"Chợ tình Khâu Vai" Hà Giang trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai" tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chợ Phong Lưu Khâu Vai hay còn gọi là chợ tình Khâu Vai (xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) từ khi hình thành đến nay đã hơn 100 năm. Đây là chợ phiên đặc sắc nhất ở Hà Giang. Chợ không phải là nơi giao thương, buôn bán các mặt hàng nông sản hay nhu yếu phẩm mà là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian, mỗi năm chỉ họp duy nhất một ngày. Lễ hội thường diễn ra khoảng ba ngày, và phiên chợ chính diễn ra vào ngày 27.3 (Âm lịch).
Nơi đây cũng là nơi giao lưu, gặp gỡ để bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân gian đặc sắc riêng của nhân dân các dân tộc huyện Mèo Vạc nói riêng và đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang nói chung; quảng bá du lịch, thu hút du khách đến với Công viên Địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
 
Lễ hội Chợ tình Khâu Vai tại Hà Giang luôn thu hút đông đảo sự tham gia của người dân địa phương. Ảnh: LĐO
Lễ hội Chợ tình Khâu Vai tại Hà Giang luôn thu hút đông đảo sự tham gia của người dân địa phương. Ảnh: LĐO
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quyết định nêu rõ, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể, trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình, thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Việc Chợ tình Khâu Vai được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là cơ hội để Hà Giang gìn giữ nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời thúc đẩy phát triển du dịch trên vùng Cao nguyên đá nói riêng và của tỉnh Hà Giang nói chung.
Theo An Hải (LĐO)

Có thể bạn quan tâm