Cuộc thi viết "Từ trong ký ức": Nhớ thời xem phim Liên Xô

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thế hệ 6x, 7x chúng tôi luôn dành một ngăn nhung nhớ cho những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Xô Viết: "Bài ca người lính", "Chiến tranh và hòa bình", "Moskva không tin những giọt nước mắt", "Khi đàn sếu bay qua", "Rừng Taiga"...
Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, quê tôi, xã Đông Hà, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vẫn chưa có truyền hình. Văn hóa, văn nghệ ở làng quê chủ yếu do tự biên tự diễn, qua nghe đài hay mỗi năm vài lần có đoàn kịch, đội chiếu bóng lưu động về xã. Được chờ đợi nhất là ngày đội chiếu bóng về sân HTX dựng màn, chiếu phim phục vụ nhân dân. Ngoài phim của cách mạng Việt Nam còn có phim của các nước trong khối xã hội chủ nghĩa và trong đó, các bộ phim chiến đấu của điện ảnh Xô Viết được yêu thích hàng đầu.
Cả làng băng đồng đi xem phim
"Tối nay có phim Liên Xô!", câu nói mang lại niềm vui tột đỉnh cho người dân làng tôi ngày đó; làng trên, xóm dưới, người người, nhà nhà cùng náo nức. Tối đến, làng tôi cả một đoàn dài, đủ nam, phụ, lão, ấu nhưng nhiều nhất vẫn là thanh, thiếu niên nối đuôi nhau băng đồng đi xem phim.
 
Poster phim “Moskva không tin những giọt nước mắt”
Poster phim “Moskva không tin những giọt nước mắt”
Anh tôi là người tinh nghịch, hay kiếm trò đùa nên thường giành quyền đi trước. Trời tối, cũng có khi trăng sáng mờ mờ, thêm một chút cảm giác sợ ma vì trên cánh đồng có một nghĩa địa nên người nối người san sát bước chân. Vừa đi vừa tán chuyện rôm rả nên người đi trước bước sao thì người đi sau cứ vậy mà theo. Bởi vậy, mỗi khi ngang qua vũng lội, anh tôi thường giả đò bước bình thường. Người sau tin tưởng cứ tiếp bước thành ra có cảnh cả một nhóm người bị "vồ ếch". Vậy là đoàn người phải dừng lại, chờ những người gặp sự cố gột rửa quần áo xong mới tiếp cuộc hành trình. Chưa hết, đến chỗ bằng phẳng rành rành, ông anh tôi lại nhảy lên, đằng sau cứ theo thế nhất loạt mà nhảy. Nhảy rồi mới biết mình bị hố, đoàn người la oai oái làm náo động cả cánh đồng đêm.
Tôi vẫn nhớ phim ngày ấy thường là đen trắng. Buổi sáng đoàn chiếu phim đến, dựng màn ảnh, sắp xếp dụng cụ, giăng dây quanh sân bãi, làm cửa ra vào để soát vé. Lũ trẻ con sau buổi học là thập thò, mon men đến để khai thác vài thông tin hay nuôi hy vọng kiếm được vài đoạn phim gãy để về "lấy le" với chúng bạn. Đoạn phim ấy soi lên ánh đèn sẽ thấy đủ các hình ảnh, tha hồ mà tưởng tượng.
"Quân nó hay quân ta?"
Thường thì trước mỗi khi chiếu phim sẽ có bài phát biểu của lãnh đạo xã, cũng ngắn gọn nên không ảnh hưởng gì đến sức nóng của sự háo hức. Rồi tiếng máy quay phim rè rè cất lên, cả sân bãi nhốn nháo thành im phăng phắc. Phim chạy, một luồng sáng chiếu thẳng từ máy quay lên màn ảnh rộng. Bắt đầu là dòng chữ chạy từ dưới màn hình lên giới thiệu đạo diễn, nhà sản xuất, diễn viên trong tiếng nhạc nền. Phim tiếng Việt thì chữ chạy đến đâu, người đọc đến đó, hầu như cả sân bãi cùng đọc đồng thanh, vui như hội.
Rồi phim cũng bắt đầu. Phim nước ngoài có thuyết minh. Cả sân bãi lặng phắc như hóa đá để chăm chú vào những hình, những tiếng. Tôi vẫn nhớ những giọng đọc thuyết minh thời ấy, như có ma thuật vì có hùng, có bi, có lãng mạn, có liêu trai. Bọn nhóc bắng nhắng chúng tôi xem phim thường không hiểu ngay; hoặc tập trung xem được hình thì không nghe được tiếng, còn tập trung nghe được tiếng lại không chú ý hình ảnh nên phải hỏi.
 
Poster phim “Bài ca người lính”
Poster phim “Bài ca người lính”
Đầu tiên, thấy nhân vật xuất hiện trên màn ảnh sẽ hỏi câu thứ nhất: "Quân ta hay quân nó?". Nhưng người nước ngoài, ai cũng cao lớn, râu ria nên phải xuất hiện vài lần, phải hỏi vài lần mới nhớ mặt, mới phân biệt được "quân nó" với "quân ta". Chưa kể màn ảnh giăng trên sân bãi, gặp gió lớn còn đong đưa, đong đưa làm hình người bị gãy khúc, càng khó nhận diện.
Xác định được "quân ta", "quân nó" rồi thì đến phần nội dung. Phim nước ngoài có diễn biến nhanh, nhiều tình huống bất ngờ nên trẻ con càng khó hiểu, càng phải hỏi tợn. Mà người lớn xem qua chắc gì đã hiểu ngay, lại còn bị hỏi nhiều quá, mất tập trung nên bực.
Chị cả tôi lần nào đi xem phim cũng phải dắt theo 4 đứa em lít nhít, trong đó 2 đứa chuyện gì cũng hỏi tỉ mẩn. Để đến được sân bãi phải qua bao cửa ải: xin tiền mua vé, giành giật chỗ ngồi, trông em để không bị lạc. Đến khi được xem phim, hết đoạn "tình báo", chuyển sang đoạn "tình yêu", hấp dẫn mê li thì lại bị tra hỏi liên hồi, chị tôi bực, tặng mỗi đứa mấy cái cốc vào đầu. Bị đau, chị em tôi khóc ré lên, to chả thua gì tiếng thuyết minh. Vậy là 5 chị em phải rời vị trí để đi "khóc cho xong tí dở" rồi lại vào xem tiếp.
Phim Liên Xô và họa báo Liên Xô giúp người dân quê tôi hiểu thêm về đất nước bạch dương, về con người, phong tục, văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp. Riêng thế hệ 6x, 7x chúng tôi luôn dành một ngăn nhung nhớ cho những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Xô Viết: "Bài ca người lính", "Chiến tranh và hòa bình", "Moskva không tin những giọt nước mắt", "Khi đàn sếu bay qua", "Rừng Taiga", "Ruslan và Lyudmila", "Ông già Khottabych"...
Tôi tin chắc rằng ngày ấy, đứa trẻ nào trong chúng tôi cũng ước mơ lớn lên sẽ được đi nước Nga. Nhưng mà đi bằng cách nào? Học cho giỏi để khi thi ĐH đủ điểm thì chỉ 4 đứa học trường chuyên là có cơ hội: Anh Sơn con thầy giáo Ngoạn, anh Ninh con bác Hòa học giỏi toán; anh Đông con chú Đệ và tôi học giỏi văn. Vài đứa có bố hoặc người quen làm cán bộ nhà nước thì ước được đi xuất khẩu lao động ở Nga. Như chị Lanh con bác Vinh, gửi hình chụp từ Nga về làm cả làng, ai xem cũng phải thổn thức vì thèm.
Sau này, chỉ có anh Sơn sang Nga học tập rồi ở lại làm việc, nghe nói anh còn làm rể nước Nga. Ông anh dẫn đầu đoàn người của tôi thì sống ở Đức, cũng là châu Âu nên mỗi năm đi Nga còn nhiều hơn ngày xưa đi xem phim. Thời mở cửa, kinh tế phát triển, chuyện đi Nga không còn là chuyện thèm vụng, ước ao với nhiều người. Và tôi chưa thấy một ai phải thất vọng vì hình ảnh của Liên Xô trên màn ảnh rộng ngày ấy với nước Nga bây giờ.
Không biết có quá không khi tôi cho rằng phim Liên Xô ngày ấy đã thực hiện tuyệt vời sứ mệnh truyền tải yêu thương, tinh thần lạc quan đến mỗi người trong những năm đất nước còn gian khó và bộn bề những khó khăn, thử thách. Thông qua điện ảnh, chẳng cần những khẩu hiệu cổ động hay những lời tuyên truyền hoa mỹ, chúng tôi đều hiểu rằng ở nơi đâu trên trái đất này, hai tiếng Tổ quốc cũng đều thiêng liêng, còn tình yêu là hương vị tuyệt vời mà cuộc đời ban tặng. Và hơn hết, phim Liên Xô góp phần cho lũ trẻ chấy rận chúng tôi một động lực mãnh liệt để học tập, lao động và yêu hơn đất nước mình.
Tôi có một ao ước mãnh liệt rằng một ngày nào đó, đám trẻ đen nhẻm, khét nắng ngày xưa, dù ở góc bể, chân trời nào sẽ cùng nhau về lại nhập thành đoàn rồng rắn, cùng nhau băng qua cánh đồng vào một buổi đêm... để ôn lại cái thời đi xem phim Liên Xô. Chắc hẳn đoàn người ấy sẽ thật dài và vô cùng huyên náo bởi thế hệ thứ ba đã chào đời... 
Kiên nhẫn chờ "tháo khoán"
Nhưng không phải lúc nào cũng có tiền mua vé xem phim trong tình hình cả nhà đều mê phim như thế. Trẻ con thì được vào tự do, còn người lớn phải mua vé. Vậy nên có cảnh đứa trẻ lọt qua cổng soát vé rồi mà người lớn vẫn ở bên ngoài. Những khi ấy, trẻ con cũng không dám vào xem vì sợ lạc. Khu vực sân bãi để ngồi xem được cách ly, giăng dây cẩn thận, bảo vệ thì không bao giờ xét trường hợp ngoại lệ, thế nên nhiều người phải chờ "tháo khoán" - tức là khi bộ phim đã chiếu được khoảng 3/4 thời gian thì cửa soát vé sẽ mở, dành cơ hội cho những người không có vé.
Vào được sân khi ấy không còn chỗ tốt nữa, phải đứng xa màn ảnh, nội dung cũng sắp hết rồi. Nhưng không sao, bộ phim nào cũng luôn có nhiều người nhẫn nại chờ. Mà không được xem hết phim thì vẫn còn vô số đồng minh mình ở trong kia đang xem say sưa, nghe như nuốt lấy từng lời và sẵn sàng kể lại cho mình nghe đến n lần không biết chán.
Một lần về quê, có lần tôi hỏi chuyện anh Hiền, người làng, từng tham gia soát vé ngày trước. Anh thổ lộ có thương, có thân cũng chịu vì "cái cổng soát vé thì bé mà có đến hai ông to như ông hộ pháp của đoàn làm phim đứng đấy, anh chỉ phụ thôi thì hỏi làm được trò trống gì?".
Trâm Oanh (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Một lần 'chạm' Angkor Bài 3: Choáng ngợp Angkor (*)

Quần thể kiến trúc Angkor có đến 108 đền tháp nằm rải rác trong Công viên khảo cổ Angkor rộng lớn ở Siem Reap. Trong chuyến đi ngắn ngủi này, chúng tôi chỉ có thể “cưỡi ngựa xem hoa” Angkor Wat, Angkor Thom và đền Ta Prohm. Nhưng cái nhìn thoáng qua ấy cũng đủ làm chúng tôi choáng ngợp và sững sờ…
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.