Chủ động phương án ôn tập thi tốt nghiệp THPT

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến 11-8. Thời điểm này, thầy và trò khối lớp 12 của các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang tăng tốc ôn thi. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng đã yêu cầu các trường chủ động kế hoạch ôn tập, phụ đạo cho học sinh để các em nắm chắc kiến thức, ổn định tâm lý, sẵn sàng cho kỳ thi quan trọng sắp tới.
Bám sát đề thi tham khảo
Sau đợt nghỉ dài để phòng-chống dịch Covid-19, các trường học trên địa bàn tỉnh đã ổn định nền nếp dạy và học. Đối với khối lớp 12, để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, các giáo viên đang tập trung hướng dẫn học sinh ôn tập, phụ đạo kết hợp với học trực tuyến, học trên truyền hình.
Để đánh giá khách quan năng lực học sinh, Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) đã tổ chức cho 209 học sinh của 5 lớp khối 12 làm bài kiểm tra trên máy tính. Qua kết quả bài thi, nhà trường sẽ tiến hành phân loại học sinh để có kế hoạch phụ đạo phù hợp, nâng cao kiến thức cho các em. Em Trần Đình Hải (lớp 12A2) chia sẻ: “Với cách làm bài kiểm tra trên máy tính, chúng em được trải nghiệm nhiều đề thi, tránh tình trạng trao đổi, gian lận trong phòng thi. Từ đó, chúng em biết rõ được thực lực của mình để kịp thời bổ sung kiến thức”.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) được giáo viên tư vấn chọn bài thi phù hợp với năng lực. Ảnh: N.T
Học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Cao Vân (huyện Chư Sê) được giáo viên tư vấn chọn bài thi phù hợp với năng lực. Ảnh: N.T
Ngoài ra, Trường THPT Trần Cao Vân còn xây dựng phần mềm trắc nghiệm online theo ma trận của Bộ GD-ĐT đã công bố, đồng thời cấp tài khoản miễn phí cho học sinh để truy cập ôn tập. Thầy Bùi Quang Vinh-Hiệu trưởng nhà trường-cho biết: “Song song với việc học chính khóa, nhà trường tiếp tục triển khai dạy học online, phân loại để phụ đạo cho các em có nguy cơ rớt tốt nghiệp, thường xuyên thông báo tình hình học tập của các em đến phụ huynh qua tin nhắn”.
Ngay sau khi ban hành hướng dẫn tinh giản nội dung từng môn học ở các cấp, Bộ GD-ĐT đã công bố đề tham khảo dành cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 làm cơ sở để các trường tổ chức dạy học, định hướng ôn tập. Những ngày này, 67 học sinh lớp 12 của Trường THPT Chi Lăng (TP. Pleiku) thường xuyên được thầy cô cho làm các đề thi thử để kiểm tra, đánh giá năng lực. Thầy Đỗ Viết Huy-giáo viên môn Vật lý-cho hay: “Ngoài tiết chính khóa trên lớp, vào tiết tăng cường, giáo viên sẽ chia lớp thành nhiều nhóm nhỏ tùy theo năng lực học sinh để phụ đạo. Sau đó, các em được tổ chức thi thử để làm quen với đề. Dựa trên kết quả thu được, giáo viên sẽ tổng hợp những sai sót mà học sinh hay mắc phải để rút kinh nghiệm và đưa ra những phương án ôn tập phù hợp trong thời gian tới”. Em Nguyễn Trần Hồng Nhung (lớp 12A1) bày tỏ: “Sau khi Bộ GD-ĐT đưa ra chương trình tinh giản, thầy cô đã giúp chúng em ôn tập rất kỹ càng. Tuy có hơi lo lắng nhưng với sự giúp đỡ của thầy cô, chúng em tin rằng mình có thể vượt qua kỳ thi quan trọng sắp đến”.
Phát huy điểm mạnh, khắc phục khó khăn
Năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 11.905 học sinh lớp 12 hệ THPT và 640 học viên lớp 12 hệ giáo dục thường xuyên. Về công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho biết: Sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ biến phương án tổ chức kỳ thi đến các cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Cùng với đó, Sở phổ biến đề thi tham khảo (lần 2) mà Bộ GD-ĐT đã công bố để các nhóm, tổ chuyên môn nghiên cứu, phân tích về cấu trúc, định dạng, nội dung, độ phân hóa, phạm vi kiến thức... theo 4 mức độ (nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao).
Một tiết ôn tập môn Toán lớp 12 tại Trường THPT Chi Lăng (TP.Pleiku). Ảnh: N.T
Một tiết ôn tập môn Toán lớp 12 tại Trường THPT Chi Lăng (TP.Pleiku). Ảnh: N.T
Sở GD-ĐT cũng yêu cầu việc xây dựng kế hoạch và tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 theo các nhóm/lớp phải phù hợp với năng lực và nguyện vọng của các em; sắp xếp ôn tập, phụ đạo có hiệu quả, nhất là với những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp; thường xuyên cung cấp thông tin về kết quả học tập của học sinh cho phụ huynh. Các đơn vị trực thuộc Sở cần báo cáo kế hoạch tổ chức ôn tập và lập danh sách học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp, phân công giáo viên phụ trách để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT.
“Trên cơ sở đề thi tham khảo (lần 2), Sở GD-ĐT đã biên soạn 15 đề thi ở mỗi bộ môn để các trường làm tư liệu ôn tập cho học sinh. Cùng với đó, Sở cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác ôn thi (từ ngày 1-6 đến 31-7), qua đó thúc đẩy các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng kế hoạch dạy học, ôn thi phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị. Đồng thời điều chỉnh phương pháp dạy học, phát huy điểm mạnh, khắc phục khó khăn nhằm đảm bảo hiệu quả ôn tập, nâng cao tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết thêm.
NGỌC THU

Có thể bạn quan tâm

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

Bạo lực gia đình “hạ nhiệt”

(GLO)- Tổng số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Gia Lai giảm mạnh từ 1.800 vụ (năm 2014) xuống còn 44 vụ (6 tháng đầu năm 2024) đã cho thấy hiệu quả đáng ghi nhận trong nỗ lực đẩy lùi, “hạ nhiệt” thực trạng này bằng sự chung tay từ nhiều phía.
An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

An toàn từ mỗi bếp ăn gia đình

Trong Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng vừa được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ký ban hành, có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm (ATTP) Đà Nẵng.
Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

Kông Chro kéo giảm tình trạng tảo hôn

(GLO)- Những năm qua, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, nâng cao hiểu biết của người dân về hôn nhân và gia đình. Nhờ đó, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được kéo giảm.