biến rừng hàng năm trên hệ thống FRMS.
Máy bay phun thuốc của Công ty TNHH một thành viên Xuất nhập khẩu rau quả DOVECO. Ảnh: L.N |
Liên quan đến việc ứng dụng cộng nghệ số trong phát triển nông nghiệp, ông Nguyễn Dũng-Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, Trưởng cơ quan đại diện miền Trung-Tây Nguyên-cho biết: Để góp phần phát triển nông nghiệp bền vững ở các tỉnh Tây Nguyên không còn cách nào khác là phải nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản sau thu hoạch, chế biến sâu và kết nối thị trường để nâng cao giá trị hàng hóa nông sản xuất khẩu.
Đề cập công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đoàn Ngọc Có cho biết: Ngành Nông nghiệp và PTNT xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, ngành Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu vật lý ảo để ứng dụng trong việc bảo quản và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông-lâm nghiệp, áp dụng truy xuất nguồn gốc gắn với mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đảm bảo yêu cầu cho tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Xây dựng, hoàn thiện và phát triển hình thức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín hoặc liên kết giữa các khâu theo chuỗi với sự vào cuộc quyết liệt của 4 nhà. Ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cảm biến, công nghệ nano trong sản xuất nông nghiệp chính xác, công nghệ cao, công nghệ máy bay không người lái trong giám sát và sản xuất nông nghiệp.