Cho và nhận tình thương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ phòng đón khách của Nhà điều dưỡng Tình thương Suối Hoa ở thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) nhìn ra, mưa vẫn trắng trời. Trên khoảng sân nhỏ, những bông hoa cánh bướm nghiêng ngả, cố tránh những hạt mưa sũng nước vẫn vàng rực một màu kiêu hãnh.

Ông Nguyễn Ngọc Cự, người phụ trách phương pháp trị liệu bằng cách sử dụng lửa (hay còn gọi là “hỏa long cứu”) được vận dụng theo nguyên lý chữa trị từ Đông y. Ảnh: N.HẠNH
Ông Nguyễn Ngọc Cự, người phụ trách phương pháp trị liệu bằng cách sử dụng lửa (hay còn gọi là “hỏa long cứu”) được vận dụng theo nguyên lý chữa trị từ Đông y. Ảnh: N.HẠNH


1. Câu chuyện bắt đầu với những câu xã giao thường tình cho đến khi cô gái ngồi trước mặt bẽn lẽn xưng tên là “Bh’nươch Thị Xem” khiến chúng tôi mắt tròn, mắt dẹt. Sự ngạc nhiên không phải từ vẻ bề ngoài sáng tươi, phong thái duyên dáng, hiện đại của cô điều dưỡng viên mà chính cái họ Bh’nươch khá quen thuộc của đồng bào Cơ tu ở các huyện miền núi Quảng Nam lại hiện hữu giữa một cơ sở chữa bệnh từ thiện cách nội thành Đà Nẵng gần 30 cây số.

Năm ngoái, khi Xem trở thành điều dưỡng viên tại Nhà điều dưỡng Tình thương (ĐDTT) Suối Hoa - một công việc thiện nguyện hoàn toàn không có lương bổng, bà con thôn Ra Đung quê cô (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) vô cùng thắc mắc. Một cô gái Cơ tu tốt nghiệp trung cấp điều dưỡng Ngoại - Sản ở Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam từ năm 2013 đâu phải là hạng xoàng. Nhưng sao lại...

Xem kể, khi cô cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay cũng là lúc mẹ cô ở quê bị bệnh thần kinh tọa đi lại rất khó khăn. Nhà nghèo không đủ tiền chữa chạy nên bệnh mẹ cô ngày càng nặng. Lúc đó nghe người ta nói ở Nhà ĐDTT Suối Hoa (cũ) ở Khu du lịch sinh thái Suối Hoa chữa bệnh miễn phí, cô liền đem mẹ xuống chữa trị. Khi lưu trú tại đây, với những kiến thức điều dưỡng đã học ở trường y, cô tranh thủ giúp các bệnh nhân và các thầy thuốc một số việc.

Chính tấm lòng yêu thương, tận tụy chữa bệnh của các lương y đã gieo vào trái tim cô gái trẻ một mầm yêu thương trong trẻo. Cô mỉm cười như bông hoa rừng nở giữa mùa đông đầy mưa gió: “Em luôn ấp ủ trong lòng, nếu sau này đủ duyên em sẽ về nơi này góp một chút công sức của mình để đáp lại tình cảm của mọi người”.

Sau khi bệnh tình mẹ thuyên giảm, cô theo bạn bè xuống nội thành Đà Nẵng kiếm việc làm, bởi nghe nói “ở thành phố kiếm được việc có nhiều tiền mà không mấy vất vả”. Mấy năm lăn lộn làm công nhân ở khu công nghiệp Hòa Khánh, làm buồng phòng khách sạn,... cuộc sống xô bồ ở thành phố khiến cô gái trẻ mệt mỏi.

Nhớ gia đình, nhớ rừng núi quê nhà đết rứt ruột, năm 2018 cô quay lại Suối Hoa, nơi đã từng giúp mẹ cô đỡ bệnh để xin theo các thầy thuốc làm thiện nguyện. Sự trở lại lần này đã đem cho cô một cái nhìn mới về cuộc sống. Mỗi ngày qua đi, cô thấy lòng bằng an hơn khi góp một chút công sức cùng các thầy thuốc chữa lành nỗi đau người bệnh.

2. Đã hơn 10 giờ trưa mà ngoài trời vẫn mưa trắng xóa, ông Lê Hoài Phong ở thôn Hòa Phát, xã Hòa Phú, đến nơi này chữa trị bệnh đau cột sống chép miệng than: “Ông trời làm ngặt nghèo quá hè! Mưa lớn kiểu ni răng mà về. Bệnh xương khớp mà gặp tiết trời mưa gió thì đau nhức thấu xương. May mà ngày mô cũng lên đây châm cứu nên cũng êm êm bớt vài phần!”.

Bà Phan Thị Tâm, cũng thôn Hòa Phát, chậm rãi nhấp chén nước chè cho biết: “Bệnh xương khớp kiểu thần kinh tọa ni là bệnh của người già. Tui cũng đi hết bệnh viện, nhà thương rồi nhưng không bao giờ dứt hẳn. Từ hồi có cái nhà điều dưỡng Suối Hoa ni gần nhà nên đi lại lấy thuốc châm cứu, thật tiện. Lại được miễn phí hoàn toàn nên dân nghèo như tụi tui mừng lắm!”.

Câu chuyện chữa bệnh thiện nguyện không phải là điều gì mới mẻ. Chữa bệnh cứu giúp người là tôn chỉ của nghề y. “Nhưng đối với Nhà ĐDTT Suối Hoa, công việc ấy đã trở thành mục tiêu lâu dài chứ không phải theo từng đợt”, Lương y Huỳnh Sự, Trưởng ban Điều hành Nhà ĐDTT Suối Hoa chia sẻ.
Ông Sự sinh ra trong một gia đình có 4 đời làm nghề thuốc.

Ông là một trong những thầy thuốc “mát tay” bám trụ với Nhà ĐDTT Suối Hoa từ những ngày đầu thành lập đến tận bây giờ. Ông Sự nói như giãi bày gan ruột: “Nhà điều dưỡng này là nơi cuối cùng mà bệnh nhân tìm đến sau khi không còn bệnh viện nào để đi hoặc không còn tiền để chữa. Lúc đó thể xác và tinh thần của họ đều kiệt quệ. Thầy thuốc chúng tôi không phải là người tài giỏi đến mức có thể cải tử hoàn sinh mà chỉ là người biết kích hoạt năng lượng sống, khả năng tự chữa bệnh (kháng thể) của từng bệnh nhân để mang lại cho họ cơ hội được lành bệnh”.

Chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn gỗ, tách trà đã nguội tự bao giờ nhưng câu chuyện vẫn còn nóng hổi. Ông Sự bảo, trong nghề làm thầy thuốc, ông đã chứng kiến nhiều sự hồi sinh kỳ diệu của bệnh nhân mà đôi khi không thể lý giải nổi. Đó là lần người mẹ Cơ tu già nua, lam lũ từ Đông Giang cõng theo 2 con sinh đôi bại liệt 27 năm xuống chữa bệnh.

Các thầy thuốc nhìn thân thể quặt quẹo, nhỏ thó như 2 đứa trẻ của bệnh nhân mà ái ngại. Họ động viên với nhau “Thôi còn nước, còn tát”. Sau khi tìm hiểu bệnh tình và bố trí chỗ ăn ở cho ba mẹ con, ông Sự đã vận dụng bài châm dọc hai bên cột sống (Giáp tích) do GS. Nguyễn Tài Thu - bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực Đông y - truyền dạy để châm cho người bệnh. Mới châm lần đầu, hôm sau bệnh nhân đã có biểu hiện nhúc nhích lưng và giữ được bàn chân trên xe lăn…

 

Cô gái Cơ tu Bh’nươch Thị Xem cảm thấy thấy vui và hạnh phúc khi được chia sẻ yêu thương trong công việc của mình ở Nhà điều dưỡng Tình thương Suối Hoa. Ảnh: N. HẠNH
Cô gái Cơ tu Bh’nươch Thị Xem cảm thấy thấy vui và hạnh phúc khi được chia sẻ yêu thương trong công việc của mình ở Nhà điều dưỡng Tình thương Suối Hoa. Ảnh: N. HẠNH
Nhà điều dưỡng Tình thương Suối Hoa được thành lập từ năm 2013 tại Khu du lịch sinh thái Suối Hoa của ông Nguyễn Phước Hùng. Đến đầu năm 2021, sau khi chuyển nhượng khu du lịch cho chủ sở hữu khác, ông Hùng mua trên 800m2 đất (trong đó có 300m2 đất ở) tại thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú, và xây mới Nhà ĐDTT Suối Hoa. Hiện cơ sở này hoạt động dưới hình thức một phòng chẩn trị Y học cổ truyền, khám bệnh, châm cứu, cấp thuốc nam miễn phí cho người nghèo và trẻ em khuyết tật.

3. Nguyên tắc chữa bệnh trong Đông y là chữa từ tâm. Tâm không an thì uống thuốc tiên cũng không hết bệnh. Theo các lương y ở Nhà ĐDTT Suối Hoa, “bệnh là vấn đề  chung mà thầy thuốc và bệnh nhân cùng nhau giải quyết”. Những bệnh nhân ở xa, bệnh nặng cần người nhà chăm sóc thì đã có các phòng lưu trú và nhà bếp để tự nấu ăn, sinh hoạt.

Tại đây người bệnh không chỉ được kê thuốc, châm cứu, hỏa long cứu mà còn tư vấn cách ăn uống chữa bệnh (Thực dưỡng). Tất cả đều miễn phí nhưng nếu ai có lòng thì có thể góp chút thành tâm vào chiếc hộp gỗ treo trên vách. Đó là số tiền dành để trả chi phí điện nước và mua sắm các thứ lặt vặt khác phục vụ cho hoạt động của Nhà ĐDTT.

Trời vừa ngớt cơn mưa, 2 bệnh nhân Phong và Tâm từ biệt ra về, không quên cầm theo lọ thuốc bột vừa được các thầy thuốc phát. Sau khi dặn dò đôi lời với người bệnh, ông Nguyễn Ngọc Cự, một trong những người thiện tâm phụ trách “Hỏa long cứu” ở đây hào hứng khoe: “Thuốc ở đây đều do anh em chúng tôi đi hái trên rừng Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Ninh và dốc Kiền (huyện Đông Giang) về phơi khô, sao tẩm chế thành thuốc dạng bột, cao và nước để chữa bệnh”.

Không như Tây y tách bạch giữa ngành dược và khám chữa bệnh, những thầy thuốc Đông y vừa thăm khám đồng thời cũng là người bào chế thuốc. Nguồn dược liệu chủ yếu ở rừng núi, hằng năm cứ vào dịp tháng Giêng đến tháng 4 âm lịch là mùa đi hái các loại cây thuốc. Mỗi chuyến đi hái thuốc tuy vất vả nhưng là dịp được trải nghiệm và phát hiện thêm nhiều vùng cây thuốc mới.

Ông Sự mang ra mấy lọ Thuốc nhỏ mũi họng được tinh chế từ cây thuốc dấu, cho hay: “Người bệnh được chúng tôi chăm sóc, chữa trị tận tình, chu đáo; khi quay lại người thì mang theo các loại cây thuốc, người thì mang theo trái bí, bó rau... gọi là chia sẻ tấm lòng với thầy thuốc. Vì thế, có người nói rằng, Nhà ĐDTT Suối Hoa là nơi cho đi và nhận về tình thương”.

Mỗi tuần 3 buổi sáng khám, chữa bệnh và cho thuốc miễn phí, vậy “chuyện cơm áo gạo tiền” của gia đình ai lo? Ông Sự cười một cách an lạc rằng, thời gian còn lại các ông làm thuốc tại gia hoặc làm ruộng, làm vườn.

Cô gái Bh’nươch Thị Xem thì đi tắm trẻ sơ sinh, băng rửa vết thương cho bà con quanh xã. Là huấn luyện viên Yoga có bằng cấp, cô mở một lớp Yoga tại Nhà ĐDTT với mong ước lan tỏa và truyền nguồn cảm hứng của bộ môn tập luyện cơ thể, tâm trí và tinh thần này cho tất cả phụ nữ quanh vùng. Nói chung là đủ sống để tiếp tục công việc khơi nguồn yêu thương cho bệnh nhân nghèo…

Theo NHƯ HẠNH (SGGPO)

https://baodanang.vn/phongsu-kysu/202211/cho-va-nhan-tinh-thuong-3929593/

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 17: Phát triển để tri ân

Sau 70 năm giải phóng, mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng có rất nhiều thay đổi đáng tự hào trên. Để làm rõ hơn kết quả đạt được của Điện Biên trong 70 năm qua và định hướng sắp tới, phóng viên Tiền Phong có cuộc trao đổi với ông Lê Thành Đô - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.
Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Tiếng kèn địch vận trên đồi C1

Ký ức xưa ùa về, vị tướng già 92 tuổi đã ôm máy trợ tim hơn 20 năm, ánh mắt như cười khi thổi những giai điệu rộn ràng của cây kèn Harmonica cho tôi nghe, những bản tình ca tha thiết của 31 ngày đêm chiến đấu trên đồi C1...
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ-Bài 16: Kỳ tích điện hóa toàn bộ Điện Biên Đông

Có lẽ, ít ở đâu trên nước ta, quyết tâm đưa điện về bản lại cao như ở huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Địa bàn nghèo nên không thể cấp cho dân “cá”, muốn cấp “cần câu” cũng khó nên chính quyền chọn cách đưa cho dân “mồi câu”. “Mồi câu” ở đây chính là điện lưới quốc gia.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - bài 14: Đại thủy nông Nậm Rốm - biểu tượng của thanh niên

Cánh đồng Mường Thanh được dòng sông Nậm Rốm tưới tắm bồi đắp hàng nghìn năm. Nhưng cánh đồng Mường Thanh thực sự gieo trồng có hiệu quả tăng đột biến là nhờ vào Đại công trình thủy nông Nậm Rốm. Đó là công trình hình thành từ bàn tay, khối óc của lớp thanh niên xung phong (TNXP) hơn 60 năm trước.
70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 13: Mường Thanh - Kho lúa giữa trời

Đứng ở Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ trên Đồi D1, phóng tầm mắt về phía tây là một màu xanh trải dài bất tận của cánh đồng Mường Thanh. Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, Mường Thanh trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên, tạo ra những hạt gạo vang danh cả nước…
Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.