Chiến công oanh liệt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tháng 10-1965, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên mở chiến dịch Plei Me, nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực Mỹ-Ngụy, củng cố mở rộng vùng giải phóng. Trong giai đoạn 1, ta chọn cách đánh “vây điểm, diệt viện”. Từ ngày 19 đến 23-10-1965, chiến sự đã diễn ra đúng kế hoạch, ta đã diệt gọn chiến đoàn 3 thiết giáp, 1 tiểu đoàn biệt động quân và 1 đại đội bộ binh ngụy, phá hủy 2 khẩu pháo 105 ly, 75 xe các loại (có 6 xe tăng, 29 xe M113)…

Quân ngụy bị đánh đau, Bộ Tư lệnh Mỹ ở Sài Gòn liền chỉ thị cho Sư đoàn 1 Kỵ binh Mỹ, vừa đổ bộ lên An Khê “xuất quân”. Viên Tư lệnh sư đoàn này ra lệnh ngay cho Lữ đoàn 1 đổ quân xuống xung quanh khu vực Plei Me “tìm diệt” nhưng không gặp bất cứ sự kháng cự nào. Phấn hứng trước chiến quả đã đạt được, sau khi cho Lữ đoàn 1 triệt thoái, Tư lệnh Sư đoàn 1 Kỵ binh Mỹ đã ra lệnh cho Lữ đoàn 3 đổ quân xuống khu vực Ia Drăng với ý đồ chặn đường rút lui tiêu diệt đối phương. Xét thấy quân Mỹ đã mắc mưu, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định chọn Ia Drăng (ngày nay thuộc xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) làm điểm quyết chiến đánh trận then chốt tiêu diệt quân Mỹ và giao cho Trung đoàn 66, vào đón đánh quân Mỹ.

 

Tác giả (thứ hai từ trái) cùng đồng đội đến quan sát nơi Tiểu đoàn 1 Mỹ đặt Sở chỉ huy sáng 14-11-1965 tại Ia Drăng. Ảnh: H.T
Tác giả (thứ hai từ trái) cùng đồng đội đến quan sát nơi Tiểu đoàn 1 Mỹ đặt Sở chỉ huy sáng 14-11-1965 tại Ia Drăng. Ảnh: H.T

10 giờ sáng 14-11-1965, sau khi cho máy bay đánh phá dọn bãi, Lữ đoàn 3 Mỹ đã cho trực thăng vận đổ Tiểu đoàn 1 xuống khu vực làng Mùi. Cùng lúc, chúng đổ xuống Quynh Kla và Đông Nam Ia Drăng 12 khẩu pháo 105 và Tiểu đoàn 2. Sau khi thiết lập được trận địa pháo, Tiểu đoàn 1 Mỹ tiến quân đánh chiếm sườn Đông Bắc dãy núi Chư Pông. Được phi pháo mở đường, quân Mỹ hùng hổ dàn hàng ngang tiến lên. Một cánh quân Mỹ xộc vào đúng vị trí của Tiểu đoàn bộ Tiểu đoàn 9 (Trung đoàn 66). Trong lúc chỉ huy đang đi chuẩn bị chiến trường, Trợ lý Chính trị Tiểu đoàn 9 Vũ Thanh Xuân liền đứng ra tổ chức cho anh em trinh sát, thông tin, nuôi quân, y tá, vận tải chiếm lĩnh công sự chiến đấu. Anh em ta dựa vào công sự ngoan cường đánh lui nhiều đợt tiến công của địch. Thấy địch đánh vào Tiểu đoàn bộ, Đại đội 9 tổ chức một mũi đánh vào sườn trái quân địch. Bị ta đánh bất ngờ, quân Mỹ rối loạn đội hình lúng túng đối phó. Đúng lúc đó, Đại đội 11 xuất kích đánh vào sườn phải và phía sau đội hình quân địch. Bộ đội ta xông vào đánh giáp lá cà với lính Mỹ, diệt chúng bằng lưỡi lê và báng súng. Đến 11 giờ, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Định từ bờ sông Ia Drăng trở về, trực tiếp chỉ huy khẩu đội cối 82 bắn vào đội hình quân Mỹ rồi ra lệnh cho Đại đội 10 và 11 xung phong. Cuộc chiến đấu của Tiểu đoàn 9 với Tiểu đoàn 1 Mỹ kéo dài đến hoàng hôn. Một đại đội Mỹ bị diệt gọn, một đại đội khác bị đánh thiệt hại nặng.

Ngay đêm 14-11, nhân đà quân Mỹ đang hoang mang, Bộ Tư lệnh Mặt trận ra lệnh cho Trung đoàn 66 tổ chức tập kích quân Mỹ. Chính ủy Lã Ngọc Châu trực tiếp xuống thực địa giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn 7. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Phạm Công Cửu lập tức tổ chức Đại đội 2 (chủ công), Đại đội 1 và 2 khẩu cối 82 ly hành quân. Vừa đi vừa phổ biến nhiệm vụ. Trinh sát đi trước, bộ đội bám theo sau, đến 5 giờ sáng thì gặp địch. Tiểu đoàn trưởng liền ra lệnh tiến công. Đại đội trưởng Đại đội 2 Lê Văn Tam chỉ huy hai khẩu cối 82 ly bắn ứng dụng vào giữa đội hình quân Mỹ. Súng cối vừa ngừng, các mũi lao lên vừa hình thành thế bao vây vừa chia cắt quân Mỹ ra từng mảng để diệt. Mũi thọc sâu do Trung đội trưởng Trung đội 2 Nguyễn Văn Khương dẫn đầu thọc thẳng vào trung tâm diệt chỉ huy địch. Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6 Vũ Hải Triều chỉ huy tiểu đội đánh chiếm trung tâm thông tin. Bị mất liên lạc, phi pháo địch không thể nào yểm trợ cho đồng bọn. Chiến sĩ ta lao vào dùng lưỡi lê, dao găm diệt quân Mỹ. Trận đánh kéo dài đến 5 giờ 45 phút ngày 15, Tiểu đoàn 7 diệt gọn 1 đại đội Mỹ.

Đêm 15-11, Tiểu đoàn 7 tiếp tục được lệnh tập kích quân Mỹ. Lực lượng chủ yếu trong trận này là Đại đội 3 (mới đi lấy gạo về), Trung đội 1 của Đại đội 1 và 3 khẩu cối 82. Khi Đại đội 3 dẫn đầu đội hình vượt qua bãi tráng, địch phát hiện cho phi pháo bắn phá ngăn chặn. Đại đội trưởng Vũ Đình Thước kịp thời có mặt ở nơi ác liệt nhất chỉ huy bộ đội vượt qua khu vực phi pháo. Tiếp cận được địch, Tiểu đoàn trưởng liền ra lệnh cho 3 khẩu cối 82 bắn cấp tập vào cụm quân Mỹ. Đạn cối vừa dừng, từ hai hướng, các chiến sĩ Đại đội 3 và Đại đội 1 đồng loạt xung phong. Trước sức tiến công mãnh liệt của bộ đội ta, quân Mỹ vô cùng hoảng loạn, bỏ chạy tan tác. Dưới ánh đèn dù và pháo sáng, chiến sĩ ta súng trong tay băng qua rừng le, rừng khộp tìm diệt quân Mỹ. Cuộc chiến đấu ác liệt kéo dài đến quá trưa 16 mới kết thúc. Tiểu đoàn 7 diệt thêm 1 đại đội và một bộ phận tiểu đoàn bộ của Tiểu đoàn 1 Mỹ.

Chiều 16-11, chỉ huy Trung đoàn 66 quyết định điều gấp Tiểu đoàn 8 còn sung sức ở Ba Bỉ về đội hình trung đoàn để tập trung tiêu diệt lực lượng Mỹ còn lại ở thung lũng Ia Drăng. Nhận được lệnh, Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi tổ chức cho tiểu đoàn hành quân ngay trong đêm, đến trưa 17 thì tới Ia Drăng. Gặp địch, Tiểu đoàn trưởng lập tức vượt lên đầu tổ chức cho Đại đội 6 hình thành thế trận. Chờ cho địch vào đúng tầm súng, Tiểu đoàn trưởng mới ra lệnh cho khẩu cối 82 bắn cấp tập vào đội hình địch. Bị đánh bất ngờ, quân Mỹ vô cùng hoảng loạn. Bộ đội ta xông lên dùng AK và lưỡi lê diệt địch. Chưa đầy 10 phút, Đại đội 6 đã diệt gọn 2 trung đội Mỹ đi đầu. Địch cho phi pháo bắn phá dữ dội vào đội hình Tiểu đoàn 8 rồi cho lực lượng mở đường máu thoát khỏi khu chiến. Tiểu đoàn trưởng liền ra lệnh cho Đại đội 7 và Đại đội 5 đánh thọc vào hai bên sườn và phía sau quân địch. Bị tổn thất nặng nề, quân Mỹ điên cuồng cho phi pháo đánh phá dọn đường, rồi xua quân liều mạng xông lên. Chiến sĩ ta bình tĩnh nhằm từng tên mà siết cò. Nghe tiếng súng của Tiểu đoàn 8, đồng chí Bùi Thế Luận, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 33) chỉ huy Đại đội 1 đang lùng sục ở gần đó đã hình thành một mũi phối hợp với Tiểu đoàn 8 chiến đấu. Dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, chiến sĩ ta xông thẳng vào đánh giáp lá cà với quân Mỹ. Trận đánh đang diễn ra quyết liệt thì Tiểu đoàn trưởng Lê Xuân Phôi hy sinh. Ít phút sau, Chính trị viên Tiểu đoàn bị thương nặng phải đưa khỏi trận địa. Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 1 trực tiếp chỉ huy hai đơn vị chiến đấu. Chiến sĩ ta hình thành từng tổ, từng mũi yểm trợ cho nhau lao vào diệt địch. Một đại đội Mỹ bị diệt gọn, một đại đội khác của Tiểu đoàn 2 Mỹ bị thiệt hại nặng. Xác giặc nằm ngổn ngang trên chiến trường, Bộ chỉ huy Mỹ phải ra lệnh cho máy bay B52 ném bom rải thảm xuống thung lũng Ia Drăng để xóa dấu vết thất bại.

Sau bốn ngày chiến đấu quyết liệt, Trung đoàn 66 và một bộ phận của Trung đoàn 33 đã diệt gọn Tiểu đoàn 1, đánh thiệt hại nặng Tiểu đoàn 2 của Lữ đoàn 3, Sư đoàn 1 Kỵ binh Mỹ, loại khỏi vòng chiến đấu hơn 1.000 tên, bắn rơi 12 máy bay, thu nhiều vũ khí trang bị.

Chiến thắng Ia Drăng có ý nghĩa vô cùng to lớn, lần đầu tiên ta diệt gọn tiểu đoàn thuộc lực lượng tinh nhuệ nhất Mỹ đưa vào miền Nam. Chiến thắng này đã giải đáp một vấn đề nóng hổi lúc đó là: Quân Mỹ dù có vũ khí tối tân, được chi viện tối đa mọi hỏa lực; nhưng nếu bộ đội ta có quyết tâm cao, được tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ vẫn giành thắng lợi. Từ đó, đã mở ra cao trào đánh Mỹ trên toàn chiến trường cho đến ngày quân Mỹ phải cút khỏi miền Nam.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm