Chặt phá hơn 50ha cây trồng của DN để gây sức ép với chính quyền?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cho rằng chính quyền địa phương hứa cấp đất sản xuất nhưng chờ mãi không thấy, nhiều người đã chặt phá hơn 50 ha cây trồng của 1 doanh nghiệp để gây sức ép.
Sáng 13-4, hàng chục người ở buôn Dlie, xã Đắk Nuê, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk đã kéo ra Tiểu khu 1408 ngăn cản Công ty Agri Lắk tổ chức trồng rừng trên diện tích liên kết với Công ty Lâm nghiệp Lắk. Trước tình hình này, lực lượng Công an huyện Lắk đã có mặt tại hiện trường vận động, thuyết phục người dân. Đến trưa cùng ngày, người dân mới chịu ra về.
 
Hàng chục người kéo ra ngăn cản
Có mặt cùng nhóm người kéo ra tiểu khu 1408 sáng 13-4, bà H’Khanh Pangtin (ngụ buôn Dlie) cho rằng chính quyền địa phương đã hứa cấp đất cho người dân trên diện tích công ty bàn giao nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Người trong buôn thiếu đất sản xuất nên tiếp tục kéo ra để yêu cầu sớm cấp đất.
 
Lực lượng Công an huyện Lắk vận động người dân ra về
Trước đó, theo biên bản kiểm tra của đại diện UBND xã Đắk Nuê, Công an huyện Lắk và các đơn vị liên quan thì thực hiện công tác chuẩn bị hiện trường trồng rừng, ngày 11-4, Công ty Agri Lắk triển khai 2 máy múc đến khu vực khoảng 9, tiểu khu 1408 tiến hành xử lý thực bì, dọn gốc cây để kịp tiến độ trồng rừng năm 2019, theo chỉ đạo của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Lắk. Tuy nhiên, khoảng 17 đối tượng ở buôn Dlie cầm mã tấu, dao phát, gậy xông vào xô xát với tài xế, cản trở, đe dọa, không cho thi công. 
Cán bộ xã Đắk Nuê, Công an huyện Lắk... đã tuyên truyền vận động các đối tượng về hành vi của mình là trái pháp luật nhưng những người này không chấp hành, có những lời thách thức, kiên quyết không cho Công ty Agri Lắk thi công.
 
Nhiều ha cây trồng bị chặt hạ
Theo báo cáo của Công ty Agri Lắk, năm 2012, công ty này đã liên kết với Công ty Lâm nghiệp Lắk để trồng rừng. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tổng cộng có 57 ha cây trồng (gồm keo và cao su) bị người dân chặt phá gây thiệt hại gần 6 tỉ đồng. Điều đáng nói, những vụ phá hoại tài sản, công ty đều báo cáo cho cơ quan chức năng nhưng đến nay không được xử lý, khiến công ty hết sức lo lắng.
 
Một diện tích lớn rừng keo bị đốt cháy
Ông Lê Bá Phúc Sinh, Giám đốc Công ty Agri Lắk, cho biết thực hiện chỉ đạo của đoàn kiểm tra liên ngành huyện Lắk, vào ngày 30-5-2018, công ty đã bàn giao hơn 39 ha (chưa tính toán bồi thường) cho Công ty Lâm nghiệp Lắk để bàn giao cho chính quyền xem xét bố trí đất sản xuất cho người dân. Tuy nhiên, chính quyền vẫn chưa cấp đất nên người dân tiếp tục gây sức ép, hủy hoại cây trồng khiến doanh nghiệp khốn đốn.
Cao Nguyên (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm