F0 nâng đỡ F0 - Bài 1: Dìu nhau vượt qua nỗi đau

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày qua, câu chuyện về các F0 khỏi bệnh tình nguyện quay trở lại bệnh viện hỗ trợ các F0 khác hay tham gia lực lượng tình nguyện hỗ trợ địa phương đang được truyền tai nhau như một trong những tia sáng nhân văn giữa đại dịch khốc liệt.

Hàng ngày, hàng giờ, đang có hàng ngàn F0 "nghĩa hiệp" như thế đổ những giọt mồ hôi chăm sóc, hỗ trợ những người không quen biết. Mỗi người một lý do, một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng đã cùng viết nên câu chuyện cổ tích đẹp giữa đời thường.

Ngày ra viện là ngày nhận tro cốt của mẹ
Chứng kiến dịch Covid-19 ngày càng lan nhanh, Nguyễn Lê Hoàng (33 tuổi, quận 4, TP.HCM) xin phép mẹ tình nguyện tham gia hỗ trợ chống dịch tại một khu cách ly tập trung trong quận. 
Nhà chỉ có hai mẹ con nên mẹ anh không đồng ý. Anh trấn an mẹ, nhờ người dì qua ở với mẹ rồi đi. Anh không bao giờ ngờ được rằng, đó là ngày cuối cùng anh gặp mẹ.

Nguyễn Lê Hoàng hỗ trợ đội xét nghiệm lưu động, gõ cửa từng nhà mời người dân đi xét nghiệm. Ảnh: B.D
Nguyễn Lê Hoàng hỗ trợ đội xét nghiệm lưu động, gõ cửa từng nhà mời người dân đi xét nghiệm. Ảnh: B.D
Tham gia tuyến đầu chống dịch, Hoàng thực hiện "3 tại chỗ" cùng đồng đội. Sau một lần đi lấy mẫu xét nghiệm trong khu cách ly, dù đã tiêm 1 mũi vaccine nhưng Hoàng vẫn nhiễm bệnh, được đưa đến Bệnh viện dã chiến số 11 điều trị.
"Tôi đi bệnh viện dã chiến không lo vì mình còn trẻ, chỉ lo mẹ với dì ở nhà vì mẹ đã lớn tuổi, có bệnh tim. Nỗi lo đã thành sự thật khi tôi biết tin dì nhiễm bệnh, sau đó là mẹ, dù mẹ chỉ ở trong nhà, không đi ra ngoài", Hoàng tâm sự.
Những ngày sau đó là chuỗi ngày Hoàng không bao giờ quên. 1/8 anh biết tin mẹ mắc Covid-19. Sáng 3/8 mẹ anh bắt đầu hôn mê. 
Dù đã cố gắng liên hệ nhiều nơi, nhiều bệnh viện nhưng chỗ nào cũng trong tình trạng quá tải. Đến chiều 3/8, mẹ Hoàng mới được chuyển đến bệnh viện cấp cứu. Xe đến cổng bệnh viện cũng là lúc mẹ anh trút hơi thở cuối cùng.
Nhận được tin, Hoàng gần như gục ngã. 
"Ba mẹ chia tay từ khi tôi còn rất nhỏ nên suốt từ bé đến lớn, tôi chỉ có mẹ bên cạnh. Mẹ mất, thế giới của tôi dường như chỉ còn màu đen. Lúc đó, tôi oán giận các nhân viên y tế đã không cấp cứu cho mẹ kịp thời, tôi xin các bác sĩ cho về để làm tang mẹ nhưng do chưa hoàn thành điều trị, tôi không được về", Hoàng nhớ lại.
Nhận được tin mẹ mất xong, vài tiếng sau Hoàng nhận kết quả xét nghiệm âm tính. Các bác sĩ lập tạm bàn thờ trong khu điều trị để anh thắp nhang cho mẹ. Hai ngày sau, Hoàng được xuất viện, lúc này anh mới được về để nhận tro cốt của mẹ.
Gắng gượng vượt qua nỗi đau, anh tình nguyện đăng ký vào Trạm Y tế phường 1, quận 4 hỗ trợ các y, bác sĩ lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 điều trị tại nhà. Chứng kiến người bệnh qua cơn nguy kịch hoặc tử vong trên cáng cứu thương, anh càng thấm thía sự gai góc, đáng sợ của dịch bệnh.
Có lần chập tối, mọi người vừa đi lấy mẫu xét nghiệm về, mới vệ sinh, khử khuẩn xong, chuẩn bị ăn thì đường dây nóng nhận được tin một bà cụ trở bệnh nặng. Xe đến nơi, mọi người đã nghe tiếng khóc, tiếng trách mắng. Khi đội cấp cứu vào, bà cụ lịm dần. 
Bác sĩ tích cực hồi sức, điều dưỡng liên tục gọi điện tìm bệnh viện, anh Hoàng cùng đồng đội mang cáng cứu thương đến. Khi điều dưỡng báo có bệnh viện nhận rồi, anh Hoàng và một tình nguyện viên vội chuyển bà cụ lên cáng, nhưng đi được vài bước thì bà cụ tắt thở. 
"Nhìn bà cụ, tôi nhớ mẹ tôi vô cùng, càng mong muốn chúng tôi phải đến thật sớm. Nhưng thực tế, chúng tôi không đủ người. Các bác sĩ, điều dưỡng chia ca kíp, chạy không xuể", anh Hoàng kể.
Anh hy vọng các bệnh nhân Covid-19 đã khỏi bệnh, nếu có điều kiện thì tiếp sức cho ngành y tế: "Càng có nhiều nhân lực, vật lực, càng cứu được nhiều người hơn. Càng nhiều người được cứu, chúng ta càng sớm chiến thắng dịch bệnh".
"Mẹ sẽ hiểu và thông cảm cho tôi"

Hà Ngọc Trường đang chăm sóc bệnh nhân F0. Ảnh: BVCC
Hà Ngọc Trường đang chăm sóc bệnh nhân F0. Ảnh: BVCC
Tại Bệnh viện điều trị Covid-19 Củ Chi, có một tình nguyện viên là một điều dưỡng đặc biệt tên Hà Ngọc Trường (28 tuổi), từng bị Covid-19 rất nặng. Vượt qua lưỡi hái tử thần, anh Trường đã xung phong ở lại hỗ trợ các nhân viên y tế cùng chăm sóc người bệnh.
Suốt gần 1 tháng giành lại sự sống, chứng kiến những khó khăn, vất vả của đội ngũ y bác sĩ, anh Trường tự hứa khi khỏi bệnh sẽ ở lại hỗ trợ giảm bớt gánh nặng cho họ.
"Thực hiện lời hứa của mình, khi nhận được kết quả xuất viện, tôi chủ động xin ở lại để trả ơn những người đã đưa mình từ cõi chết trở về", anh Trường bộc bạch.
Công việc kéo dài từ sáng sớm đến tối khuya. Từ lâu anh Trường coi những bệnh nhân ở đây như người thân ruột thịt. Không ai nghĩ một chàng trai trẻ như anh lại có thể xung phong thay tã, lau người, gội đầu cho bệnh nhân. Khi tình nguyện làm những công việc này, Trường nói rằng anh không đòi hỏi trợ cấp hay lương bổng gì cả, chỉ làm vì muốn tâm mình được thanh thản.
"Mẹ tôi vừa mất vì Covid-19, lúc đó tôi đang tình nguyện ở bệnh viện không thể về chịu tang mẹ. Tôi tin mẹ sẽ hiểu và thông cảm cho tôi", Trường xúc động nói và bảo rằng khi nào còn sức khỏe anh còn cống hiến cho đến khi dịch bệnh được đẩy lùi.
(còn nữa)
Theo Bạch Dương (Dân Việt)

https://danviet.vn/f0-nang-do-f0-bai-1-diu-nhau-vuot-qua-noi-dau-20210930131902697.htm

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.