Chuyện chưa kể ở hồng tâm cuộc chiến

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đằng sau nụ cười hạnh phúc khi các bệnh nhân mắc Covid-19 xuất viện là những nỗi niềm của y - bác sĩ, điều dưỡng mà chỉ những người trong cuộc mới biết
Trong buổi lễ tổ chức cho 7 bệnh nhân mắc Covid-19 xuất viện hôm 3-4 tại Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Bình Thuận, sau những bó hoa chúc mừng của các bệnh nhân dành cho các y - bác sĩ, tôi bỗng thấy một đôi mắt như vẫn còn hoen đỏ dù chị lặng lẽ đứng phía sau.
Chứng kiến đám tang mẹ qua điện thoại
Chị là điều dưỡng Nguyễn Thị Liên, đã công tác ở Khoa Truyền nhiễm BV Đa khoa tỉnh Bình Thuận 32 năm. Chỉ còn 1 năm nữa, chị về hưu.
Đêm 28-3, nghe tin 7 trong số 9 bệnh nhân mắc Covid-19 đang điều trị tại khoa có kết quả âm tính lần đầu, cả khoa như vỡ òa hạnh phúc. Nhưng cũng đúng lúc này, tiếng chuông điện thoại reo lên. Chị Liên nhận được tin từ chồng (cũng là một điều dưỡng làm ở Khoa Ung bướu) cho hay mẹ chị vừa qua đời.
"Nhận tin mẹ mất, tôi rất sốc. Dù mẹ đã lớn tuổi, lại nằm liệt giường do tai biến nhưng trước đó, mẹ vẫn ăn uống bình thường, tinh thần minh mẫn. Mẹ đột ngột ra đi, tôi như chết lặng" - chị Liên kể với giọng run run.
Các đồng nghiệp an ủi điều dưỡng Nguyễn Thị Liên vì không thể về chịu tang mẹ (Mời quét QR code bằng camera điện thoại để nhận link xem video cùng chủ đề)
Các đồng nghiệp an ủi điều dưỡng Nguyễn Thị Liên vì không thể về chịu tang mẹ (Mời quét QR code bằng camera điện thoại để nhận link xem video cùng chủ đề)
Đón nhận tin mẹ qua đời thật sự khó khăn nhưng điều còn khó hơn gấp bội khi chị phải quyết định về nhà chịu tang hay ở lại BV. Những điều dưỡng kinh nghiệm như chị Liên thường là người trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm từ các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Thế nên, nếu chị về nhà trong hoàn cảnh này thì BV sẽ thiếu nhân lực. Thêm vào đó, do tiếp xúc trực tiếp bệnh nhân, rủi ro nhiễm bệnh không loại trừ nên việc về nhà chịu tang có thể ảnh hưởng đến mọi người. Vì vậy, chị quyết định ở lại.
Là con gái út trong gia đình có 5 người con, chị Liên vẫn thường lui tới chăm sóc người mẹ 88 tuổi. Vậy nên việc không thể về nhà nhìn mẹ lần cuối là một nỗi đau quá lớn với chị.
Theo bác sĩ Dương Thị Lợi, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, 20 ngày qua là 20 ngày dài đằng đẵng, nhất là trong một môi trường phải chịu nhiều áp lực như thế này.
"Vậy nên, khi niềm vui 7 bệnh nhân được âm tính chưa thấm mà khoa phải nhận tin mẹ chị Liên mất thì… thật sự trong không gian ấy, bối cảnh ấy quá đau lòng. Mọi người trong khoa đều khóc rất nhiều. Một vài điều dưỡng lớn tuổi hơn thì giữ được bình tĩnh, động viên và an ủi chị Liên. Trong thời điểm đó, chúng tôi chỉ có thể làm được như vậy" - bác sĩ Lợi chia sẻ.
Cách mấy bước chân mà không thể thăm con
Cũng theo bác sĩ Dương Thị Lợi, kể từ hôm 9-3, khi Bộ Y tế công bố ca bệnh đầu tiên tại Bình Thuận, cả Khoa Truyền nhiễm được đặt ở trạng thái sẵn sàng cao độ. Ban Giám đốc BV hướng dẫn 20 y - bác sĩ, điều dưỡng ở khoa chia thành 2 ca trực, cố gắng sắp xếp ăn nghỉ tại BV, không về nhà để tránh rủi ro lây lan dịch.
Trong những ngày đầu các y - bác sĩ tập trung ở lại BV vừa trị bệnh cho bệnh nhân vừa tự cách ly, có trường hợp người thân đang đau đớn nằm viện chỉ cách khoa vài bước chân nhưng không thể qua thăm hỏi. Đó là câu chuyện của điều dưỡng Hồ Lý Ngãi. Chồng chị Ngãi mất sớm khi hai người mới lấy nhau được vài năm. Thời gian dài, chị Ngãi vất vả nuôi 2 con. Con gái lớn của chị nay đã ra trường, xin được việc làm và có gia đình.
Ngày con gái chị Ngãi sinh bé đầu lòng cũng là thời điểm Khoa Truyền nhiễm tiếp nhận thêm 5 ca bệnh dương tính virus SARS-CoV-2. Thế nên, dù chỉ cách con gái đang vượt cạn ở Khoa Sản chỉ mấy mét nhưng chị không thể qua động viên, thăm hỏi con.
"Đó là những sự việc hết sức đau lòng. Trong thời gian qua, khoa chúng tôi đã chứng kiến nhiều nỗi đau thầm lặng như vậy để ở lại điều trị bệnh nhân" - bác sĩ Lợi bộc bạch. 
Kỳ tới: Những chuyến xe xuyên đêm chống dịch
Bài và ảnh: Hợp Phố (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.