Tìm hài cốt liệt sĩ trên đỉnh Chư Pao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau những trận đánh từ năm 1969 cho đến mùa hè đỏ lửa năm 1972, hài cốt của nhiều cán bộ, chiến sĩ vẫn còn nằm lại trên dãy núi Chư Pao (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai). Vậy nên, hành trình đi tìm đồng đội, người thân với sự giúp sức của Đội Quy tập mộ liệt sĩ (Cục Chính trị, Quân đoàn 3) chưa bao giờ ngơi nghỉ.

Anh nằm đâu giữa núi rừng?

Từ nơi đóng quân (ở nhờ nơi làm việc của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh, xã Ia Khươl), Đại tá, Chính trị viên Ngô Đình Chung-Đội trưởng Đội Quy tập mộ liệt sĩ (Cục Chính trị, Quân đoàn 3) đưa chúng tôi đến nơi cán bộ, chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ trên đỉnh Chư Pao.

Cùng hành trình với chúng tôi còn có những vị khách rất đặc biệt. Đó là anh em ông Đỗ Bảy, Đỗ Tám (xã Cao Phong, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc) lần đầu tiên vào Gia Lai tìm mộ người anh trai hy sinh ở chiến trường này; ông Trần Thanh Hòa (xã Đào Mỹ, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang), nguyên Trung đội trưởng, Đại đội trinh sát, Trung đoàn 24A, thuộc Mặt trận B3 trở lại chiến trường xưa tìm đồng đội.

  Đội Quy tập mộ liệt sĩ (Cục Chính trị, Quân đoàn 3) cùng thân nhân liệt sĩ xem tọa độ trên bản đồ, xác định vị trí, khu vực tìm kiếm. Ảnh: Minh Nguyễn
Đội Quy tập mộ liệt sĩ (Cục Chính trị, Quân đoàn 3) cùng thân nhân liệt sĩ xem tọa độ trên bản đồ, xác định vị trí, khu vực tìm kiếm. Ảnh: Minh Nguyễn


Đoạn đường từ quốc lộ 14 đến nơi tìm kiếm, quy tập chỉ hơn 2 km, nhưng nhiều chỗ khá dốc, hiểm trở. Dưới cái nắng tháng 4 bỏng rát, chỉ mới vượt qua ngọn đồi đầu tiên mà ai nấy đều nhễ nhại mồ hôi. Thỉnh thoảng, đoàn dừng chân nghỉ ngơi sau khi vượt qua đoạn dốc cao.

Những tưởng ở tuổi 74, ông Bảy sẽ không vượt qua đỉnh dốc tiếp theo ở độ cao khoảng 1.000 m, nhưng chúng tôi đã nhầm. Đạp trên đám lá khô, ông bước một cách mạnh mẽ, hăm hở dẫn đầu đoàn hướng về phía trước. Thông tin ban đầu về người anh của mình như trở thành động lực giúp ông khỏe khoắn hơn. Vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội vào TP. Pleiku, ông cùng em trai lập tức đón xe đi Chư Păh để xin theo cùng Đội Quy tập khảo sát.

Vừa đi, ông Bảy vừa cho biết: Anh trai ông tên Đỗ Khắc Sâm nhập ngũ tháng 11-1966 khi vừa tròn 20 tuổi. Tháng 6-1969, ông Sâm hy sinh tại xã Ia Khươl (huyện Chư Păh) khi đang là Trung đội trưởng, Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 24A. Mãi đến năm 1971, gia đình mới nhận được giấy báo tử.

“Đau đáu về người con còn nằm lại nơi chiến trường, trước khi mất, bố mẹ căn dặn 2 anh em chúng tôi phải cố gắng tìm bằng được anh về, không được để anh cô đơn, lạnh lẽo một mình nơi đất khách quê người. Tuy nhiên, thông qua người đồng đội cùng chiến đấu với anh (nay đã mất), chúng tôi chỉ có chút thông tin khá mờ mịt là anh hy sinh trong trận đánh ở nơi này và được người dân địa phương chôn cất ở khu rừng có nhiều cây non gần làng”-ông Bảy thông tin.

Hành trình tìm hài cốt liệt sĩ của Đội Quy tập mộ liệt sĩ chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ảnh: Minh Nguyễn
Cán bộ Đội Quy tập mộ liệt sĩ và thân nhân liệt sĩ trên đường lên đỉnh Chư Pao. Ảnh: Minh Nguyễn


Theo ông Bảy, vì cuộc sống khó khăn và nhiều lý do khác nên đến giờ họ mới có điều kiện đi tìm hài cốt người anh. Biết được thông tin cựu chiến binh Trần Thanh Hòa đang cất công tìm và đưa hài cốt liệt sĩ hy sinh ở Gia Lai về một xã gần nơi mình sinh sống, ông Bảy lập tức liên lạc với ông Hòa. Ông vô cùng bất ngờ và vui mừng khi biết anh trai mình và ông Hòa là đồng đội cùng trung đoàn. Có được manh mối rõ ràng hơn, lại được ông Hòa tình nguyện dẫn đường, ông Bảy tin chắc sẽ tìm thấy hài cốt anh mình.

Trò chuyện cùng chúng tôi, cựu chiến binh Trần Thanh Hòa cho hay: Năm 1966, đơn vị ông đóng quân ở Đak Tô (tỉnh Kon Tum). Sau Chiến dịch Mậu Thân 1968, đơn vị chuyển về huyện 4 (Chư Păh ngày nay). Dãy Chư Pao được bộ đội ta chọn làm điểm tập kết, trú quân để phát triển lực lượng và làm nhiệm vụ tiêu diệt lực lượng địch nhằm chia cắt đường 14, không cho chúng tiếp tế cho Mỹ-ngụy ở Kon Tum. Nhằm khôi phục tuyến đường bị chia cắt, địch tập trung lực lượng tấn công dồn dập. Không ít chiến sĩ ta đã anh dũng hy sinh, nhiều nhất là năm 1969.  

Theo ông Hòa, nguyên nhân khiến ông trở lại chiến trường xưa tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ xuất phát từ nỗi đau đáu, trăn trở của chính gia đình mình khi có người em ruột hy sinh ở chiến trường Bình Trị Thiên. Năm 2000, sau khi nghỉ hưu, ông cất công tìm kiếm và đưa được hài cốt em trai mình về quê nhà.

“Từng chứng kiến nhiều đồng đội ngã xuống nơi đây nên tôi hiểu rõ nỗi đau của những gia đình chưa tìm được hài cốt của con em mình. Đồng đội đã hy sinh cho mình được sống. Vì vậy, tôi phải dốc sức đi tìm, kết nối để sớm đưa các anh về với gia đình”-ông Hòa tâm tư.

Nhiều tâm nguyện chưa thành

Câu chuyện về hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ cứ ngắt quãng khi những bước chân dần nặng hơn bởi những đoạn dốc cao. Cuối cùng, sau 2 tiếng đồng hồ, nơi các chiến sĩ đang thực hiện việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đã hiện ra trước mắt.

Ông Bảy vô cùng xúc động khi chứng kiến cán bộ, chiến sĩ mồ hôi đầm đìa lưng áo đang nỗ lực đào xới, khẩn trương thăm dò, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Dù chưa biết được anh trai mình nằm nơi đâu, nhưng nhìn những hố đào chằng chịt giữa khu rừng rộng lớn trên đỉnh Chư Pao này, ông thầm cảm ơn vì nỗ lực của họ đã chia sẻ với những mất mát không gì bù đắp được của gia đình thân nhân liệt sĩ.

Hành trình tìm hài cốt liệt sĩ của Đội Quy tập mộ liệt sĩ chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ảnh: Minh Nguyễn
Hành trình tìm hài cốt liệt sĩ của Đội Quy tập mộ liệt sĩ chưa bao giờ ngơi nghỉ. Ảnh: Minh Nguyễn


Sau chuyến tìm kiếm trên đỉnh Chư Pao, đồng thời trao đổi với Đội Quy tập mộ liệt sĩ, ông Đỗ Bảy thông tin: “Anh trai tôi, liệt sĩ Đỗ Khắc Sâm được người dân và đồng đội mai táng gần khu nhà mồ làng Grút (xã Ia Khươl) đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh gần 20 năm nay. Trong khi đó, tại làng này chỉ chôn cất duy nhất liệt sĩ nên khả năng đây là phần mộ của anh trai tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đang chờ lục tìm hồ sơ cất bốc mới biết chính xác ngôi mộ nào. Gia đình tôi vô cùng may mắn khi chỉ trong vài ngày mà gần như đã tìm được anh trai mình”.

Đưa tay lau vội những giọt mồ hôi đang chảy tràn trên má, chiến sĩ Trần Quang Linh cho hay: Nơi này có 6 liệt sĩ hy sinh. Song gần 1 tháng qua, dù đã đào xới cả khu vực rộng lớn nhưng vẫn chưa thấy bóng dáng các anh ở đâu.

“Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó nỗi đau của nhiều gia đình đang hàng ngày mong ngóng, hy vọng có được thông tin về phần mộ của người thân. Vì vậy, nhiều lúc rất mệt, nhưng chúng tôi luôn tự nhủ phải khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ, phải làm hết sức để thể hiện tấm lòng tri ân đối với các bác, các chú đã hy sinh. Vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, chúng tôi mong muốn sớm đưa hài cốt các liệt sĩ về nghĩa trang nằm cùng đồng đội”-anh Linh cho hay.

Đại tá Ngô Đình Chung cho biết: Quân đoàn có số liệt sĩ quá lớn, chủ yếu nằm lại ở 3 tỉnh: Đak Lak, Gia Lai, Kon Tum. Đặc biệt, xã Ia Khươl là nơi xảy ra các trận chiến ác liệt giữa ta và địch từ năm 1969 đến 1972. Trong hồ sơ lưu trữ hiện vẫn còn nhiều tọa độ đánh dấu nơi liệt sĩ hy sinh chưa tìm được.

Thông qua việc nắm thông tin từ các già làng, du kích từng tham gia chiến đấu, giao liên cũng như thông tin từ gia đình liệt sĩ, đơn vị đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ quy tập. Tính từ năm 2020 đến nay, Đội đã quy tập được 22 hài cốt liệt sĩ; riêng 4 tháng đầu năm 2021, đội tìm được 13 hài cốt.

“Tuy nhiên, qua nghiên cứu hồ sơ lưu trữ, tại Chư Păh còn hơn 2.000 liệt sĩ chưa được quy tập. Riêng khu vực núi Chư Pao còn khoảng 50-60 hài cốt chưa được quy tập, trong đó có mộ tập thể của hơn 30 liệt sĩ. Chúng tôi đưa máy móc vào tìm suốt 3 tháng trời nhưng vẫn chưa thấy. Hiện giờ, chúng tôi đang tận dụng và xâu chuỗi mọi nguồn thông tin để xác định khu vực tìm kiếm. Mặc dù lực lượng mỏng và phương tiện thô sơ, nhưng với tinh thần trách nhiệm của thế hệ đi sau, chúng tôi luôn nỗ lực tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ để đưa về quê nhà hoặc quy tập vào nghĩa trang cho ấm cúng”-Đại tá Chung thông tin.

Với nỗ lực không ngừng, mỗi năm, Đội trưởng Đội Quy tập mộ liệt sĩ quyết tâm quy tập từ 15 đến 20 hài cốt liệt sĩ. Dù vậy, theo Đại tá Chung thì vẫn còn đó nhiều trăn trở.

“Trải qua nhiều năm, chỉ còn sót lại ít mẩu xương, răng và một số di vật. Phần lớn các hài cốt tìm thấy không xác định được tên tuổi; nhiều chiến sĩ trúng bom, mảnh đạn pháo mất xác, mất tích vẫn còn nằm lại đâu đó trên dãy núi Chư Pao này. Chứng kiến hình ảnh người thân, đồng đội khóc không thành tiếng, lặng người ôm kỷ vật sót lại, chúng tôi càng ý thức trách nhiệm của mình”-Đại tá Chung chia sẻ.
 

 MINH NGUYỄN
 

Có thể bạn quan tâm

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.
Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Sống cả phần đồng đội đã hy sinh

Trở về thời bình sau cuộc chiến, như nhiều cựu chiến binh khác, ông Lê Trường Giang (Trưởng ban Liên lạc truyền thống Trung đoàn 16, Ủy viên Ban chấp hành Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh) bắt tay chăm lo kinh tế.
Hồn Huế dưới mái rường

Hồn Huế dưới mái rường

Những ngôi nhà rường ở Thừa Thiên Huế thường được xem là biểu tượng của sự phồn thịnh và văn minh của vùng đất này. Trong quá khứ, chỉ có tầng lớp quý tộc, các quan lại và những gia đình giàu có mới có khả năng xây dựng và sở hữu nhà rường.
Cánh chim bay ngang trời

Cánh chim bay ngang trời

Say mê tiếng sáo khi còn là cậu bé lên 7, NSND Trịnh Mạnh Hùng ví đời mình như cánh chim bay ngang trời từ miền núi xa xa vút qua đồng bằng trải dài rồi băng qua đại dương rộng lớn đến khắp nơi trên thế giới, chỉ mong để lại cho đời một thanh âm trong trẻo, mang dáng hình quê hương.

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo

Mỗi khi cùng NSND Tiến Thọ về quê Bồng Báo, ông lại ngân nga cái câu ấy có trong tích trò khuyết danh Quan Âm Thị Kính. Hình như trong lộ trình thành danh, Lê Tiến Thọ đã sớm làu thuộc câu hát về miền quê mình có vùng đất xưa mang tên cái tên rất cổ.
Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Loạn phòng khám nam khoa 'chui'

Thời gian qua, Báo Thanh Niên nhận được nhiều phản ánh của bạn đọc về các phòng khám, cơ sở "chui" ở TP.HCM quảng cáo lố, không đúng sự thật về việc nâng cấp "cậu nhỏ" bằng phương pháp, công nghệ hiện đại, điều trị được nhiều bệnh sinh lý nam.