Chương trình hành động của Chính phủ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-  Mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm xây dựng và phát triển Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

 Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng. Ảnh: Tấn Kần/TNO
Phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng. Ảnh: Tấn Kần/TNO



Ngày 15-11, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 152/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Việc ban hành Nghị quyết về Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 23-NQ/TW nhằm xây dựng và phát triển Tây Nguyên là vùng phát triển nhanh, bền vững dựa trên kinh tế xanh, tuần hoàn; giàu bản sắc văn hóa dân tộc, điểm đến đặc sắc, hấp dẫn khách du lịch trong nước và quốc tế.

Theo đó, Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm đạt được các mục tiêu của Nghị quyết.

Chương trình hành động của Chính phủ là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch hành động của từng bộ, cơ quan và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, phấn đấu cao nhất đạt được các mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 23-NQ/TW.

Cùng đó, Chương trình hành động nhằm thể hiện được định hướng chỉ đạo của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng các tỉnh vùng Tây Nguyên; đồng thời xác định rõ vai trò, nhiệm vụ chủ yếu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ và khu vực duyên hải Trung Bộ tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách có tính đột phá; hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức điều phối, liên kết phát triển vùng, tiểu vùng; điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách, đặc thù về phát triển vùng Tây Nguyên; huy động và phân bổ nguồn lực thực hiện các dự án quan trọng đảm bảo xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với quốc phòng, an ninh và đối ngoại.


 

Nằm ở cửa ngõ của Tây Nguyên, tỉnh Đak Nông có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch. Trong ảnh: Điểm du lịch hồ Tà Đùng tại xã Đắk Som, huyện Đắk G’long. (Ảnh: TTXVN phát)
Nằm ở cửa ngõ của Tây Nguyên, tỉnh Đak Nông có nhiều lợi thế về tài nguyên du lịch. Trong ảnh: Điểm du lịch hồ Tà Đùng tại xã Đắk Som, huyện Đắk G’long. (Ảnh: TTXVN phát)



Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng

Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu đạt các chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 khoảng 7%-7,5%.

Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 triệu đồng, tương đương 5.000 USD; tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,5% trong GRDP; khu vực công nghiệp-xây dựng chiếm khoảng 26,9%; khu vực dịch vụ chiếm khoảng 38%.

Giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt khoảng 6,5%; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP khoảng 39%.

Đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%- 30%. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì giảm 1,0%/năm-1,5%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm. Tỷ lệ cơ sở giáo dục đạt chuẩn quốc gia với giáo dục mầm non khoảng 60%; tiểu học khoảng 65%, trung học cơ sở khoảng 75% và trung học phổ thông khoảng 60%. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sĩ trên 10.000 dân. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.

Đến năm 2030, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 47%. Tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư đô thị đạt 100%, ở nông thôn đạt 98%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý theo quy định đạt 98%. Đạt 100% đối với các chỉ tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ, cơ sở y tế được thu gom xử lý; tỷ lệ khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Đạt 95% tỉ lệ rác thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý theo quy định.

7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể nêu trên, Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh trong vùng tập trung chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng.

Củ thể: Công tác quán triệt, tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; Phát triển kinh tế vùng nhanh và bền vững: Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng, lấy phát triển nông, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá.

Bên cạnh đó, phát triển văn hóa, xã hội và nguồn nhân lực, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng, du lịch đặc sắc: Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi toàn vùng tới các cảng biển, cảng hàng không nội địa và quốc tế. Đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành một số hạ tầng giao thông quan trọng: Tuyến cao tốc Quy Nhơn-Pleiku, Khánh Hòa- Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa-Chơn Thành, Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương.

Đồng thời, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách liên kết vùng: Thống nhất cao ở tất cả các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng, liên vùng để tạo không gian kinh tế thống nhất, khắc phục các điểm nghẽn, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao khả năng cạnh tranh vùng. Nghiên cứu xây dựng và thể chế hoá cơ chế điều phối và kết nối phát triển vùng nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động liên kết nội vùng và với vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh khu vực duyên hải Trung Bộ.

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại: Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh và đẩy mạnh công tác đối ngoại; kiên quyết bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; khu vực, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm sâu sắc hơn các quan hệ đối ngoại, đặc biệt là với các nước láng giềng, các nước trong và khuôn khổ hợp tác tiểu vùng Mê Công như hợp tác Tiểu vùng Mê Công mở rộng, trong các khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia.

Nghị quyết cũng nêu: Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị: Tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, quy định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh tạo chuyển biến thực sự trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Thực hiện hiệu quả các chủ trương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn; hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

 

G.B
 

Có thể bạn quan tâm