"Chợ tình" Đăk Hà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Hàng năm, vào dịp đầu xuân mới khu vực ngã ba Hà Mòn, huyện Đăk Hà, Kon Tum lại tấp nập người đến họp chợ. Mọi người đến đây để buôn bán, tuyển dụng lao động, tìm kiếm công ăn việc làm cho người lao động (NLĐ). Ngoài ra, nơi đây còn là điểm hẹn để trai gái tìm hiểu, kết duyên vợ chồng và ngã ba Hà Mòn còn được gọi là “chợ công lao động” hay “chợ tình”. “Chợ tình” ngã ba Hà Mòn đã se duyên cho nhiều nam thanh, nữ tú nên duyên chồng vợ.
 
Người lao động tập trung rất đông ở chợ tình tìm việc làm. Ảnh: AT
Nơi tìm kiếm việc làm của NLĐ
Cứ tầm 4 giờ sáng khi trời còn lãng vãng hơi sương, khu vực ngã ba Hà Mòn  có rất đông người tụ tập, buôn bán, tìm kiếm việc làm. Người đến “chợ tình” từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước, họ đi theo đoàn theo tốp hoặc nhóm (đông nhất chừng 10 người, ít thì 2 đến 3 người).
Mùa “chợ tình” đông đúc nhất là cuối tháng 11 đầu tháng 12 âm lịch. Những người đến đây để buôn bán, mua sắm và tìm kiếm việc làm. Thời điểm này cũng là lúc người dân Đăk Hà vào vụ thu hái cà phê, rất cần nhân công lao động và NLĐ được trả công cao.
Anh Nguyễn Văn Tý - một NLĐ cho biết: Vào dịp này, hàng nghìn người từ nhiều tỉnh, thành kéo đến đây. Tại đây, từ 5 giờ sáng, những chủ lô (chủ vườn cà phê) sẽ đến chợ để thuê lao động. Công lao động được tính theo hai hình thức: Tính theo sản lượng còn gọi là khoán (hái được bao nhiêu kg cà phê thì cân lên rồi tính tiền công) và tính theo công nhật (là tính theo ngày). Mùa cà phê chín rộ mỗi công lao động được trả cao nhất là từ 300.000 đến 400.000 đồng.
Theo anh Tý, các chủ lô thích thuê lao động hái theo công nhật vì như vậy sẽ đảm bảo quy trình hái, không làm tổn hại đến cây. Các chủ lô còn thích chọn những công lao động có tay nghề lâu năm, sức khỏe tốt, thật thà, không móc nối với người ngoài để trộm cắp. Ngược lại, NLĐ thích nhận việc theo hình thức khoán, vì thu nhập sẽ cao hơn công nhật.
Bà Sinh, một người dân buôn bán ở chợ này nhiều năm cho biết: “Buôn bán tại chợ này khá đắt hàng, ngày ít nhất cũng kiếm lời 200.000 đồng, ngày nhiều có thể kiếm được 500.000 - 700.000 đồng. Chợ chỉ tấp nập nhất từ 5 giờ đến 7 giờ sáng, sau đó thì chợ tan mọi người đi làm việc”.
 
Ngã ba Hà Mòn - “chợ tình” là nơi kết duyên cho nhiều chàng trai cô gái. Ảnh: AT
Ươm mầm những mối tình
“Chợ tình” đã trở nên thân quen với người dân địa phương và NLĐ tứ phương không biết từ lúc nào. Chợ không chỉ là nơi sinh hoạt tìm kiếm việc làm mà còn trở thành điểm hẹn hò, trao duyên, hẹn ước của biết bao nhiêu trai, gái miền sơn cước. Nhiều cặp đã nên duyên chồng vợ như trường hợp của anh Nguyễn Hiếu và chị Thu quê ở Nghĩa Trung, Tư Nghĩa, Quảng Ngãi. Cách đây 15 năm, anh Hiếu và chị Thu đến “chợ tình” tìm kiếm việc làm. Trong một lần đi hái cà phê thuê, tình cờ họ gặp nhau, rồi bén duyên, thành chồng vợ. Hay vợ chồng ông Bình ở thôn 5 Hà Mòn cũng quen nhau từ phiên “chợ tình” cách đây hơn 10 năm và nên duyên vợ chồng.
Nếu chợ tình Sa Pa kết là nơi để những chàng trai cô gái tìm nhau, rồi tâm sự cùng nhau, đậm tính lãng mạn thì "chợ tình" Đăk Hà lại là nơi kết duyên của những đôi lứa, những người bạn cùng yêu lao động mong muốn có cuộc sống ấm no...
Nhiều người con của Đăk Hà, khi xa quê, ngoài hình ảnh dòng sông, ngọn núi vẫn nhớ như in những buổi “chợ tình” của phố huyện trong sương mờ mỗi sớm. Phải chăng, từ những âm thầm của NLĐ, từ những giọt mồ hôi thấm đậm, từ những giọt nước mắt phút lưu luyến chia xa mà trong tâm khảm của bao người chợ luôn là điểm khởi đầu không bao giờ kết thúc.
Về sáng, dòng sông Pa Kô chảy qua Đăk Hà như một nàng thiếu nữ với suối tóc dài yêu kiều, mơ mộng. Từ xa phủ trong sương mù, đoàn người kéo đến ngã ba Hà Mòn - “chợ tình” mỗi lúc một đông, rộn rã nói cười, một ngày mới bắt đầu với biết bao yêu thương, chứa chan hy vọng...
Ái Thùy (Thanh tra)

Có thể bạn quan tâm