Chiếc tivi của một thời

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bây giờ không còn cảnh xem tivi tập thể nữa nhưng ký ức về những chiếc tivi một thời vẫn như một thước phim sống động, nhè nhẹ trôi về mỗi lần tôi nhớ lại
Năm 1989, làng tôi có chiếc tivi đầu tiên của nhà ông Thiệng. Ông Thiệng là tài xế của một cơ quan nhà nước, ông thường cùng những người bạn lái ôtô vào miền Nam mua xe máy về quê bán. Trong làng, ông là người đầu tiên có xe máy và cũng là người đầu tiên có tivi.
Cả làng chỉ có một chiếc
Chiếc tivi đen trắng để ở thềm nhà, mỗi lần mở ra là cả làng kéo đến xem chật sân. Hôm nào trời mưa thì xem trong nhà. Tivi của ông Thiệng "phục vụ" dân làng tôi được một thời gian thì phải bán vì người xem đông quá. Không chỉ người trong làng mà người ngoài làng cũng đến. Làng bên chưa có chiếc tivi nào nên người ta xem tivi nhà ông Thiệng như là "địa chỉ văn hóa" của cả mấy làng.
Đến giữa năm 1990 thì nhà ông Vượng, ở đằng sau nhà ông Thiệng, cũng mua một chiếc tivi. Trước đó, nhà ông Thiệng là trung tâm thì nay đến lượt nhà ông Vượng thu hút người xem chật cả sân và chật cả nhà. Ông Vượng là người dễ tính nên cứ cho bà con xem thoải mái.

Chiếc tivi đen trắng của những ngày đã xa
Chiếc tivi đen trắng của những ngày đã xa
Xem được một dạo thì nhà ông Vượng cũng chịu hết nổi. Vườn nhà ông trơ trụi vì bị giẫm đạp và phá hoại, không còn được mấy trái cây nguyên. Cực chẳng đã, ông phải hạn chế người xem bằng cách thu tiền.
Con trai ông ngáng cổng bằng một đoạn tre, hễ có ai đến thì phải bỏ ra 200 đồng mới được vào. Mỗi đêm xem tivi, nhà ông cũng thu được một khoản tiền kha khá. Tuy nhiên, không phải ai cũng sẵn tiền. Có người luôn có 200 đồng trong túi quần để đưa nhưng cũng có người không có tiền mà lại muốn vào xem. Vậy là phải tìm cách. Một là ngồi bên cạnh gây cảm tình với người canh cổng một lúc rồi cũng được vào. Hai là đi tắt lối nhà hàng xóm. Cách đi tắt hơi mạo hiểm vì nếu lỡ chủ nhà nhìn thấy nói cho vài câu thì xấu hổ. Tuy nhiên, cũng ít khi chủ nhà bắt gặp, mà có gặp thì cũng làm lơ cho qua.
Lần nọ có mấy người là dân thành phố về quê chơi. Ở quê hơn chục ngày cũng có lúc chán mà nhà người thân nơi mình ở thì lại chẳng có tivi. Vậy là mấy người dân thành phố tìm đến nhà ông Vượng xem tivi cho đỡ buồn. Khi nhìn thấy cảnh thu tiền thì họ không nhịn được cười. Xem được một lúc thì họ ra về, khi về họ nói với nhau:
- Xem tivi mà cũng mất tiền, lần đầu tiên tôi nhìn thấy.
Năm 1993, làng tôi có thêm vài chiếc tivi nữa, khi đó xóm khác cũng đã có nên mỗi gia đình có tivi cũng chỉ quy tụ khoảng vài chục người xem là nhiều.
Tivi mượn của cơ quan và những hiểu lầm
Tôi vào bộ đội năm 1993. Ban đêm không có tivi để xem. Cả tiểu đoàn chỉ có mỗi chiếc để ở nhà chỉ huy tiểu đoàn, chiến sĩ không được bỏ nhiệm vụ trực gác để xem tivi. Năm 1996, tôi ra quân. Tôi sống ở khu tập thể đài phát thanh một tỉnh miền Trung với anh tôi để ôn thi vào đại học. Khi này, anh tôi chưa vợ, hai anh em cũng không có tivi. Muốn xem thì phải vào xem tivi tập thể của đài.
Phòng xem tivi tập thể của đài có một chiếc tivi ít khi có người xem nên anh tôi mượn về phòng mình dùng tạm. Xem được một thời gian thì cơ quan đòi lại. Anh tôi cố gắng tằn tiện để mua một chiếc tivi màu. Lúc này, nhà chị Hạnh hàng xóm vẫn chưa có tivi. Ở phòng bảo vệ cũng có một chiếc nhưng chị Hạnh lại hay sang nhà anh tôi xem. Chị Hạnh là giáo viên trường cao đẳng, chồng là anh Chương - kỹ thuật viên của đài. Khi đó, hai vợ chồng mới cưới chưa có con.

Cảnh quây quần đông đúc xem tivi đen trắng nay chỉ còn là kỷ niệm Ảnh: PINTEREST - MINH CHÂU - A.FAMILY
Cảnh quây quần đông đúc xem tivi đen trắng nay chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh: PINTEREST - MINH CHÂU - A.FAMILY
Có lần, đang ngồi xem tivi, tôi bực mình chửi một nhân vật trên tivi rất giống với người tôi ghét ngoài đời. Chị Hạnh lại tưởng là tôi nặng lời với chị nên không xem tivi ở nhà anh tôi nữa. Chị giận tôi mãi. Ngày Tết, chị nấu mì tôm ăn vì lý do gì đó mà không phải vì thiếu thốn. Tôi lại nói:
- Tết là phải ăn bánh chưng mới đúng vị Tết.
Chị Hạnh lại nghĩ là tôi chê chị nghèo nên lại giận tôi tiếp. Thực ra, tôi còn nghèo hơn chị vì tôi còn đang đi học. Tôi đâu có ý chê bai gì chị mà chỉ buột miệng nói vậy thôi.
Trước đó, chiếc tivi mà anh tôi mượn của cơ quan cũng gây ra một xích mích nhỏ. Do anh tôi mượn hơi lâu nên anh trưởng phòng hành chính mới nặng lời với anh tôi. Khi trả tivi thì anh bảo vệ đến lấy theo sự chỉ đạo của anh trưởng phòng. Anh bảo vệ sợ mất lòng anh tôi bèn nói với tôi:
- Nói với anh mày là tao lấy tivi vì anh T. chỉ đạo chứ tao không tự ý đâu nha.
Xem tivi ở ký túc xá sinh viên
Năm 1997, tôi vào đại học. Ở nhà trọ chẳng có tivi riêng mà phải xem nhờ của chủ nhà. Năm sau (1998), tôi vào ký túc xá 135B Trần Hưng Đạo (quận 1, TP HCM) ở. Từ lầu 2 đến lầu 6 chỉ có 2 chiếc tivi ở phòng xem tập thể. Tivi thì nhiều kênh. Có khi chỉ vì người đòi xem kênh này, người đòi xem kênh khác mà cãi nhau. Tuy nhiên, phần lớn là người xem ngồi với nhau rất hòa thuận. Có lần tivi chiếu phim "Ngã ba Đồng Lộc", những người ngồi xem hầu như chưa bao giờ nghe tiếng vùng Nghệ - Tĩnh trên tivi nhưng lại rất thích các lời thoại bằng tiếng Hà Tĩnh của bộ phim này. Họ tỏ ra hứng thú thấy rõ bằng những lời bình phẩm:
- Tiếng nói nghe rất thích. Phim rất hay.
Lần khác, tivi chiếu phim về cuộc đời Bác Hồ, rất nhiều người xem đã xúc động bồi hồi, cảm phục và yêu thương Bác vô vàn, mỗi người đều tự nhủ lòng phải gắng học tập, sống cho xứng đáng là thanh niên con cháu Bác Hồ.

Cảnh quây quần đông đúc xem tivi đen trắng nay chỉ còn là kỷ niệm Ảnh: PINTEREST - MINH CHÂU - A.FAMILY
Cảnh quây quần đông đúc xem tivi đen trắng nay chỉ còn là kỷ niệm. Ảnh: PINTEREST - MINH CHÂU - A.FAMILY
Nhiều lần, đài truyền hình phát trực tiếp cuộc thi "Tiếng hát truyền hình" thu hút sinh viên chen nhau xem chật cả phòng. Những âm thanh của cuộc thi khi MC giới thiệu thành phần ban giám khảo, thí sinh dự thi, dù đã xa hơn 20 năm, nay vẫn còn văng vẳng trong tôi.
Chiếc tivi ở ký túc xá là một phần không thể thiếu của cuộc đời sinh viên. Nhớ những buổi xem chương trình "Gặp nhau cuối tuần", sinh viên xem rất đông và cười ầm ĩ. Những buổi chiếu phim "Tây du ký" cũng có nhiều người xem. Những bộ phim chúng tôi được xem trên tivi của ký túc xá thời sinh viên như "Mùa lá rụng trong vườn", "Cầu sông Kwai", "Giao thời" đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ.
Năm 2001, tôi về quê sau 8 năm xa cách. Lúc này quê tôi đã có nhiều tivi, ít nhất mỗi nhà một chiếc. Bây giờ không còn cảnh xem tivi tập thể nữa nhưng ký ức về những chiếc tivi một thời vẫn như thước phim nhè nhẹ trôi về trong tôi mỗi lần nhớ lại. 
Tivi không remote, nói oang oang
Nói thêm về chiếc tivi mượn cơ quan của anh tôi. Nó là chiếc tivi 21 inch, tiếng rất to. Khi mới mượn về vì không có remote (điều khiển từ xa) để chỉnh nhỏ âm thanh nên nó nói oang oang khiến mấy nhà hàng xóm rất khó chịu, nhất là nhà anh Tuấn vì vợ chồng anh đã có tivi nên không cần xem nhờ nhà hàng xóm. Anh em tôi thường xem đến khuya nên âm thanh của nó làm hàng xóm cũng phải ngủ muộn như anh em tôi. Xem được một tháng thì anh tôi mượn được remote về mở nhỏ lại. Chiếc tivi đó ở lại nhà anh tôi được 3 tháng thì cơ quan lấy về.
(*) Ghi theo lời kể của anh Phan Xuân Hậu
NGUYỄN HUẾ (*) (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Sơn thếp cho chén vỡ hóa lành

Bên đống bát đĩa vỡ toang, mọi người hì hụi chọn ra những cái tan nát nhất để thực hành một kỹ thuật thú vị trong nghệ thuật sơn ta, đó là thếp vàng - bạc, mục đích hàn gắn lại sản phẩm, che đi vết vỡ bằng kỹ thuật sơn thếp, dưới sự hướng dẫn của họa sĩ Nguyễn Xuân Lục.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.

'Bảo mẫu' đàn chim trời

'Bảo mẫu' đàn chim trời

Dựng trang trại trồng tre, nuôi vịt nhưng thấy đàn chim trời hàng nghìn con về trú ngụ, làm tổ, ông Nguyễn Mạnh Cường (Hà Tĩnh) đã dừng việc chăn nuôi, nhường vườn cây xanh tốt cho đàn chim trú ngụ, làm tổ.