(GLO)- Tranh thủ lúc nông nhàn, anh Tình (SN 1976, dân tộc Jrai, ở làng Jut 1, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) làm thêm nghề “thợ đụng”-nghề mà ai kêu gì làm đó. Nghề này tuy vất vả nhưng nếu chịu khó trung bình một tháng cũng kiếm vài triệu đồng chăm lo cho gia đình.
Lúc rảnh rỗi, Gríu (người đứng) lại theo phụ việc cho cha. Ảnh: N.N |
Tôi gặp anh Tình khi vô tình đến chơi nhà anh Nguyễn Anh Tuấn-một người quen. Nhà anh Tuấn đang sửa đường ống thoát nước. Theo lời gia chủ, anh Tình vốn là mối quen do một người bạn giới thiệu, tiền công khá mềm mà làm việc không nề hà khó khăn, lại tỉ mỉ, cẩn thận, thậm chí làm xuyên đêm nếu gia chủ yêu cầu. “Nhà cô nếu có sửa sang gì thì cứ kêu ảnh đến làm, an tâm lắm”-anh Tuấn giới thiệu.
Gặp lúc công việc cũng đã gần xong, tôi tranh thủ bắt chuyện. Anh Tình kể: Vợ chồng mình có 4 người con, 3 gái, 1 trai. Con gái lớn đã lập gia đình và hiện là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai; 3 đứa sau (đứa bé nhất 6 tuổi) đều đang đi học. Kinh tế gia đình mình trước đây phụ thuộc vào việc trồng mấy sào lúa rẫy với 500 gốc cà phê nên khá bấp bênh. Cũng may cái nghề “thợ đụng” đã giúp mình có thêm thu nhập. Mình chỉ làm việc này vào những tháng nông nhàn, ai kêu gì mình làm nấy. Tùy theo tính chất công việc mà tiền công khác nhau.
Theo anh Tình, anh bắt đầu theo nghề “thợ đụng” vào năm 2006. “Thời điểm đó, vợ mình mới sinh con thứ 3. Cả 5 miệng ăn chỉ trông chờ vào 500 gốc cà phê và vài sào lúa rẫy, được mùa thì cũng đủ ăn còn mất mùa thì coi như đói. Thấy một số người trong làng tranh thủ việc đồng áng đã xong thì kiếm việc làm thêm, mình cũng xin đi theo phụ rồi tranh thủ học việc. Bây giờ thì mình cũng thạo nghề thợ hồ và biết một số việc khác nên nếu ai gọi, việc ít thì hai cha con đi còn việc nhiều hơn thì gọi thêm anh em trong làng đi cùng”-anh Tình cho biết.
Thấm thoắt mà anh Tình đã theo cái nghề “thợ đụng” 11 năm. Nếu tháng nào việc nhiều, anh cũng kiếm thêm gần chục triệu đồng. Nhờ số tiền thu nhập thêm này mà vợ chồng anh đã lo được cho con cái ăn học. Quệt mồ hôi trên trán, anh Tình bộc bạch: “Đời mình khổ rồi bây giờ phải ráng lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Chỉ có học thì sau này mới không khổ như cha mẹ chúng. Con trai mình đang học lớp 9, thấy cha mẹ vất vả nhiều lần nó đòi nghỉ học để theo phụ cha kiếm tiền nhưng mình không cho mà luôn động viên con cố gắng học hành. Đời mình đã khổ rồi, có khổ thêm tí nữa cũng chịu nhưng nhất quyết không để con cái phải bỏ học”.
Nghe cha nói, Gríu (SN 2001, con trai anh Tình) không nói gì chỉ lẳng lặng trộn hồ cho cha. Thỉnh thoảng cha cần phụ gì Gríu nhanh nhẩu làm ngay. Mới 16 tuổi nhưng Gríu đã ra dáng một thanh niên khỏe mạnh và cũng thạo việc như cha.
Dù thường xuyên theo phụ việc cho cha nhưng Gríu vẫn luôn làm đầy đủ các bài tập trước khi đến lớp, hiếm khi bỏ lỡ buổi học nào. Gríu cho biết: “Những lúc được nghỉ học, nếu ai gọi cha đi làm thì em cũng đi theo để phụ giúp. Công việc tuy vất vả nhưng quen rồi nên cũng thấy bình thường thôi, chỉ cần mình siêng năng, chịu khó một tí là được. Cũng đã mấy lần em xin cha bỏ học để đi làm kiếm tiền phụ giúp nuôi em nhưng cha bảo phải học, còn việc kiếm tiền để đó cha lo…”.
11 năm theo nghề “thợ đụng”, theo anh Tình, cái nghề vốn định sẵn nhiều vất vả, nhọc nhằn và đòi hỏi người làm phải đa năng, có sức khỏe ổn định, công việc nhiều lúc phải làm xuyên đêm vì gia chủ yêu cầu, khi đã nhận việc thì phải làm đến nơi đến chốn… Nghề “thợ đụng” tuy vất vả nhưng đem lại cho gia đình anh nguồn thu nhập ổn định, giúp anh chăm lo cho gia đình, nuôi nấng các con ăn học. Đó chính là niềm hạnh phúc, là nguồn động lực để anh Tình tiếp tục theo nghề.
“Tại làng Jut 1, nơi tôi sinh sống, nhiều người cũng theo nghề “thợ đụng”. Thanh niên trong làng có việc làm kiếm thêm thu nhập vào những ngày nông nhàn nên cũng bớt tụ tập nhậu nhẹt. Nhờ thế đời sống người dân không chỉ được cải thiện mà an ninh trật tự tại làng xã cũng ổn định hơn”-anh Tình cho biết thêm.
Như Nguyện