Chơi vơi mùa nước nổi - Kỳ 2: 'Thoi thóp' làng nghề theo mùa lũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hằng năm, từ khoảng tháng 6 Âm lịch, các làng nghề phục vụ mùa nước nổi ở vùng biên giới Tây Nam trở nên nhộn nhịp. Tuy nhiên, những năm gần đây, lũ thấp, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt khiến làng nghề trở nên thoi thóp, đìu hiu.

Đìu hiu làng nghề

Ở cồn Cốc xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) có làng nghề đan lọp cá linh (dụng cụ đan bằng tre, dùng để đặt xuống nước cho tôm, cá… chui vào rồi nhấc lên) vang danh khắp miền Tây. Hằng năm, đến tầm tháng 6 Âm lịch, người dân trong cồn bắt đầu vào vụ sản xuất, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang Campuchia phục vụ người dân mùa nước nổi. Nhưng, nhiều năm nay, làng nghề rơi vào cảnh đìu hiu khi mùa nước nổi không còn “giàu có” như trước.

Bà Lê Thị Bảy ở xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) đang làm lọp cá linh.

Bà Lê Thị Bảy ở xã Phước Hưng (An Phú, An Giang) đang làm lọp cá linh.

Tháng 10/2023, ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, từ cầu cồn Cốc chạy sâu vào trong ấp vài trăm mét, khung cảnh rất vắng lặng. Cũng thời điểm này khoảng 5 năm trước, khi phóng viên đến tác nghiệp, không khí trong ấp sôi nổi, cứ cách vài nhà lại có nhà đan lọp cá linh, lọp tôm, cua. Theo tìm hiểu, trong ấp, giờ chỉ còn 1 - 2 nhà giữ nghề này. Ông Út Tòng - nghệ nhân làm lọp nổi tiếng ở xứ cồn Cốc đã mất cách nay hơn 2 năm. Con gái ông nối nghiệp, nhưng hằng ngày đi làm thuê kiếm sống, chỉ đêm về mới có thời gian rảnh rỗi làm lọp để kiếm thêm thu nhập, nhưng số lượng rất ít.

Trò chuyện với phóng viên, ông Bảy Lăng (82 tuổi) - người cố cựu ở cồn Cốc - bảo, nếu mùa nước nổi cứ dần cạn kiệt như hiện nay, thế hệ con cháu sẽ không còn biết đến nghề làm lọp “vang danh” của xứ này. Gia đình ông Bảy Lăng làm lọp cá linh mấy chục năm, nhưng từ khoảng 5 năm trước, ông đã nghỉ làm, một phần do sức khỏe yếu, nhưng quan trọng hơn là không còn hiệu quả, ít người mua.

Ông Bảy Lăng bảo, khoảng hơn chục năm trước, cồn nhộn nhịp cả ngày đêm, ghe xuồng tấp nập ghé về mua lọp để đánh bắt thủy sản mùa lũ. Các nhà trong cồn sáng đèn cả đêm, già trẻ lớn bé trong nhà đều cùng đan lọp. Nhiều khi 3 - 4 người trong gia đình phải thức trắng đêm đan lọp cho kịp giao hàng. Nhưng, càng về sau này, nước lũ về ít, người dân không mua lọp nữa, thương lái bên Campuchia cũng không sang như trước…

Làm xong hơn chục cái lọp cá linh, anh Bùi Phú Toàn mang ra cánh đồng nước trên địa bàn huyện An Phú để đặt. Anh cho biết, hôm trước đặt hơn 20 cái, dính được vài ký cá. “Đặt lọp một ngày kiếm được chừng 100.000 – 200.000 đồng là mừng. Có hôm không chạy (không dính con nào- PV), chỉ đủ ăn”, anh Toàn cho hay.

Theo lời giới thiệu của ông Bảy Lăng, chúng tôi tìm đến nhà bà Lê Thị Bảy (70 tuổi) - người vẫn giữ nghề đan lọp cá linh. Lúc phóng viên đến, trong ngôi nhà nhỏ, bà Bảy đang cùng con gái ngồi dưới nhà sàn đan lọp. Để làm được một chiếc lọp cũng cần nhiều công đoạn khá công phu. Theo bà Bảy, đầu tiên, thợ làm nghề phải chẻ tre rồi vót lấy phần lõi (gọi là nan tre). Tiếp đó, những nan tre này được đan thành thân lọp. Lọp cũng sẽ có phần hom, khiến cá chui vào mà không ra được. “Để hoàn thành một cái lọp cá linh hoàn chỉnh mất khá nhiều thời gian, đòi hỏi người thợ phải rất công phu và tỉ mỉ. Trung bình mỗi ngày thợ có nghề làm được khoảng 3 - 4 cái lọp cá linh”, bà Bảy nói.

Giữ nghề

Anh Bùi Phú Toàn mang lọp đi đặt.

Anh Bùi Phú Toàn mang lọp đi đặt.

Theo lời bà Bảy, khoảng 10 năm về trước, vào những tháng cao điểm (tháng 5 - 8 Âm lịch) gần như cả xóm ở cồn Cốc đều làm lọp, trung bình mỗi nhà 3 - 4 người, có nhà cả chục, thậm chí trên chục người làm cả ngày đêm. Nhà nào làm nhiều lên đến 3.000 - 4.000 cái/mùa, nhà ít thì vài trăm cái. Giá thời điểm đó khoảng 30.000 - 40.000 đồng/cái, cho thu nhập khá. Vài năm trở lại đây, lũ thấp, cá ngày càng ít nên ít người mua lọp. Vì thế, làng nghề trở nên vắng vẻ, người dân chuyển sang nghề khác. Hiện, bà Bảy và con gái là một trong ít hộ còn giữ nghề, tuy nhiên, số lượng lọp làm ra rất ít, chỉ khoảng vài trăm cái mỗi mùa, phục vụ nhu cầu của gia đình.

Chị Nguyễn Thị Kiều (con gái bà Bảy) biết làm lọp từ năm 15 tuổi. Chị gắn bó với nghề đến nay đã 20 năm. Chị bảo, lúc nhỏ thấy người lớn làm lọp nên học theo, riết rồi thuần thục, càng làm càng chuyên nghiệp. Do ngày càng ít người mua lọp, không có thu nhập nên vợ chồng chị Kiều lên Bình Dương tìm việc làm thuê. Được một thời gian, do công việc thu nhập thấp, trừ chi phí nhà trọ, sinh hoạt hằng tháng quá cao, không có tích góp, nên vợ chồng chị lại quay về cồn Cốc tiếp tục gắn bó với nghề làm lọp. Năm nay chị bàn với anh em trong nhà mua tre về tự làm rồi đến mùa nước nổi đem ra đồng đặt chứ không bán. “Mấy chục năm sống với nghề, đi đâu, làm gì rồi cũng nghĩ đến cái nghề đã nuôi sống gia đình mình bao thế hệ. Vợ chồng tôi cố gắng làm để lo cho con ăn học. Hy vọng sau này con thành tài, có công việc ổn định chứ bấp bênh như hiện nay khổ lắm”, chị Kiều tâm sự.

Ông Phan Văn Đỉnh ở ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, huyện An Phú (An Giang) làm lọp cua.

Ông Phan Văn Đỉnh ở ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội, huyện An Phú (An Giang) làm lọp cua.

Không riêng gì làng nghề đan lọp cá linh, nhiều làng nghề khác dọc tuyến biên giới Tây Nam cũng chung số phận. Những xóm nghề đông vui, nhộn nhịp một thời nay trở nên vắng lặng hay đã bị xóa sổ, chỉ còn trong ký ức. Ở ấp Bắc Đai, xã Nhơn Hội (An Phú, An Giang) cũng từng có nhiều người đan lọp bắt cua mùa lũ, nhưng nay dần mai một. Lúc chúng tôi đến, ông Phan Văn Đỉnh ở ấp Bắc Đai cùng vợ đang ngồi làm lọp cua bán cho khách. Ông Đỉnh sống ở đầu nguồn lũ, nhà cách biên giới tầm vài cây số. Trước đây, ông kết nối được để sang bên cánh đồng Campuchia đặt lọp, những năm trúng thu được cả chục triệu đồng mỗi mùa. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nước lũ về ít, tôm cua không còn nhiều, ông ở lại Việt Nam làm lọp để bán. “Nghề này gắn bó từ đời ông bà, đến mùa lũ mà không đặt lọp cũng buồn nên tôi ở nhà mua tre về làm lọp, vừa kiếm thêm thu nhập, vừa giữ nghề”, ông Đỉnh nói. Tiếp lời chồng, bà Trình Thị Lũy bảo, gia đình không ruộng đất, vợ chồng người con trai đã lên Bình Dương làm thuê, để cháu nội ở nhà cho ông bà chăm. Ở quê không có việc làm nên khoảng 3 tháng nay vợ chồng bà làm thêm nghề đan lọp cua để bán. “Mùa này vợ chồng tôi làm được vài trăm cái, bán trên chục triệu, trừ chi phí còn lời hơn 5 triệu. Nếu tính ra mỗi người chỉ thu nhập chưa đầy 1 triệu đồng/tháng”, bà Lũy nói.

(Còn nữa)

Có thể bạn quan tâm

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Xóa bỏ hủ tục 'cầm đồ thuốc độc'

Suốt thời gian dài, tệ nạn nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” ở miền núi Quảng Ngãi trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng, gây hoang mang, chia rẽ mối đoàn kết cộng đồng, nhiều người bị nghi ngờ có “đồ độc” phải bỏ làng vào rừng hoặc tự tử, thậm chí bị đánh đập dã man cho đến chết.

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Món quà tiên trên đỉnh Hô Tra

Chục cây số đường rừng, từ cao độ 1.500 m lên 2.500 m nhưng mất hơn 5 giờ chúng tôi mới đến nơi đang lưu giữ món quà tiên của bản Hô Tra (H.Tân Uyên, Lai Châu), chính là vạt rừng trà cổ thụ búp tím đang mùa vụ.