(GLO)- Nhà có đến 15 ha cây trồng bao gồm: cao su, cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái và đàn bò, nai gần 10 con nhưng lúc hỏi về thu nhập mỗi năm của gia đình, bà Phạm Thị Na (tổ dân phố 6, thị trấn Chư Prông, Gia Lai) đều khiêm tốn: “So với nhiều gia đình khác, thu nhập của gia đình tôi còn thua xa lắm”.
Bà Na (bìa phải) trò chuyện về quá trình lập nghiệp của gia đình trên quê hương thứ 2. Ảnh: N.H |
Tuy ở vào cái tuổi lẽ ra phải được nghỉ ngơi nhưng vì tâm huyết với thành quả đã đánh đổi bằng mồ hôi, công sức của cả gia đình trong nhiều năm, bà Na vẫn ngày đêm cần mẫn với vườn cây của mình. Bà Na kể, bà sinh ra và lớn lên ở tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1987, bà cùng với gần 3.000 người rời quê hương đi thanh niên xung phong vào xây dựng kinh tế mới ở Chư Prông. Tại đây, bà làm công nhân sản xuất của Nông trường Quốc doanh Cao su Chư Prông (nay là Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông) với nhiệm vụ phát rẫy trồng bắp, lúa, mì, sau đó trồng cao su. Với bản tính nhanh nhẹn, hoạt bát trong công việc, cô gái vừa tròn 16 tuổi liên tục được cân nhắc làm thư ký, đội trưởng các đội sản xuất của Nông trường. Gần 30 năm gắn bó với đơn vị (từ năm 1987 đến năm 2015), dù ở vị trí nào, bà cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều lần được ngành Cao su, UBND tỉnh, huyện, Công đoàn tỉnh biểu dương, khen thưởng.
Điều đáng nói là vợ chồng bà đều công tác trong ngành cao su, rất bận rộn nhưng luôn tích cực khai khẩn đất hoang để phát triển kinh tế. Qua mỗi năm, diện tích canh tác của gia đình tăng dần và đến nay có tổng cộng 15 ha. Từ chỗ chỉ trồng lúa, bắp để cải thiện lương thực, dần dần gia đình bà chuyển sang trồng những cây có giá trị kinh tế cao như: cao su, cà phê, hồ tiêu; đồng thời đào ao nuôi cá, nuôi thêm bò và nai để tăng thu nhập. Hàng tháng, gia đình bà tạo việc làm cho 6 lao động địa phương với mức lương 4-6 triệu đồng/người. Thời điểm cao su và cà phê được giá, mỗi năm gia đình bà thu trên 500 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Đặc biệt, nhờ nguồn thu từ mủ cao su và cà phê, năm 2006, gia đình bà đã xây được căn nhà rộng rãi trị giá 1,8 tỷ đồng. “Hiện tại, nhà tôi có 4 ha cà phê, 8 ha cao su, 2 ha hồ tiêu và 1 ha cây ăn quả. Những năm gần đây, giá cao su giảm, hồ tiêu bị nhiễm bệnh chết nên thu nhập của gia đình giảm còn 300-330 triệu đồng/năm. Gia đình đang tính trồng lại cây ăn quả vào vườn hồ tiêu đã bị nhiễm bệnh chết để cải tạo đất và tăng thu nhập”-bà Na cho biết.
Có một điều đặc biệt là khi được hỏi về bà Na, người dân nơi đây đều dành cho bà những tình cảm đẹp. Bởi lẽ, trong suốt hơn 30 năm sống trên quê hương thứ 2, bà Na đã có nhiều việc làm thiết thực để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử như, trong quá trình công tác tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông, với vai trò là Đội trưởng Đội sản xuất số 10 (Nông trường Thống Nhất), bà đã tuyển hơn 20 công nhân là người dân tộc thiểu số làng La (xã Ia Drăng) vào làm việc. Từ đây, bà không chỉ giúp đỡ họ trong chuyên môn mà còn hỗ trợ nhiều hộ vay tiền không tính lãi hoặc lãi suất thấp để mua phương tiện đi lại, xây nhà, đầu tư phát triển kinh tế, điển hình như các hộ gia đình Rơ Lan Thất, Rơ Lan Hồng, Rơ Lan Glo… Đến nay, đời sống của các hộ nói trên đều phát triển ổn định.
Đặc biệt, mới chỉ 3 năm làm Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ tổ dân phố 6 (kể từ khi về hưu vào năm 2015), bà đã phối hợp giúp nhiều hội viên vay vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện và xây dựng Quỹ chi hội được 42 triệu đồng giúp 5 hội viên vay; mua 1 con bò cho hội viên mượn và vận động hội viên, phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Nhờ đó, đã có 13 hội viên thoát nghèo. Bà Trần Thị Diệu Lý-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Chư Prông-nhận xét: “Bà Na luôn là người đi đầu trong các phong trào, hoạt động của Hội. Trong vai trò là Chi hội trưởng chi hội Phụ nữ, bà luôn gần gũi, sẻ chia, giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế cũng như vận động hội viên xây dựng gia đình văn hóa, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, góp phần đưa các phong trào của Hội phát triển”.
Nhật Hào