(GLO)- Xuôi quốc lộ 14, qua Chư Sê, tới xã Ia Sol (huyện Phú Thiện), cách mấy chục cây số nữa đã nhìn thấy chếch bên tay trái núi quê hương Chư Mố (huyện Ia Pa). Thường thì núi mọc thành dãy hoặc kế tiếp nó là đồi. Nhưng núi Chư Mố như đột ngột mọc lên giữa những cánh đồng bằng phẳng, phì nhiêu của châu thổ sông Ayun. Nhìn từ xa, Chư Mố giống hình con voi đang gồng lưng kéo gỗ, giống một bầu sữa mẹ khổng lồ ưỡn tận trời xanh…
Từ ngã ba cây Xoài, men theo con đường bên hữu ngạn, tới Ia Trok (huyện Ia Pa) sum suê xoài, vú sữa là có bến sang Chư Mố. Mùa mưa, người ta đi đò. Còn lúc ấy-chừng hơn chục năm về trước-đang là cuối mùa khô, có thể xắn quần lội sông. Chỗ nước cạn nhất chỉ lưng bắp chân; sâu nhất cũng chỉ ngang đùi. Chiều, mặt trời đã xuống đến ngang xà dọc. Mặt trời còn đi chào hoa cỏ phía thượng nguồn nhưng vẫn kịp rải ánh vàng lấp lánh lên muôn trùng con sóng li ti nhỏ tràn đầy mặt sông.
Ảnh minh họa |
Nước sông trong leo lẻo. Có thể nhìn thấy từng đàn cá trắng bằng ngón tay tung tăng bơi lội. Chiều trang trọng như chiều Đường thi và dân dã như tự ngàn năm trước bước ra. Phù sa sông Ayun và sông Pa màu mỡ đã đi vào dân ca Jrai. Có biết bao nhiêu vụ đậu xanh, đậu tương, đậu phụng bời bời được thu hoạch ở nơi đây góp phần cải thiện cuộc sống. Đây đó bên bờ sông mênh mang cát là từng nhóm người đi lấy nước. Toàn phụ nữ và trẻ em. Họ khơi cát thành những hố nhỏ to bằng miệng cối giã gạo, sâu gần một sải tay, kiên nhẫn chờ nước rỉ vào rồi nghiêng bầu hứng. Lạ thế, dù là nước ở giọt, nước suối, nước hồ, nước sông… khi đã được đựng trong bầu thì lập tức trở nên mát ngọt, uống vô không đau bụng bao giờ. (Hiện nay, tiếc thay, có thể là do tiện lợi mà những quả bầu khô đựng nước dần vắng bóng. Thay thế chúng là những vỏ chai, can nhựa cáu bẩn, lạc loài).
Tới giữa sông thì gặp ông Ksor Keng-Bí thư Huyện ủy-vác xe đạp theo chiều ngược lại. Ánh mắt toát lên vẻ ngạc nhiên, mừng rỡ. Ông hỏi: “Đ. đi đâu đấy?”. “Dạ, em đi sưu tầm truyện cổ Jrai”. “Ô, quý hóa quá. Ráng giúp đồng bào nhé. Lũ trẻ bây giờ ít để ý. Còn những người già biết chuyện thì lần lượt về cõi A tâu cả rồi”. Ông nghiêng người chìa một tay bắt chặt tay tôi: “Hẹn gặp Đ. ở thị trấn nhé”.
Tôi tìm đến Trường THCS xã (nay là Trường THCS Nay Der. Hẳn giờ ở cõi Măng lung, người thầy giáo Jrai đầu tiên từ năm 1923 sẽ mát lòng mát dạ vì cho đến nay đã có hàng mấy ngàn con cháu đồng bào nối tiếp ông trên con đường dạy chữ dạy người). Tính đến hồi ấy, ngay ở ngôi trường này đã có ít nhất ba thầy-cô giáo người xã nhà: Nay Lộc, Ksor Thất, Kpă Lương tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tham gia sự nghiệp trồng người ngay trên mảnh đất quê hương. Điều tưởng như bình thường nhỏ nhặt nhưng trong bản chất thì lớn lao vô cùng. Trong bóng mát của những cây đa, cây rừng cổ thụ và rười rượi gió thổi từ phía sông lên, Kpă Lương dẫn tôi thăm trường rồi chỉ tay về phía Chư Mố: “Trên ấy chứa nhiều chuyện thần kỳ lắm đó thầy. Ví như trên núi có một cái hang sâu mà không ai dám vào. Ở cửa hang có một đống đá to, chất bởi những viên cuội nhỏ. Ông bà bảo: Xưa kia mỗi lần một chiến binh Jrai ra trận lại bỏ một viên đá cuội trắng vào đấy. Có đến cả vạn viên đá trắng. Lại chuyện những đêm tối trời người ta nghe tiếng chiêng đánh trận. Rồi những tia chớp của gươm thần lóe lên nhắc nhở con cháu về giặc ngoại xâm. Gà ngủ, cáo không ngủ. Phải luôn cảnh giác với kẻ thù…”. Rồi Kpă Lương đưa tôi về nhà em cách đấy chừng một cây số.
Trong mấy chục năm qua, tôi đã tới không biết bao nhiêu làng người Jrai nhưng chưa thấy làng nào to đẹp như ở nơi đây. Những ngôi nhà sàn bề thế, uy nghi, nghiêm ngắn hàng lối, cột nhà bằng gỗ quý, một người ôm… là những tín hiệu về chủ nhân của nó. Tôi thầm nghĩ: Người Jrai xưa kia đo mức độ giàu có, uy quyền bằng số lượng tôi tớ, chinh chiêng, ghè ché, nồi đồng thì như ở đây phải bổ sung một tiêu chí nữa là cột nhà sàn. Và cần nói ngay, với tôi, nhà sàn và rượu ghè là 2 “đặc sản” của Chư Mố. Rượu ghè Chư Mố có thể sánh ngang với rượu ghè bằng hạt kê của người Bahnar ở Kông Chro. Một thứ rượu vàng sánh như mật ong, thơm nức, ngọt ngào mà mạnh mẽ, uống vào thì “xếp vành tai lại”, say “tuột khố, tuột váy” như lời khấn khắc trên ghè. Và cũng từ đây, nghệ nhân Chư Mố sẽ kể cho bạn về những dũng sĩ Rít, Sét huyền thoại; những ngụ ngôn về những chú thỏ, rùa, khỉ, hổ, voi… có mô típ toàn nhân loại nhưng dứt khoát là của người Jrai bởi màu sắc địa phương của nó. Chư Mố là cả một kho truyện cổ.
Sẽ là rất phí hoài nếu sống ở Gia Lai mà chưa tới nơi đây một lần.
Chử Anh Đào