(GLO)- Với sự vận động, tuyên truyền tích cực của các câu lạc bộ (CLB) “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, gần 3 năm qua, huyện Chư Sê (Gia Lai) đã ngăn chặn được gần 30 cặp dự tính kết hôn khi chưa đủ tuổi và nhiều trường hợp hôn nhân cận huyết thống.
“Nói không” với hủ tục
Chúng tôi cùng chị Rơ Mah H'Dong-Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ, Chủ nhiệm CLB “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” làng Hăng Ring (thị trấn Chư Sê) tới thăm nhà bà Kpuih Jip vào một buổi chiều muộn. Gia đình bà Jip có cô con gái là Kpuih Linh đòi kết hôn khi mới 15 tuổi nhưng đã được CLB vận động, ngăn chặn thành công. “Để gia đình từ bỏ ý định cho con kết hôn sớm, chúng tôi mất 3 buổi tối đến nhà vận động. “Mưa dầm thấm lâu”, gia đình cũng đồng ý và giải thích cho con hiểu rằng kết hôn sớm sẽ ảnh hưởng nhiều mặt như sức khỏe, kinh tế, tạo dựng hạnh phúc gia đình”-chị H'Dong cho biết. Trò chuyện với chúng tôi, bà Jip kể, ông bà có 4 người con nhưng không có đất sản xuất. Ngoài đi làm thuê, gia đình mượn 2 sào đất để trồng lúa nhưng vẫn không đủ ăn. Vì vậy, khi nghe Linh trình bày về việc kết hôn, ông bà chỉ nghĩ đơn giản là có thêm lao động sẽ cải thiện được thu nhập nên đã đồng ý. “Sau khi hiểu về những hệ lụy của việc tảo hôn, tôi khuyên con gái chưa nên bắt chồng sớm. Từ đó đến nay, nó đi làm thêm cho các quán cà phê nên gia đình cũng có thêm thu nhập đáng kể”-bà Jip chia sẻ.
Thành viên CLB trao đổi với gia đình bà Kpuih Jip về hệ lụy của tảo hôn. Ảnh: H.T |
Trao đổi với chúng tôi, bà Đào Ánh Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Chư Sê-cho hay: Từ khi đi vào hoạt động đến nay, CLB “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” làng Hăng Ring đã ngăn chặn được 4 trường hợp dự định kết hôn khi chưa đủ tuổi. “Để công tác tuyên truyền đạt kết quả, cán bộ Hội LHPN thị trấn đã cùng với Ban Chủ nhiệm CLB tuyên truyền, vận động bằng cách mời đầy đủ phụ huynh và các bạn trẻ liên quan đến họp tại hội trường thôn. Ngoài dùng lời lẽ tình cảm để thuyết phục, chúng tôi cũng nêu ra một số dẫn chứng cụ thể để làm rõ hệ lụy của nạn tảo hôn cũng như các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình. Khi hiểu ra, các cặp đôi đều đồng ý dừng việc kết hôn”-bà Hồng cho hay.
Tương tự, được thành lập từ năm 2017, đến nay, CLB “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” làng Gran (xã Ia Hlốp) đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Bà Vũ Thị Toan-Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Hlốp-cho biết: “Gran là làng xảy ra tảo hôn nhiều nhất xã. Vì vậy, Hội đã chọn những gia đình có uy tín hoặc có các con đang trong độ tuổi sắp kết hôn trong làng để thành lập CLB với sự tham gia của 30 thành viên. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đến nay đã có 7 cặp dừng kết hôn khi chưa đủ tuổi”. Cách đây 3 năm, Rơ Mah H'Đê (SN 2000) mới chỉ là học sinh lớp 9 nhưng đã có ý định bỏ học để “bắt chồng”. Thế nhưng, nhờ sự tuyên truyền của các thành viên CLB, H'Đê đã từ bỏ ý định này. Hiện H'Đê còn là thành viên tích cực của CLB trong việc vận động các bạn trẻ không nên kết hôn khi chưa đủ tuổi. “Trước đây, em chỉ nghĩ lấy chồng là để có người phụ gia đình làm kinh tế. Nhưng sau khi được tuyên truyền, em hiểu được rằng lấy chồng và sinh con sớm không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, hạnh phúc mà còn thêm gánh nặng về kinh tế. Vì vậy, dù 2 gia đình đã chuẩn bị cho đám cưới nhưng em vẫn quyết tâm dừng”-H'Đê chia sẻ.
Nhân rộng mô hình
Theo bà Rah Lan H'Thanh-Chủ tịch Hội LHPN huyện Chư Sê, đến nay, toàn huyện có 16 CLB “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện có 29 cặp đôi 16-17 tuổi từ bỏ ý định kết hôn. “Để đạt được kết quả này, Hội đã chỉ đạo Hội LHPN các xã và Ban chủ nhiệm các CLB đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho phụ huynh và các bạn trẻ. Thành viên các CLB lấy dẫn chứng cụ thể các trường hợp từ thực tế ngay trên địa bàn để phân tích về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống”-bà H'Thanh cho hay.
Tuy nhiên, theo bà H'Thanh, hiện nay, ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại một số hủ tục và quan niệm lạc hậu dẫn đến thực trạng này. Vì vậy, từ năm 2017 đến nay, toàn huyện vẫn xảy ra 50 trường hợp tảo hôn; đa phần những trường hợp này đã có bầu trước nên rất khó cho việc tuyên truyền, ngăn chặn. Trong khi đó, các quy chế xử phạt chưa đủ mạnh nên không có tính răn đe. “Thực tế, tảo hôn để lại rất nhiều hệ lụy đối với các cặp vợ chồng trẻ con như gặp khó về kinh tế vì phải phụ thuộc vào bố mẹ; sinh con sớm nên trẻ sinh ra yếu ớt, không đảm bảo về sức khỏe cả mẹ và con. Ngoài ra, nhiều trường hợp vì tuổi còn trẻ nên sau khi lập gia đình vẫn còn ham chơi dẫn đến mâu thuẫn, gây rạn nứt hạnh phúc gia đình. Do đó, thời gian tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình CLB “Nói không với tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” với mục tiêu mỗi thôn, làng đều có một CLB. Qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của người dân, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn”-Chủ tịch Hội LHPN huyện thông tin.
HỒNG THƯƠNG