Chạy tội nhờ "kim bài" chứng nhận tâm thần

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều đối tượng hình sự "thủ sẵn" bệnh án tâm thần như vật phòng thân để hòng thoát hoặc giảm tội đến mức thấp nhất.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với 1 bác sĩ và 1 kỹ thuật viên tại Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1 để tiếp tục điều tra, xử lý đường dây "chạy" hồ sơ bệnh án tâm thần giả cho hàng chục đối tượng hình sự.
Đột nhiên... bị điên
Cụ thể, đó là bác sĩ chuyên khoa 2 Thân Thái Phong, Phó Trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng Khoa Dinh dưỡng. Trong đó, ông Sơn có trách nhiệm phân công công việc hằng ngày tại Khoa Dinh dưỡng.
Trên thực tế, trong không ít vụ án nghiêm trọng trước đây, những đối tượng cộm cán đã nhờ giấy chứng nhận tâm thần làm "kim bài miễn tử" sau khi gây án. Ngoài việc giả điên để làm giấy tờ giả, nhiều kẻ phạm pháp còn lấy hồ sơ bệnh án của người bị tâm thần thật rồi dán hình, sửa tên, địa chỉ để làm hồ sơ tâm thần giả nhằm chạy tội.
Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) phân tích: Điều 21 Bộ Luật Hình sự 2015 về tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trạng thái mắc bệnh tâm thần hay bị bệnh mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Lợi dụng quy định này, nhiều đối tượng đã "thủ sẵn" bệnh án tâm thần như vật phòng thân để có thể thoát tội hoặc giảm tội đến mức thấp nhất.
Bệnh nhân tâm thần được làm hồ sơ bệnh án trước khi điều trị nội trú Ảnh Ngọc Dung
Bệnh nhân tâm thần được làm hồ sơ bệnh án trước khi điều trị nội trú Ảnh Ngọc Dung
Theo bác sĩ Dương Đức Hùng, Viện trưởng Viện Giám định y khoa - BV Bạch Mai (Hà Nội), định nghĩa bệnh lý tâm thần rất rộng và để xác định bệnh thì không thể cân, đo, đong, đếm hay phụ thuộc vào các xét nghiệm cận lâm sàng… mà phải hỏi bệnh nhân rất nhiều. "Có những đối tượng giả điên tài tình, bác sĩ hỏi một đằng, họ trả lời một nẻo, thậm chí còn chửi bới bác sĩ để tỏ ra là người điên thật" - bác sĩ Hùng cho biết.
Bác sĩ La Đức Cương, nguyên Giám đốc BV Tâm thần Trung ương I, cho biết thời ông còn quản lý BV này, hầu như trong các buổi giao ban nào ông cũng đều nhắc nhở nhân viên tuân thủ quy định về giám định pháp y tâm thần. "Không ít lần nhận những lời đề nghị "xin" bộ hồ sơ bệnh án tâm thần nhưng tôi yêu cầu bệnh nhân phải tới khám, nếu bệnh thì phải điều trị mới có hồ sơ" - bác sĩ Cương nhớ lại.
Gây khó khăn, nguy hại
Theo bác sĩ Cương, để tránh tình trạng không có bệnh nhân điều trị nhưng vẫn có hồ sơ bệnh án, nhiều lúc ban lãnh đạo BV Tâm thần Trung ương I đã yêu cầu phải quét ảnh bệnh nhân vào hồ sơ bệnh án. Quy trình quét ảnh này được lặp lại nhiều lần trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ Cương cho rằng cách này cũng không bảo đảm giám sát 100% nếu cấp dưới cố tình làm sai, không tuân thủ quy định.
Theo đại diện Công an TP Hà Nội, hành vi làm giả bệnh án tâm thần đã tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng hình sự, ma túy... hoạt động công khai, lộng hành nhưng vẫn trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan công an. Ngoài ra, việc này gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử; gây nguy hại cho xã hội và bức xúc trong dư luận.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng kết luận giám định pháp y, pháp y tâm thần là một trong những nguồn chứng cứ quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án; giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được chính xác, khách quan. Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu các bác sĩ, giám định viên pháp y, pháp y tâm thần có trách nhiệm, bản lĩnh trước công việc hằng ngày. Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định quan điểm của bộ là xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thực thi nhiệm vụ để vi phạm pháp luật. 
 
Có thể phạt tù đến 15 năm
Luật sư Nguyễn Anh Thơm cho biết điều 382 Bộ Luật Hình sự quy định rõ: Đối với người làm công tác giám định tâm thần, nếu cố tình cung cấp sai sự thật tài liệu, khai báo gian dối dẫn đến việc kết án oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm thì có thể bị phạt tù 3-7 năm, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm. Người làm công tác giám định tâm thần nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điều 356 Bộ Luật Hình sự 2015, bị phạt tù đến 15 năm.
 
Rà soát gần 100 hồ sơ bệnh án tâm thần nghi giả mạo
Chiều tối 10-8, Bộ Y tế đã họp khẩn với lãnh đạo một số BV tâm thần trên địa bàn Hà Nội. Theo lãnh đạo BV Tâm thần Trung ương 1, BV đã quyết định tạm hoãn hợp đồng làm việc 3 tháng đối với ông Thân Thái Phong và ông Nguyễn Tuấn Sơn kể từ ngày 13-6. Đến nay, BV vẫn chưa nhận được thông báo của Công an TP Hà Nội về kết quả điều tra đối với 2 người này.
Cũng theo đại diện BV Tâm thần Trung ương 1, ngày 26-7 vừa qua, BV nhận được công văn của Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội về việc cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân từng điều trị tại BV. BV đang phối hợp với Công an TP Hà Nội rà soát lại 94 hồ sơ bệnh án để xem có bệnh án giả mạo hay không.
Ngọc Dung - Nguyễn Hưởng (NLĐO) 

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Bảo vệ động vật hoang dã trên dãy Trường Sơn: Xuyên rừng tìm dấu chân thú

Ẩn sâu dưới những tán rừng xanh thẳm của Vườn quốc gia Vũ Quang là thế giới đầy sống động của vô số loài động vật quý hiếm. Để sở hữu cánh rừng già cổ thụ với hàng nghìn loài động vật, có những “chiến binh” đang ngày đêm thầm lặng bảo vệ kho báu khổng lồ giữa đại ngàn Trường Sơn.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.