Giữ trọn lời hứa với đồng đội đã hy sinh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Từ sau ngày đất nước thống nhất, cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung, ở phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) vẫn không ngừng đi tìm kiếm mộ liệt sĩ, với tâm nguyện đưa các anh về lại với quê hương, gia đình, hay ít nhất là về dưới mái nhà chung-nghĩa trang liệt sĩ.

Những ngày đầu tháng Tư lịch sử này, chúng tôi có dịp theo chân ông Nguyễn Thành Chung cùng các đồng đội thuộc các Trung đoàn 271, 205 (Bộ Tư lệnh miền Đông Nam bộ (cũ)), tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ trên địa bàn xã Quảng Tân (Tuy Đức). Sau hơn 46 năm, địa hình địa vật có nhiều thay đổi, ngày càng khó khăn chồng chất nhưng ông Chung vẫn không nản, mà luôn nỗ lực, quyết tâm tìm kiếm các liệt sĩ. Bởi như ông Chung tâm sự, đây là những đồng đội từng kề vai sát cánh, cùng chung chiến hào đánh đuổi quân thù, giải phóng đất nước.
 

 Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung (đứng đầu) chào tiễn đưa liệt sĩ được quy tập vào tháng 7/2020 về nơi an nghỉ cuối cùng
Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung (đứng đầu) chào tiễn đưa liệt sĩ được quy tập vào tháng 7/2020 về nơi an nghỉ cuối cùng


Ông Nguyễn Thành Chung quê ở tỉnh Thái Bình, đầu năm 1971, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông tình nguyện nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam. Là lính trinh sát, ông đã trực tiếp tham gia các cuộc chiến đấu ác liệt. Trong đó, từ năm 1973, khi là trinh sát của Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 271, ông đã cùng đơn vị chiến đấu hàng trăm trận lớn nhỏ ở mặt trận Quảng Đức (nay là tỉnh Đắk Nông). Chiến tranh gian khổ, hiểm nguy rình rập, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, nhưng khi trực tiếp chứng kiến sự hy sinh của đồng đội, ông Chung không khỏi ngậm ngùi.

Sau ngày đất nước thống nhất, trở về đời thường nhưng trong ông vẫn luôn canh cánh lời hứa là phải đưa đồng đội đã hy sinh về lại quê nhà. Thế nhưng, do cuộc sống khó khăn, gia đình ông phải di cư vào tỉnh Lâm Đồng lập nghiệp theo diện kinh tế mới. Mãi đến năm 2006, ông mới có dịp cùng gia đình liệt sĩ Vũ Tá Trường trở lại chiến trường xưa-đồi Bù Room (nay là thôn 8, xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức) tìm kiếm phần mộ liệt sĩ Trường.

Sau khi tìm được phần mộ liệt sĩ Vũ Tá Trường và 4 liệt sĩ khác đưa về an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk R'lấp và qua nắm bắt nhiều nguồn thông tin, ông Chung biết vẫn còn rất nhiều đồng đội ở Tiểu đoàn 4 đã hy sinh nhưng chưa được tìm thấy. Đau đáu với lời hứa và nỗi trăn trở, năm 2007, ông Chung quyết định chuyển gia đình từ Lâm Đồng sang Đắk Nông để thuận tiện cho quá trình tìm kiếm đồng đội. Quyết định này đã được người vợ ủng hộ, dù lúc ấy hoàn cảnh gia đình ông còn nhiều khó khăn. Bản thân ông và con trai đầu đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam.

Ông Nguyễn Thành Chung chia sẻ: "Tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội là tình cảm, trách nhiệm của những người lính còn sống sau chiến tranh. Các anh nằm xuống, tuy không cùng dòng họ, cùng quê nhưng trên chiến trường đã từng đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau nên gắn bó máu thịt. Vì vậy, để các anh nằm đây mấy chục năm, không được nhang khói đàng hoàng, chúng tôi cứ day dứt mãi, đêm nằm cũng nhớ, cũng mường tượng lại khuôn mặt của anh em, nơi bị hy sinh như thế nào, rồi lần hồi tìm kiếm”.


 

 Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung (bên phải) luôn nỗ lực thực hiện lời hứa tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội hy sinh trong chiến tranh
Cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung (bên phải) luôn nỗ lực thực hiện lời hứa tìm kiếm, cất bốc hài cốt đồng đội hy sinh trong chiến tranh


Với nỗi niềm khôn nguôi đó, ông Chung miệt mài đi khảo sát, tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, có những chuyến đi ngắn chỉ từ 2-3 ngày, nhưng cũng có chuyến đi kéo dài hơn một tuần lễ nhưng bước chân ông không hề mỏi. Ông Chung cho biết: "Quá trình tìm kiếm rất lâu rồi, tập trung toàn bộ anh em từng công tác, chiến đấu tại Trung đoàn 271 trên mọi miền đất nước lên Đắk Nông khảo sát nhiều lần. Sau năm 2013, các cựu chiến binh khảo sát lại toàn bộ địa bàn của đơn vị mình từng hoạt động trước đây để nắm lại xem đồng đội hy sinh khi nào, ai chôn cất, như thế nào, qua đó kết luận và lập danh sách liệt sĩ và tiến hành tìm kiếm".

Nỗ lực đi tìm đồng đội của cựu chiến binh Nguyễn Thành Chung cùng đồng đội đã được đền đáp khi giữa năm 2017, tại đồi Đạo Trung, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã tìm thấy khu mộ tập thể và xác định hài cốt của 33 liệt sĩ thuộc Tiểu đoàn 4. Năm 2019, 3 hài cốt liệt sĩ được tìm thấy tại thôn 4, xã Quảng Tân (Tuy Đức).

Đặc biệt, trong năm 2020, ông Chung cùng đồng đội tìm thấy 3 khu mộ tập thể ở thôn 8, xã Quảng Tân và đưa 20 hài cốt liệt sĩ về an nghỉ đàng hoàng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đắk R'lấp.

Theo ông Chung, tìm được đồng đội đã hy sinh là niềm vui, nhất là khi đưa các liệt sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng đàng hoàng. Giờ đây, khi còn sức khỏe, trí nhớ còn minh mẫn, đôi chân còn trèo đồi, lội suối được, ông và đồng đội muốn tranh thủ từng giây phút để tiếp tục tìm được các phần mộ liệt sĩ, để các anh được nhang khói, yên nghỉ đàng hoàng.

Bài, ảnh: Phan Tân
(Dẫn nguồn baodaknong)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.