Chi hơn 55,4 tỷ đồng để chấm dứt nạn cưỡi voi ở Đắk Lắk

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ký quyết định phê duyệt khoản tài trợ hơn 55,4 tỷ đồng để chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi, bảo tồn đàn voi nhà.
Ngày 22-11, ông Trần Xuân Phước-Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi, Cứu hộ động vật và quản lý bảo vệ rừng Đắk Lắk (Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk) cho biết, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan chức năng và Tổ chức Động vật châu Á (AAF) xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang du lịch thân thiện với voi.
Voi nhà được chăn thả tự nhiên trong Vườn quốc gia Yók Đôn
Voi nhà được chăn thả tự nhiên trong Vườn quốc gia Yók Đôn. Ảnh: T.N
“Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch từng năm, từng giai đoạn để thực hiện dự án. Chủ voi nào thuận tiện hợp tác nhất sẽ cho ký cam kết để triển khai trước. Trọng điểm của dự án tập trung vào giai đoạn từ 2023-2026”, ông Phước thông tin.
Trước đó, đầu tháng 11, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 2486/QĐ-UBND, phê duyệt khoản viện trợ dự án “Hỗ trợ việc thực hiện chuyển đổi mô hình du lịch cưỡi voi sang mô hình du lịch thân thiện với voi” trên địa bàn do AAF tài trợ trong vòng 5 năm (từ tháng 11-2022 đến tháng 12-2026).
Tổng giá trị khoản tài trợ hơn 55,4 tỷ đồng, trong đó vốn tài trợ không hoàn lại gần 50,9 tỷ đồng, vốn đối ứng từ nguồn ngân sách sự nghiệp được bố trí cho Trung tâm Bảo tồn voi hàng năm là 4,5 tỷ đồng.
Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Buôn Đôn (Vườn quốc gia Yok Đôn, trung tâm; các công ty du lịch đang hoạt động trên địa bàn huyện) và huyện Lắk (Ban Quản lý rừng lịch sử-văn hóa-môi trường Hồ Lắk).
Mục tiêu của dự án nhằm triển khai mô hình hoạt động du lịch thân thiện với voi, chấm dứt các hoạt động du lịch cưỡi voi; nâng cao phúc lợi, kéo dài tuổi thọ, bảo tồn quần thể voi nhà; chủ và nài voi được bù đắp nguồn thu nhập bị thiếu hụt do dừng phục vụ cưỡi voi; phổ biến, lan tỏa hiệu quả và nâng cao nhận thức của các tầng lớp xã hội, cộng đồng trong việc bảo tồn quần thể voi nhà…
Cơ quan chức năng tổ chức cho voi ăn tiệc buffet. Ảnh: CTV
Cơ quan chức năng tổ chức cho voi ăn tiệc buffet. Ảnh: CTV

Các trung tâm du lịch được hỗ trợ kỹ thuật để chuyển đổi sang mô hình du lịch thân thiện với voi; thành lập hợp tác xã du lịch nhằm quản lý, vận hành mô hình du lịch thân thiện với voi tại huyện Lắk. Hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức bảo vệ và bảo tồn loài voi được phổ biến, lan tỏa tới các tầng lớp xã hội, cộng đồng…

Trên thực tế, mô hình du lịch thân thiện với voi đã được tổ chức AAF hợp tác, triển khai tại Vườn quốc gia (VQG) Yók Đôn từ mấy năm trước và đã mang lại hiệu quả thiết thực.
Ông Vũ Đức Giỏi-Giám đốc Trung tâm giáo dục môi trường và dịch vụ (thuộc VQG Yók Đôn) cho biết, năm 2018, trung tâm đã ký kết cùng tổ chức AAF thực hiện mô hình du lịch thân thiện với voi trong vòng 5 năm.
Hiện 8 cá thể voi tham gia mô hình đều được chăn thả tự do trong rừng, tự tìm thức ăn dưới sự giám sát của các nài voi. Khi có du khách vào rừng tham quan, nài voi sẽ đưa voi về một khu vực rừng nhất định để phục vụ khách. Các nài voi sẽ giải thích cho khách tập quán, đặc tính quy luật sinh trưởng… của loài voi, kể cho khách nghe câu chuyện của từng cá thể voi và giúp du khách chụp hình bên voi.
Theo thống kê của Trung tâm Bảo tồn Voi Đắk Lắk, toàn tỉnh này hiện còn 37 cá thể voi nhà. Do phần lớn voi có tuổi đời khá cao, nên dù được các chuyên gia ghép đôi, cho mang bầu nhưng đàn voi nhà Đắk Lắk chưa một lần vượt cạn thành công. Trong 3 lần sinh nở gần đây, voi con đều chết ngạt trước khi ra khỏi bụng mẹ. Hơn 30 năm qua, Đắk Lắk chưa có chú voi con.
L.H (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: Đã 3 lần từ chối, nhưng sau vẫn nhận tiền là sai lầm

Tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng về hành vi nhận hối lộ hàng tỷ đồng của bị cáo Nguyễn Cao Trí (Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh), chủ tọa Trần Nam Hà đề nghị các bị cáo “đi thẳng vào vấn đề”, không trình bày lòng vòng.