Chư Pưh: Vượt khó để hoàn thành kế hoạch trồng rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn song với sự nỗ lực của chính quyền địa phương và người dân, huyện Chư Pưh (Gia Lai) đã hoàn thành vượt kế hoạch trồng rừng năm 2018.
Triển khai đồng bộ các biện pháp
Huyện Chư Pưh hiện có hơn 21.132 ha đất lâm nghiệp, trong đó, diện tích rừng tự nhiên là 2.035 ha. Năm 2018, huyện được tỉnh giao trồng 307 ha rừng, gồm 247 ha rừng sản xuất và 60 ha cây phân tán. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã giao cho UBND các xã triển khai trồng 127 ha, Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn trồng 120 ha rừng sản xuất. Đồng thời, trong giai đoạn 2017-2019, huyện sẽ triển khai thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng bị lấn chiếm (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn thu hồi trên 520 ha và 6 xã sẽ thu hồi trên 2.400 ha đất).
Để đạt kế hoạch tỉnh giao, huyện Chư Pưh đã thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm để trồng rừng từ cấp huyện đến cấp xã. Các ban chỉ đạo đã phối hợp với Mặt trận, các đoàn thể, hệ thống chính trị thôn, làng tổ chức 39 đợt tuyên truyền về chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng; chủ trương thu hồi đất rừng bị lấn chiếm để chuyển cây trồng phù hợp mục đích lâm nghiệp và trồng rừng. Bên cạnh đó, huyện xây dựng kế hoạch thiết kế diện tích trồng rừng và phương án trồng rừng kịp thời vụ; bố trí nguồn kinh phí, cây giống để hỗ trợ người dân trồng rừng. Theo đó, huyện đã hỗ trợ 7 triệu đồng/ha chia thành nhiều giai đoạn cho các hộ trồng rừng; cấp cây giống cho 127 hộ trồng rừng với diện tích hơn 111 ha.
 Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh kiểm tra chất lượng rừng trồng. Ảnh: N.T
Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh kiểm tra chất lượng rừng trồng. Ảnh: N.T
Nhờ đó, toàn huyện đã trồng được 294,2 ha rừng tập trung (đạt 113,2% kế hoạch tỉnh giao), chất lượng rừng trồng được đảm bảo. Trong đó, trồng rừng trong kế hoạch đất lâm nghiệp là 186,8 ha (Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Phú Nhơn trồng được 80 ha, các xã trồng 106,8 ha); trồng rừng ngoài kế hoạch đất lâm nghiệp là 107,4 ha. Tổng diện tích trồng cây phân tán các loại là 61,25 ha, đạt 102,08% kế hoạch tỉnh giao. Ngoài ra, Công ty Trường Thịnh đã tổ chức trồng được 100 ha rừng.
Bà Trần Thị Thanh Mỹ (thôn 6, xã Ia Le) cho biết: “Gia đình tôi đã tham gia trồng 14 ha keo lai. Việc trồng rừng không mất công chăm sóc nhiều mà lại có hiệu quả kinh tế, đồng thời góp phần chống xói mòn, sạt lở đất, cải thiện môi trường. Thấy gia đình tôi trồng rừng có hiệu quả, nhiều người dân trong xã cũng tham gia. Hiện tại, toàn bộ diện tích keo lai của gia đình tôi và người dân xã Ia Le đang phát triển tốt”.
Còn nhiều khó khăn
Dù hoàn thành vượt kế hoạch tỉnh giao nhưng công tác trồng rừng ở huyện Chư Pưh vẫn có những khó khăn, hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do người dân chưa nhận thức được hết ý nghĩa của việc trồng rừng; đa phần các hộ tham gia trồng rừng đều có đời sống khó khăn chỉ trông chờ vào kinh phí hỗ trợ của Nhà nước; các hộ dân đang làm rẫy trên đất lâm nghiệp nằm trong quy hoạch chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, nhận thức còn hạn chế...
Ông Phạm Văn Đạo-Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chư Pưh-cho biết: Người dân đăng ký trồng rừng rải rác, địa bàn rộng; tình trạng xâm lấn đất rừng còn phổ biến, diện tích đất rừng bị xâm lấn lớn, chia thành nhiều thửa nhỏ gây khó khăn cho việc xác định vị trí lô, khoảnh, tiểu khu. Bên cạnh đó, việc thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm gặp khó khăn bởi người dân chưa hiểu được chủ trương của việc thu hồi, sợ bị mất đất. Một số diện tích đất rừng do người từ địa phương khác đến canh tác nên việc tiếp cận để tuyên truyền, vận động còn khó khăn... Tuy nhiên, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền về chủ trương, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, thu hồi đất rừng bị lấn chiếm, lợi ích từ việc trồng rừng để người dân hiểu rõ, từ đó tự nguyện kê khai diện tích đất lấn chiếm đang làm rẫy.
Để công tác trồng rừng trên địa bàn đạt hiệu quả, ông Nguyễn Văn Khanh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh-cho hay: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với các xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân và các tổ chức, doanh nghiệp huy động quỹ đất lâm nghiệp có khả năng đưa vào trồng rừng. Đồng thời, phổ biến các chương trình, kế hoạch và chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với công tác trồng và phát triển rừng; tiến hành giao đất cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư để trồng rừng và phát triển rừng; tạo mọi điều kiện thuận lợi để người nhận khoán trồng và phát triển rừng ổn định lâu dài, hưởng lợi trực tiếp từ rừng. Bên cạnh đó, vận động người dân tiếp tục trồng và chăm sóc rừng, phát dọn thực bì, phòng-chống cháy rừng.
Ngọc Thu

Có thể bạn quan tâm

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Tiềm năng phát triển kinh tế từ Quy hoạch tỉnh Đắk Nông

Quy hoạch tỉnh Đắk Nông thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1757/QĐ-TTg ngày 31.12.2023 thể hiện rõ quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu nhằm tạo vị thế, đưa Đắk Nông phát triển nhanh và bền vững, xứng tầm với các tỉnh trong khu vực và cả nước.