Chim trời phiêu du ký: 'Choáng' chuyện chụp chim

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều ngày theo chân những nhiếp ảnh gia chim hoang dã, dân ngoại đạo như tôi cứ trố mắt nhìn họ. Cái nghề chơi để có những khoảnh khắc “sướng” này thì phải “trả giá” khó tin.
Tại nước ta, nghề chụp chim hoang dã chỉ nổi lên những năm gần đây. Theo anh Tăng A Pẩu, người được mệnh danh là “vua chim”, hiện nay cả nước người chụp chim hoang dã chuyên nghiệp khoảng trên 150 người. Con số đó, so với những người cầm máy chụp các thể loại khác là rất ít ỏi. Lý do thật đơn giản, chỉ có những người thật sự mê, thậm chí phải “cuồng si” lắm mới dấn thân chụp chim hoang dã khắp rừng sâu, núi thẳm.

Dõi theo tiếng chim
Dõi theo tiếng chim
Những tay máy thiện chiến
5 giờ sáng, khi nhiều người còn ngủ nướng, thì những người chụp chim hoang dã đã lên đường để tiến vào rừng. Lần đầu tiên tháp tùng cùng họ, thật sự tôi “choáng” với những dụng cụ, thiết bị phục vụ việc chụp chim. Nào là thiết bị dẫn đường, máy phát tiếng chim, pin dự phòng, lều ngụy trang, chân máy… và đặc biệt là chiếc máy ảnh quá khủng. “Khoảng 20 - 25 kg trên vai đó”, anh Sâm Thương cho biết. Anh Nguyễn Đức Hùng có cửa hàng bán máy móc, thiết bị chụp ảnh máy khá lớn tại TP.HCM và cũng là một người đam mê nhiếp ảnh chim hoang dã tiết lộ: “Từ 50 triệu đầu tư cho máy ảnh có thể bước vào sân chơi chim hoang dã. Nhưng có một số người, “đồ chơi” của họ không dưới nửa tỉ đồng”.
Giữa khu rừng rậm rạp, những người chụp chim hoang dã khoác bộ đồ rằn ri, đội nón rằn ri và toàn bộ chiếc máy ảnh có ống kính rất dài cũng rằn ri nốt. Trông họ như những biệt động rừng xanh. Họ lặng lẽ hành quân, tìm nơi ẩn nấp để “phục kích” chim. Rừng im phăng phắc. Nhiều phút trôi qua, không thấy bóng dáng, tiếng kêu chim rừng. Tôi buột miệng hỏi: “Chim đâu mà chụp?”. Anh Thuần Võ nói gọn lỏn: “Đợi rồi thấy”. Rồi một con chim bay xẹt qua, tôi chưa kịp thấy hình hài nó ra sao thì mọi người đã đọc tên khoa học lẫn Việt hóa của nó. Những ống kính chĩa theo con chim nhảy nhót, chuyền cành lia lịa. Xoẹt, xoẹt, xoẹt… Sau những cú “bắn” liên hồi, các anh Nguyễn Trường Sinh, Thuần Võ, Tăng A Pẩu, Sâm Thương… đã có những tấm ảnh con chim này với nhiều nét riêng. Trong khi đó, với chiếc máy ảnh “bình dân” của mình, tôi cũng phục kích hàng giờ liền nhưng chẳng chụp được tấm chim nào.

Một chú chim lọt vào tầm ngắm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh. Ảnh: Quang Viên
Một chú chim lọt vào tầm ngắm của nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Sinh. Ảnh: Quang Viên
Chụp chim khác rất nhiều so với chụp ảnh nói chung hay chụp ảnh phong cảnh và đời thường nói riêng. Chụp chim được xem là một hoạt động ngoài trời mang tính khoa học. “Dân thứ thiệt chụp chim hoang dã phải hiểu được tập tính của mỗi loài chim. Loài chim đó tên VN, tên tiếng Anh lẫn tên khoa học là gì, sống ở đâu, di cư từ đâu đến, môi trường sinh sống, sống khu vực nào, độ cao bao nhiêu... ai cũng biết”, anh Tăng A Pẩu cho biết.
Với những người chụp chim hoang dã chuyên nghiệp, ngoài chiếc máy ảnh chuyên dụng, họ phải sử dụng máy ảnh vững vàng, chắc tay vì chụp chim cần tốc độ cực cao, phải khắc phục các yếu tố bất lợi như cự ly rất xa, ánh sáng yếu… “Khoảnh khắc chú chim lọt vào tầm ngắm ống kính để chụp cực kỳ ít ỏi, tính bằng từng giây, đòi hỏi phải bấm máy cực nhanh… và may mắn cũng là yếu tố quan trọng”, anh Thuần Võ chia sẻ.
Lòng kiên nhẫn, chờ đợi là một phẩm chất cần có ở một người chụp chim hoang dã. Tôi đã chứng kiến cảnh họ trường kỳ mai phục đôi chim bói cá bố mẹ tha mồi về cho con. Sau khi phát hiện ra đội quân “bắn tỉa”, chim bói cá bố mẹ cứ lượn vòng mãi không chịu quay về tổ. Lúc này, một số người phải ngụy trang để chúng không nhìn thấy. Sau một hồi, chim bố mẹ cảm thấy an toàn mới bay về tổ mớm mồi cho con. Mục tiêu rơi vào tầm ngắm và những khoảnh khắc đẹp nhất về tình mẫu tử của loài chim được ghi lại trong những bức ảnh. “Thời điểm chụp đẹp và có thần thái nhất về một con chim là khi nó chưa phát hiện ra có người đang rình chĩa ống kính về mình. Còn khi chim phát hiện ra người chụp rồi thì sẽ lo sợ. Khi đó, nếu có chụp đi nữa, thì ảnh vẫn không ổn, không đẹp”, anh Thuần Võ cho biết.

Theo dõi chim di cư để chụp hình
Theo dõi chim di cư để chụp hình
Quá khổ vì mê chim
Chụp chim hoang dã là một thú chơi. Nhưng đó là một thú chơi gian khổ trần ai. Băng rừng, lội suối, nằm co ro trong rừng giữa đêm, đối diện với những hiểm nguy tiềm ẩn giữa rừng thiêng, nước độc… là thử thách mà những người chụp ảnh chim hoang dã phải chấp nhận. Tôi đã nhìn thấy anh Thuần Võ lăn, lê, bò toài giữa cái nắng chang chang để tiếp cận chú chim di cư choắt mỏ thẳng đuôi vằn tại bãi biển Cần Giờ, TP.HCM. Kết quả, tay máy “bắn tỉa” thiện chiến này chụp được chú chim thuộc nhóm đe dọa diệt chủng trong tương lai gần này đang mơ màng ngủ, nhưng đổi lại anh bị ngất xỉu suýt phải đi cấp cứu. Thế nhưng, chỉ sáng hôm sau, anh lại hành quân vô rừng ngập mặn Cần Giờ và bì bỏm dưới sình lầy để tìm chim chụp tiếp. Tôi hỏi, còn những chuyến đi nào cũng “cực trần thân” như thế, anh Thuần tiết lộ: “Nhiều lắm. Nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là đi chụp cú cá ở đất mũi Cà Mau. Chụp cú phải chụp ban đêm. Tôi hơn 10 lần đi từ Sài Gòn về Cà Mau để tìm nó chụp. Lần nào cũng phải mang thiết bị cồng kềnh và nặng, lội qua kênh nước thối đen, đường trơn trượt trong đêm, người hôi hơn cú. Cuối cùng thì lần thứ 11 mới chụp được nó”.

Đối với những người đam mê chụp chim hoang dã, những cột mốc thường sẽ quyết định “đẳng cấp” tay máy. Vì đây là cuộc chơi khó, tốn kém nên đa số không theo nổi bỏ cuộc nữa chừng. VN có số lượng khoảng 900 loài chim hoang dã. Thường thì khi chụp được 100 - 200 loài chim, người chụp phải mất 1 - 2 năm. Còn với mốc 300 loài thì cần thời gian là 3 - 4 năm. Nhưng, muốn chụp 500 loài thì thời gian từ 5 - 8 năm và có thể là nhiều hơn nữa.

Nhiếp ảnh gia Thuần Võ
Còn anh Võ Đáng chia sẻ chuyến đi Mù Cang Chải “sinh tử” chỉ vì một con chim: “Hai lần đến Mù Cang Chải, hơn nữa tháng săn tìm, 4 lần trèo lên đỉnh Chế Tạo, 2 lần té ngã suýt chút rơi xuống vực thẳm để chụp được nó. Giờ trong giấc ngủ chập chờn vẫn còn giật mình sợ hãi”. Trong khi đó, cũng vì mê chim mà anh Tăng A Pẩu “nhốt” mình trong rừng ròng rã gần nửa năm để chụp chim. “Tôi sống như Robinson giữa rừng”, anh Pẩu tâm sự. Anh Sâm Thương cũng từng giam mình giữa một khu rừng thuộc Kon Tum để chụp cho bằng được con chim đuôi cụt đầu đỏ. “Tôi dựng lều mai phục cả mấy ngày. Đói, khát và mệt làm tôi ngủ thiếp đi. Vậy mà khi chú chim ấy cất tiếng hót làm tôi bừng tỉnh. Niềm vui sướng vỡ òa khi tôi chụp được nó”, anh Thương kể lại.

Bức ảnh đoạt giải nhất trong chương trình Tạm biệt chim di cư 2022. Ảnh: Thuần Võ
Bức ảnh đoạt giải nhất trong chương trình Tạm biệt chim di cư 2022. Ảnh: Thuần Võ
Gặp không ít những người chụp ảnh chim hoang dã, họ nói vui: “Chúng tôi mê chim bỏ vợ là chuyện thường”. Đó là những khi các đồng nghiệp, “thổ địa” quen thân, phát hiện ra chim lạ, chim quý từ rừng núi nào đó báo về, thì họ lập tức vác ba lô lên đường. “Có những loài chim mấy năm trời tìm không thấy, bỗng dưng khi đang đi du lịch cùng vợ con, thậm chí nửa đêm đang nằm bên vợ, nghe báo tin phát hiện ra nó, vậy là dọt liền”, anh Thuần Võ chia sẻ. Mới đây, anh cho biết “thánh” tìm chim Toby Trung ra nằm vùng ở biên giới phía bắc suốt nhiều ngày liền đã phát hiện ra con chim quý, thế là một đội nhiếp ảnh chim hùng hậu của Sài Gòn bay ngay ra để chụp. Trong đó, có người chấp nhận bỏ cả tuần trăng mật với vợ mới cưới.
(còn tiếp)
Theo Quang Viên (TNO)

Có thể bạn quan tâm

“Lá lành đùm lá rách”

“Lá lành đùm lá rách”

Các phần quà được đóng gói cẩn thận đã và đang được người dân trên địa bàn tỉnh gửi ra đồng bào các tỉnh miền Bắc bị ảnh hưởng của bão lũ. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, ai nấy đều mong muốn chia sẻ, cùng đồng bào miền Bắc vượt qua những khó khăn, đau thương.
Di sản của một vị tướng

Di sản của một vị tướng

Hôm qua 12-9-2024, chuyến xe đưa Thiếu tướng Lê Phi Long đi và không về. Chuyến xe đó từng có trong hình dung thấp thỏm của các con ông từ 60 năm trước. Khi ấy, Đại tá Lê Trung Dũng (con trai tướng Long) còn là một đứa trẻ...
Đêm không ngủ ở Làng Nủ

Đêm không ngủ ở Làng Nủ

1 giờ 40 phút ngày 13-9, Hoàng Văn Quyển gọi giật đánh thức tôi dậy. Ngoài trời đang mưa rất to. "Mình di chuyển sang nhà bố em thôi anh. Đang nguy hiểm lắm" - Quyển đưa chiếc áo mưa, rồi cùng vợ và tôi mang theo những thứ cần thiết rồi rời khỏi nhà.
'Đê' mắm giữ bờ

'Đê' mắm giữ bờ

Tháng 7, tháng 8 âm lịch là thời điểm trái mắm già rụng, người dân Cà Mau thường lượm về trồng, sử dụng lưới mành và cọc để giữ trái không bị cuốn trôi. Sau khoảng một năm, cây mắm bắt đầu phát huy hiệu quả trong việc giữ đất.
Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Kỳ 1: Nỗi lo từ... 'khúc ruột' miền Trung

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an các đơn vị, địa phương, trong đó nòng cốt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Thầy tôi

Thầy tôi

Tôi vẫn nhớ như in lời thầy Linh “Phải chấm dấu chấm trên chữ I”, và cố giữ lấy sự ngay thẳng tâm hồn. Cái dấu chấm ấy ngày nay ít còn ai viết, nhưng giọng thầy Linh của tôi vẫn mãi là lời dặn ân cần.

Dành tình thương cho học trò vùng khó - Kỳ 2: Người cha đặc biệt của trò nghèo

Mang chữ đến vùng khó Gia Lai- Kỳ 2: Những người cha đặc biệt của trò nghèo

(GLO)- Không chỉ mang tri thức đến với học sinh, nhiều giáo viên còn chăm lo các em từ bữa ăn sáng, suất học bổng đến hỗ trợ sinh kế, xây dựng nhà ở. Mỗi thầy giáo như một người cha đặc biệt, trở thành điểm tựa yêu thương để trò nghèo kiên trì bám lớp, bám trường.
Tội ác trong một mái ấm

Tội ác trong một mái ấm

Trong khi công tác bảo trợ trẻ mồ côi cũng như các chương trình chăm sóc bảo vệ trẻ em ở TP.HCM ngày càng được xã hội quan tâm và hầu hết mái ấm tình thương đều đóng góp tích cực vào hoạt động ý nghĩa này, thì vẫn có nơi đã, đang diễn ra những hành vi vô nhân tính.
Dưới lớp tro tàn Tân Lập

Dưới lớp tro tàn Tân Lập

(GLO)- Những phát hiện mới về Tân Lập gần đây cho phép khẳng định nơi này từng là một làng quê trù phú của người Việt. Hành động bức tử, xóa sổ Tân Lập (nay thuộc xã Đăk Hlơ, huyện Kbang) của giặc Pháp hồi tháng 3-1947 chỉ có tác dụng nhất thời.