Nông dân Gia Lai phấn khởi trước vụ thu hoạch cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chỉ còn vài tuần nữa, người trồng cà phê sẽ bước vào vụ thu hoạch. Hiện nay, giá cà phê trên thị trường tăng cao, dao động quanh mức 41-42 ngàn đồng/kg nhân nên không khí chuẩn bị vào vụ trở nên rộn ràng, phấn khởi.

Rộn ràng vào vụ thu hoạch

Mặc dù chưa vào vụ thu hoạch rộ nhưng niềm vui được mùa hiện rõ trên gương mặt ông Đặng Thanh Cao (thị trấn Đak Đoa). Trò chuyện với chúng tôi, ông Cao phấn khởi nói: “Do được chăm sóc tốt nên năm nay năng suất đạt khoảng 26 tấn tươi/ha. Hiện gia đình bắt đầu hái tỉa đối với những cây chín trước và bán luôn với giá 8 ngàn đồng/kg. Với giá bán như hiện nay, sau khi trừ chi phí, 1 ha cà phê lãi hơn 100 triệu đồng”. Theo ông Cao, các năm trước, giá cà phê xuống thấp nên ông thường phơi để bán nhân. Bây giờ, ông thu đến đâu bán tươi đến đó.

Với 2 ha cà phê sản xuất theo hướng hữu cơ, anh Trần Công Hậu (thôn 3, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) ước chừng năng suất năm nay đạt khoảng 2,5 tấn nhân/ha. Theo chia sẻ của anh Hậu, 1 ha chi phí khoảng 50 triệu đồng gồm tiền phân bón, công chăm sóc, thu hái… Vì vậy, nếu giá bán vẫn duy trì trên 40 ngàn đồng/kg thì gia đình anh sẽ thu về khoảng 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tăng khoảng 40 triệu đồng so với niên vụ trước.

 Người trồng cà phê bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ảnh: Lê Nam
Người trồng cà phê bắt đầu vào vụ thu hoạch. Ảnh: Lê Nam

Toàn tỉnh Gia Lai có gần 98.400 ha cà phê. Trong đó, diện tích cà phê kinh doanh hơn 87.700 ha, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đak Đoa, Ia Grai, Chư Prông, Chư Păh, Mang Yang, Đức Cơ, Kbang.
 

Theo chia sẻ của chị Đinh Thị Trang (thôn Tân Lập, xã Ia Sao, huyện Ia Grai), thời tiết năm nay khá thuận lợi nên hơn 2 ha cà phê của gia đình phát triển rất tốt, năng suất dự kiến đạt trên 4 tấn nhân/ha. Vụ trước, chị bán chỉ được 32 ngàn đồng/kg nhân. Năm nay mới vào đầu vụ thu hoạch nhưng nhiều thương lái ra giá hơn 42 ngàn đồng/kg. Nếu giá giữ ổn định như vậy, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình lợi nhuận 80-100 triệu đồng/ha. “Cà phê vừa được mùa, vừa được giá, chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên sẽ khó khăn về nhân công thu hái”-chị Trang bày tỏ.

Hiện tại, giá cà phê đang ở mức 41-42 ngàn đồng/kg nhân, cao hơn niên vụ trước khoảng 10 ngàn đồng/kg; giá quả tươi 8-8,5 ngàn đồng/kg, cao hơn 3-3,5 ngàn đồng/kg. Thông thường, giá cà phê vào đầu vụ thu hoạch sẽ hạ xuống mức thấp, sau đó mới nhích dần lên vào giữa và cuối vụ. Tuy nhiên năm nay, giá tăng mạnh khi chuẩn bị vào đầu vụ thu hoạch. Nếu giá vẫn tiếp tục dao động quanh mức này thì người trồng cà phê sẽ có một vụ mùa thắng lợi.

Đối với các doanh nghiệp trồng cà phê, giá tăng cao sẽ bù đắp những khó khăn khi 4 năm liền phải thua lỗ vì giá thấp. Ông Phạm Văn Nghi-Giám đốc Công ty Cà phê 706-cho biết: “Hiện tại, giá cà phê xuất khẩu khoảng 2.235 USD/tấn, tương đương 45-47 ngàn đồng/kg, giá trong nước dao động quanh mức 41-42 ngàn đồng/kg. Đây là mức giá tốt cho người trồng. Tuy nhiên, với doanh nghiệp thì chỉ gọi là khá hơn một chút. Bởi hiện nay, giá thành sản xuất 1 kg cà phê nằm ở mức 39 ngàn đồng/kg. Do đó, Công ty vẫn còn khó khăn”.

Hy vọng một mùa vụ thắng lợi

Huyện Đak Đoa có khoảng 27.800 ha cà phê, chiếm hơn 55% tổng diện tích sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Đến nay, toàn huyện đã tái canh, cải tạo trên 2.000 ha cà phê già cỗi, kém chất lượng bằng giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn. Đồng thời, vận động người dân liên kết với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp sản xuất theo tiêu chuẩn 4C để sản phẩm đủ điều kiện xuất khẩu. “Thời tiết năm nay mưa sớm và kết thúc muộn nên rất thuận lợi cho sản xuất cà phê và dự kiến năng suất bình quân đạt 4 tấn nhân/ha. Hiện giá cà phê tăng cao, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng vọt dẫn đến chi phí đầu vào tăng. Do đó, người dân cần tiếp tục theo dõi thời tiết để thu hoạch, phơi và chế biến cho hợp lý. Đặc biệt, bà con chỉ thu hoạch khi cà phê chín mới đạt năng suất, chất lượng sản phẩm. Huyện cũng khuyến cáo người dân không mở rộng diện tích mà chủ yếu tập trung các giải pháp để nâng giá trị sản phẩm và sản xuất cà phê bền vững như: tiêu chuẩn 4C, VietGAP, hữu cơ và liên kết chuỗi giá trị”-ông Anh thông tin thêm.

Ia Grai cũng là địa phương có diện tích cà phê lớn với hơn 17.000 ha. Theo ông Phan Đình Thắm-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, dự kiến năng suất đạt bình quân khoảng 3,4 tấn nhân/ha, cao hơn niên vụ trước 1-2 tạ/ha. “Với giá như hiện nay, người trồng cà phê sẽ lợi nhuận 50-70 triệu đồng/ha, có điều kiện tái sản xuất cho vụ tới”-ông Thắm cho hay.

Còn tại huyện Chư Păh, năm nay, thời tiết khá thuận lợi, ở thời điểm cây ra hoa thì nguồn nước tưới được đảm bảo đã giúp tỷ lệ đậu trái cao. Qua đánh giá sơ bộ, năng suất năm nay tăng 2-3 tạ/ha so với niên vụ trước, ước đạt khoảng 3 tấn nhân/ha. “Còn khoảng 3 tuần nữa là vào chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên với mức giá như hiện nay, cộng với năng suất tăng nên bà con nông dân rất phấn khởi với hy vọng một mùa cà phê thắng lợi”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nguyễn Công Sơn nói.

 

VŨ THẢO - LÊ NAM
 

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.