Y tế tư nhân tham gia tuyến đầu chống dịch - Bài 2: Khó khăn trăm bề, không thể kêu ai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo quy định của Bộ Y tế, việc điều trị bệnh Covid-19 hiện theo nguyên tắc Nhà nước chi trả, những bệnh khác kèm theo do Bảo hiểm y tế chi trả. Nhưng hiện nay các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị Covid-19 đang tự gồng mình xoay xở để vừa điều trị bệnh nhân, vừa tồn tại.

Bên trong Bệnh viện điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức. Ảnh: BVCC
Bên trong Bệnh viện điều trị Covid-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức. Ảnh: BVCC
 Áp lực chồng áp lực
Theo Sở Y tế TP.HCM, trong số 95 cơ sở y tế tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 của thành phố hiện nay có 11 bệnh viện tư nhân với 1.333 giường bệnh. Đây đa số đều là bệnh viện hạng 3, được phân công điều trị cho các F0 thuộc tầng 2 (có 3 tầng điều trị) từ nhẹ, trung bình đến nặng, có hoặc không kèm theo bệnh lý nền. Tất cả các bệnh viện đều phải đứng trước áp lực về tài chính, áp lực từ quá tải bệnh nhân và cả áp lực từ dư luận.
Đại diện Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn cho biết, hầu hết cơ sở y tế tư nhân mở ra đều phải vay vốn, có khi vay đến 50 - 70%, Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn cũng vậy. Nhưng trong điều trị Covid-19, đến nay bệnh viện cũng chưa nhận đồng nào từ Nhà nước hay quỹ bảo hiểm. Trong khi đó, lãi vay ngân hàng không hề giảm, phí thuốc men, vật tư, lương y bác sĩ… vẫn phải trả. Đó là điều bất cập.
Hiện bệnh viện đang có hơn 160 bệnh nhân Covid-19, trừ những bệnh nhân hồi sức cấp cứu thì phải lo cho bệnh nhân ăn ngày 3 bữa, thuốc men, chăm sóc đầy đủ. Hơn 300 người, trong đó có 50 bác sĩ, 170 điều dưỡng, kỹ thuật viên lo điều trị, chăm sóc cho những người đó. Vậy lấy tiền ở đâu để mua thuốc điều trị, lương nhân viên?
Một bệnh nhân mắc Covid-19 bình thường mỗi ngày tốn chừng 6 - 10 triệu đồng; bệnh nhân phải vào điều trị chăm sóc tích cực (ICU) thì tiêu tốn từ 25 - 40 triệu đồng/ngày. Đó là bao gồm các khoản tiền giường, thuốc men (có loại thuốc hơn 10 triệu đồng/mũi), chăm sóc… 
Số tiền cao - thấp tùy vào tình trạng bệnh nhân nhưng quy định không cho y tế tư thu phí từ bệnh nhân Covid-19 khiến các bệnh viện tư oằn mình vì gánh nặng tài chính.
Hơn một tháng qua, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Thủ Đức, nơi đang điều trị khoảng 150 bệnh nhân Covid-19, phải "gồng mình" để duy trì điều trị. Trước khi chuyển đổi công năng, bệnh viện bỏ vốn đầu tư các trang thiết bị máy móc như bồn oxy lỏng, máy thở chức năng cao, máy HFNC, máy lọc thận...
Bệnh viện kêu gọi nhân viên y tế tham gia, động viên họ bằng việc thuê khách sạn lưu trú, tăng thêm khẩu phần ăn, trang bị đầy đủ đồ phòng hộ cấp 4,... để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, các loại thuốc, vật tư y tế để điều trị Covid-19 cũng khá đắt đỏ, bệnh viện phải tự chi trả hoàn toàn.
Tìm cách "lách luật" để tồn tại
Trước đó, UBND TP.HCM có kiến nghị về việc chấp thuận cho các cơ sở y tế tư nhân được thực hiện điều trị bệnh Covid-19 theo yêu cầu và được thu giá dịch vụ điều trị tương ứng. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá là chưa phù hợp với quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là "người mắc bệnh dịch thuộc nhóm A được khám và điều trị miễn phí".

Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện FV. Ảnh: BVCC
Điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện FV. Ảnh: BVCC
Điều này kéo theo hiện tượng đang có một số bệnh viện tư nhân "lách luật" vận động bệnh nhân ủng hộ, hoặc đề nghị bệnh nhân cam kết tự nguyện chi trả viện phí điều trị Covid-19 với chi phí hàng chục đến trăm triệu đồng, tùy mức độ bệnh.
Ông L.N.H (quận Gò Vấp) cho biết gia đình có hai người mắc Covid-19 vào điều trị tại một bệnh viện tư. Sau 28 ngày điều trị khỏi bệnh, bệnh viện yêu cầu đóng hơn 426 triệu đồng tiền viện phí cho 2 người. Theo ông H, để được xuất viện, gia đình phải chuyển khoản tổng cộng 8 lần đủ 426 triệu đồng và phải ghi rõ là "tiền ủng hộ điều trị Covid-19".
Trong khi đó, sau gần một tuần tự cách ly điều trị Covid-19 tại nhà, anh H.T.T (45 tuổi, quận Tân Bình) buộc phải đến bệnh viện do bệnh ngày một trở nặng. Các bệnh viện công đều kẹt cứng, anh may mắn liên hệ được một bệnh viện tư điều trị với chi phí thỏa thuận ngay từ đầu.
"Lúc chuyển viện, tôi được xe cấp cứu của bệnh viện đến tận nhà đón chuyển thẳng vào phòng hồi sức tích cực. Giữa lúc dịch bệnh căng thẳng các bệnh viện đều quá tải, tôi khá hài lòng khi được bố trí trong phòng ốc sạch sẽ thoáng mát, giường nằm thoải mái và được các nhân viên y tế chăm sóc chu đáo, lo từng bữa ăn giấc ngủ", anh T nói.
Theo Bệnh viện đa khoa Nam Sài Gòn, bệnh viện phải vận động các nhà hảo tâm, bệnh nhân có điều kiện đóng góp theo "giá vốn" mà bệnh nhân được điều trị, có nghĩa là thuốc men xem như bệnh viện đi mua giúp bệnh nhân. Có bệnh nhân đóng góp cao hơn, bệnh nhân nghèo thì miễn phí. Một tháng qua bệnh viện lỗ hơn 10 tỷ đồng. Hiện nay, đóng góp của bệnh nhân là chỉ để bệnh viện tồn tại chứ không ai lấy lời trên bệnh nhân Covid-19.

Trung tâm hồi sức Covid-19 Bệnh viện Quốc tế City. Ảnh: BVCC
Trung tâm hồi sức Covid-19 Bệnh viện Quốc tế City. Ảnh: BVCC
Theo đại diện Bệnh viện FV, hiện bệnh viện có 5 giường hồi sức và 60 giường điều trị Covid-19. Covid-19 cũng là một loại bệnh truyền nhiễm, bệnh viện điều trị như thế nào thì thu giá như vậy, cũng như các loại bệnh khác, nhưng riêng Covid-19 thì thu thêm phí cách ly. 
Những người mắc bệnh có điều kiện có thể ra y tế tư và trả tiền trị bệnh, để dành chỗ ở bệnh viện công cho người nghèo và ngân sách chi trả. Nếu tạo điều kiện cho y tế tư thì sẽ chia sẻ rất nhiều cho y tế công và sẽ hạn chế quá tải.

"Một số bảo hiểm có thanh toán cho điều trị Covid-19, một số bảo hiểm thì không", đại diện bệnh viện này cho biết.

Liên quan đến Covid-19, bệnh viện chưa nhận được hỗ trợ gì ngoài việc thu viện phí của bệnh nhân. Bên cạnh đó, nhiều người nước ngoài cơ nhỡ, không có tiền thì bệnh viện vẫn nhận điều trị miễn phí.
Hầu hết giám đốc các bệnh viện tư nhân cho biết, bệnh viện tư mở ra để cùng y tế công điều trị Covid-19. Những người mắc bệnh có điều kiện có thể ra y tế tư và trả tiền trị bệnh, để dành chỗ ở bệnh viện công cho người nghèo và ngân sách chi trả. Nếu tạo điều kiện cho y tế tư thì sẽ chia sẻ rất nhiều cho y tế công và sẽ hạn chế quá tải.
(còn nữa)
Theo Bạch Dương (Dân Việt)

https://danviet.vn/y-te-tu-nhan-tham-gia-tuyen-dau-chong-dich-bai-2-kho-khan-tram-be-khong-the-keu-ai-20210923205102393.htm

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.