(GLO)- Những năm qua, bằng nhiều nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, công tác giảm nghèo trên địa bàn xã Chư Jôr (huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai) đã đạt được một số kết quả. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn trên 23% đòi hỏi xã phải nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới.
Thung lũng nghèo
Xã Chư Jôr như một thung lũng lượn sóng, nằm nép mình dưới chân núi Chư Jôr. Nơi đây vốn đã nghèo nay càng đìu hiu hơn khi mùa mưa bão đến. Từ trên đồi cao nhìn xuống, những ngôi nhà nằm thưa thớt bị bao phủ bởi màn mưa trắng xóa. Trên các con đường làng cũng im ắng bước chân người qua lại, trừ một số hộ đi bán bắp để đổi lấy cái ăn cho một ngày mưa bão.
Nước hồ Ia Nâm dâng cao nên những người dân sống bằng nghề đánh bắt cá đành phải xếp những tấm lưới cất vào góc nhà. Ảnh: T.H |
Đã 8 giờ sáng nhưng căn nhà của ông Ang Lai (làng Wet) vẫn bật đèn điện bởi ông không dám mở to cánh cửa để tránh mưa hắt vào nhà. Phía trước cửa, tấm lưới đánh cá đã được bó gọn, nằm im lìm một chỗ. Bên trong căn bếp, vợ chồng ông và các con đang dùng bữa sáng với vài gói mì tôm. Ông Lai bảo, nhà ông có tất thảy 8 người, quanh năm chỉ trông vào 3 sào lúa nước và việc đánh bắt cá bên hồ Ia Nâm. Mùa mưa đến, nước ở hồ dâng cao nên gia đình không thể đánh bắt cá và 3 sào ruộng cũng không gieo trồng được. Bởi vậy, bữa ăn của gia đình lúc đói, lúc no. Những lúc như thế này, ông chỉ biết ngồi bó gối đợi trời tạnh để đi làm thuê kiếm tiền đắp đổi qua ngày.
Cũng như gia đình ông Lai, gia đình bà Jìn thường xuyên phải đối diện với tình trạng thiếu ăn từng bữa. Bởi mấy năm nay, căn bệnh tim mạch, máu nhiễm mỡ liên tục hành hạ khiến bà không lao động được. Đã vậy, 7 đứa con của bà đã lập gia đình nhưng vì hoàn cảnh khó khăn nên không thể đỡ đần được mẹ, riêng đứa con út đã 20 tuổi nhưng bị bệnh đao nên không làm được gì. Bà Jìn than thở: “Do không lao động được nên tôi phải nhờ các con làm hộ 2 sào lúa để lấy gạo ăn qua ngày. Còn con bò được Nhà nước cấp năm 2014 đã đẻ được 1 con cũng phải nhờ các con chăn hộ. Vậy nên, giờ 2 mẹ con chỉ mong đàn bò phát triển khỏe mạnh để có cái phòng thân lúc đau ốm”.
Hoàn cảnh gia đình ông Lai và bà Jìn cũng là hoàn cảnh chung của nhiều hộ dân ở xã Chư Jôr. Bởi đa số người dân nơi đây đều sống bằng nghề đánh bắt cá và canh tác lúa nước. Tuy nhiên, vào mùa mưa, nước hồ dâng cao nên người dân không thể sản xuất lúa và càng không thể đánh bắt cá. Tất cả đều phải trông vào những đồng tiền kiếm được từ việc làm thuê.
Cần sự hỗ trợ từ nhiều phía
Xã Chư Jôr hiện có 266 hộ (97 hộ người Jrai) với trên 1.200 nhân khẩu. Toàn xã có hơn 1.166 ha đất tự nhiên nhưng chủ yếu là đất rừng, đất sản xuất chỉ 860 ha (gồm 400 ha lúa nước 1 vụ và 460 ha hoa màu). Trong đó, diện tích trồng hoa màu là đất cát nên sản xuất không hiệu quả, còn 400 ha lúa nước thì người dân của xã chỉ sản xuất 97 ha, số còn lại do người dân ở các xã lân cận đến canh tác. Để mưu sinh, một số hộ phải đi làm thuê hoặc thuê đất ở xã Chư Đăng Ya trồng cà phê, hồ tiêu, dong riềng, mía. Tuy nhiên, hàng năm, một số hộ vẫn rơi vào diện đói giáp hạt.
Trước tình hình đó, hàng năm, Đảng ủy xã Chư Jôr đã ra nghị quyết để định hướng phát triển kinh tế của xã. Ủy ban nhân dân xã cũng phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn để nâng cao trình độ sản xuất cho người dân. Đến nay, ngoài lúa nước, người dân đã trồng được 50 ha mía, 70 ha dong riềng và một ít hồ tiêu, cà phê. Ngoài ra, toàn xã cũng đã phát triển đàn bò được 800 con. Tuy nhiên, thu nhập của người dân không ổn định do trình độ sản xuất còn hạn chế nên năng suất các loại cây trồng đạt thấp; giá các loại nông sản bấp bênh; một số cây trồng chưa tìm được đầu ra ổn định như dong riềng. Do đó, tính đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 17 triệu đồng/năm. Xã có 62 hộ nghèo, 102 hộ cận nghèo và chỉ có 10 hộ khá.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Nội-Chủ tịch UBND xã Chư Jôr, cho biết: Để thúc đẩy kinh tế phát triển, xã đang định hướng vận động nhân dân phát triển đàn bò theo hướng chuyển dần sang chăn nuôi bò lai; chuyển đổi một số diện tích lúa 1 vụ sang trồng các cây ngắn ngày. Đồng thời, vận động các hộ cải tạo diện tích đất trồng lúa còn lại; không sản xuất manh mún mà hình thành cánh đồng mẫu lớn đối với cây mía và cây dong riềng để đạt hiệu quả sản xuất cao. Ngoài ra, xã cũng sẽ tiếp tục phối hợp tập huấn kỹ thuật sản xuất, đào tạo nghề theo hướng dịch vụ cho người dân và quy hoạch xây dựng một số công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh trong xã để từng bước xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, xã mong huyện Chư Pah tạo điều kiện về mặt chủ trương để xã triển khai đúng hướng các giải pháp giảm nghèo. Tỉnh và Trung ương cũng cần hỗ trợ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia để giúp xã xây dựng cơ sở hạ tầng; quan tâm mở các lớp dạy nghề, tạo việc làm cho người dân trên địa bàn…
Hồng Thương