Làng muối Tuyết Diêm đắng chát vị mặn mồ hôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Dưới không gian nắng nóng gay gắt một ngày cuối tháng sáu, PV Báo CAND tìm đến cánh đồng muối Tuyết Diêm, xã Xuân Bình, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) để tìm hiểu nỗi vất vả gian truân của hàng trăm diêm dân ở đây khi điệp khúc “được mùa, mất giá”, “được giá, mất mùa” cứ tái diễn nhiều năm qua.
Đứng bên cánh đồng muối đang kết tinh trắng xóa trong những ô thửa, ông Nguyễn Tiến Duy  - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) muối Tuyết Diêm kể với chúng tôi rằng, theo các bậc cao niên kể lại, đồng muối Tuyết Diêm hình thành từ năm 1870. Đến nay đã tròn 150 năm, thế nhưng đồng muối nơi đây chưa được quy hoạch hoàn thiện như những đồng muối Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Ninh Thuận), Hòn Khói (Khánh Hòa)… mà vẫn còn manh mún, gõ trũng nên diêm dân đối mặt không ít khó khăn vất vả.
Theo lời nhiều diêm dân, thời Pháp thuộc, hạt muối ở đây đắt lắm. Quan Tây cho xây nhà kho lớn giữa cánh đồng muối rồi cắt cử chánh chủ thầu, phó chủ thầu, thầy cai, thầy đội, lính bồi luân phiên nhau thường trực xuyên suốt ngày đêm canh giữ từng hạt muối. Muối đắt đỏ tới mức diêm dân trong làng có câu: “Muối Cù Mông ba mươi đồng một hạt”. 
 
Diêm dân tất bật thu hoạch muối hạt trên đồng muối Tuyết Diêm.
Diêm dân tất bật thu hoạch muối hạt trên đồng muối Tuyết Diêm.
Bây giờ thì giá muối biến động bấp bênh nhưng nếu bỏ nghề truyền thống này thì làm công việc gì để mưu sinh. Lý giải thêm về “Muối Cù Mông”, một lão nông cho biết: “Gọi là muối Cù Mông vì làng này nằm dưới chân đèo Cù Mông, thời xưa tàu thuyền trong Nam ngoài Bắc đến đây mua muối đều nhắm hướng phía Nam chân đèo Cù Mông để lái mũi tàu vào Tuyết Diêm là đồng muối duy nhất ở Phú Yên, nổi tiếng trắng tinh, hạt chắc, vị mặn đậm đà nhưng không chát”.
Lịch sử hình thành lâu đời nhưng đến nay tổng diện tích đồng muối Tuyết Diêm cũng chỉ 134 ha, trong đó có 120 ha của HTX muối Tuyết Diêm, còn lại 14 ha của người dân sản xuất rời rạc. Đây cũng là tổ chức tập thể nghề muối duy nhất ở Phú Yên. Từ nhiều năm qua, diêm dân Tuyết Diêm sản xuất muối theo phương thức thủ công truyền thống, dẫn nước biển vào những ô thửa nền đất, phơi nắng 4-5 ngày để muối kết tinh rồi huy động nhân công cào dồn hạt muối thành luống trước khi gánh vào bãi tập kết.
Để tìm giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, 10 năm trước một số cán bộ và xã viên HTX muối Tuyết Diêm ra Quảng Nam tìm hiểu mô hình muối sạch nhưng không triển khai được vì vốn đầu tư mỗi ha muối nền đất 15 triệu đồng, trong khi muối trải bạt chi phí lên tới 80 triệu đồng. HTX không có nguồn vốn đầu tư sản xuất muối sạch trên diện rộng, ngay cả đê bao kiên cố trên đồng muối và đường giao thông vận chuyển sản phẩm cũng chưa hoàn thiện nên chỉ “thử nghiệm” 3 ha muối trải bạt. 
Đến giữa năm 2018, Trung tâm khoa học công nghệ và môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ cho HTX muối Tuyết Diêm 5.760m2 bạt nhựa, 3 máy bơm nước, 30 ống nhựa, 250m dây điện để nâng diện tích muối trải bạt lên 9 ha, khuyến khích diêm dân đầu tư sản xuất muối sạch. Thế nhưng do khó khăn về nguồn vốn nên muối nền đất của HTX muối Tuyết Diêm vẫn chiếm diện tích hơn 100 ha.
Ông Nguyễn Tiến Duy cho biết, vụ muối năm ngoái, HTX muối Tuyết Diêm thu được gần 13.000 tấn nhưng giá bán mỗi cân muối chỉ được 700 đồng, trong khi muối trải bạt 1.100 đồng. Theo đó tổng doanh thu cả hai loại muối chưa đến 10 tỷ đồng, trừ các khoản chi phí sản xuất thì tiền lãi gần như chỉ còn là…. hạt muối bỏ bể! Năm nay do mưa trái mùa, hơn nữa giá muối xuống thấp không tác động tích cực để sản xuất nên đến cuối tháng 6/2020 sản lượng muối chỉ mới đạt gần 2.000 tấn, đời sống diêm dân sẽ không tránh khỏi khó khăn.
Diêm dân Nguyễn Thị Duyên chia sẻ thêm: “Cha truyền con nối thành duyên nghiệp mưu sinh chứ nghề làm muối cực hơn rất nhiều so với nghề nông. Kết thúc mùa vụ phải xới đất, đầm nén lại mặt ô thửa ruông muối bằng phẳng, đào đắp lại bờ ruộng, kênh dẫn nước biển. Nghề này chỉ sản xuất trong những tháng nắng. Nắng càng gay gắt, muối càng nhanh kết tinh và càng thơm tinh khiết, nhưng vị mặn mồ hôi diêm dân cũng càng thêm mặn chát”.
Diêm dân Nguyễn Tấn kể, cực thì cực nhưng chỉ mong sao nắng dài ngày tháng, giá muối ổn định và tăng dần, đằng này nhiều năm sản lượng muối tăng cao nhưng giá muối rớt xuống thê thảm. Ban giám đốc HTX muối Tuyết Diêm tính toán, dự báo giá cả tăng giảm để điều tiết lượng muối cần xuất bán hoặc lưu kho, nhưng lắm lúc cũng vấp phải khó khăn trước biến động giá cả, còn diêm dân do nhu cầu đời sống nên mùa nào cũng bán sớm 70% sản lượng muối, đến khi giá cả tăng lên thì lượng muối còn lại rất ít. Kết cục một số đầu nậu tung tiền tích trữ muối từ đầu vụ sẽ thu lãi cao, diêm dân vẫn thua thiệt…
Theo tìm hiểu của PV, trước đây, một doanh nghiệp đã đến đồng muối Tuyết Diêm khảo sát đầu tư xây dựng nhà máy chế biến muối i-ốt, nhiều diêm dân háo hức trông chờ nhưng rồi nhà đầu tư này chỉ đến vài lần rồi…biến mất!
Để nâng cao giá trị sản phẩm hạt muối Tuyết Diêm, 4 gia đình ở đây đã đầu tư 4 lò sản xuất muối hầm. Lò hầm muối hình tròn lộ thiên được xây lắp bằng gạch, phía dưới có khoảng không để đun củi, phía trên xếp dày những chậu đất chứa muối hạt. 12h đêm nhân công xếp muối vào lò để đun trong suốt 24 giờ, trong thời gian đó thợ hầm muối dùng xẻng xúc than lửa từ dưới cửa phủ trên bề mặt lò một vài lần để tại nhiệt lượng đồng bộ. Muối chín, để nguội mới bưng ra cho nhân công nữ sàn tay lấy bột muối thơm, mịn.
Dù có giá trị cao nhưng do sản lượng muối trải bạt và muối hầm không nhiều nên hoạt động sản xuất và đời sống của diêm dân ở Tuyết Diêm vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thử thách. 
Vì thế nhu cầu đầu tư mở rộng diện tích muối trải bạt; xây dựng thêm nhiều lò hầm muối; xây dựng hoàn thiện hệ thống đê bao, kênh mương nội đồng và nhà nước cần có chính sách ưu đãi nguồn vốn khuyến diêm, bình ổn giá muối… vẫn luôn là nỗi trăn trở lo toan của HTX muối Tuyết Diêm và diêm dân ở nơi này.
Hữu Toàn (CAND)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.