Tuổi 20 ở Trường Sa - Kỳ cuối: Nhạc sĩ ở Trường Sa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 'Chúng tôi đây là những người lính trẻ. Rời xa mảnh đất quê hương ai không thương cha, nhớ mẹ. Nhưng chúng tôi vẫn vui tươi, vẫn cười vẫn hát mỗi ngày...'.
Công Vĩnh (bìa trái) đang biểu diễn rap bài “Chuyện khi nào” theo yêu cầu của đồng đội - Ảnh: MY LĂNG
Công Vĩnh (bìa trái) đang biểu diễn rap bài “Chuyện khi nào” theo yêu cầu của đồng đội - Ảnh: MY LĂNG
Rap từ Sơn Ca
Sau những lời mở đầu đầy cảm xúc, bài nhạc rap lính trẻ Trường Sa được tiếp tục như lời tự sự chân tình:
"Và tôi sẽ đưa bạn đến với kíp quân y showbiz. Bệnh nặng hay là đau nhẹ bộ tứ này cũng lo hết. Nơi đảo xa này có chú Tuấn là một bác sĩ giỏi. Nhiều ca phẫu thuật nguy hiểm cũng thành công qua khỏi. Nhiều ngư dân cũng đã cảm ơn và bắt tay nhau mừng vội.
Có anh y sĩ Vũ tóc muối tiêu. Cách anh đốt lên một điếu thuốc như là lãng tử đang phiêu. Và nơi nào có anh Thùy nơi đó có ấm trà ngon...
Có anh Hiếu vui tính gặp mặt thì phải rỉ tai. Nếu không biết cách "mở miệng" thì không có nước lai rai. Và nhìn anh cũng đẹp trai, mê thể thao hơn mê gái. À tôi nói đùa vậy thôi chứ mê như thế là dại...".
Đó là một sáng tác theo phong cách rap do binh nhất Huỳnh Lê Công Vĩnh (23 tuổi, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) viết lời và soạn nhạc. Bài này được Vĩnh và đồng đội quê Khánh Hòa tên Phạm Hoàng Phúc (20 tuổi) biểu diễn rap cho anh em trong phân đội nghe những lúc rảnh rỗi.
Công Vĩnh sáng tác bài rap này tặng kíp quân y trên đảo Sơn Ca trước khi chia tay các anh về đất liền.
"Hồi mới lên đảo 1-2 tuần thì mình bị thủy đậu. Nửa tháng trời phải nằm bệnh xá, mình được các anh quân y chăm sóc, điều trị. Mấy anh nấu cháo, thay nhau trực chăm sóc mình. Mình hay sốt ban đêm, mấy ảnh hay qua kiểm tra, xức thuốc làm mình cảm động lắm", Công Vĩnh cho hay.
Hai tuần sau, khi Vĩnh hết bệnh cũng là lúc anh và kíp quân y trở nên thân thiết. Gắn bó với nhau được nửa năm thì kíp quân y chuẩn bị về bờ (tháng 7-2019).
"Mấy anh bảo mình viết tặng một đoạn rap làm kỷ niệm. Ở với nhau nửa năm, tình cảm anh em gắn bó lắm. Mình viết rất nhanh vì có nhiều cảm xúc. Mình rủ thằng Phúc tập rồi qua đọc rap tặng mấy ảnh. Mấy ảnh vui lắm, quay clip lại, về đăng lên Facebook", Vĩnh kể.
Bếp lửa đỏ đêm 30...
"Ở đây, điện thoại thì không được dùng. Không lướt web, không Facebook. Cho nên chỉ có âm nhạc mới làm cho tụi mình đỡ buồn. Khi nhớ nhà, nhớ bố mẹ, nhớ người yêu quá không nói ra hết được thì nói bằng âm nhạc", Công Vĩnh bảo.
Một năm làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Ca, Vĩnh sáng tác hơn 10 bài về tình bạn, tình yêu, tình đồng đội, nỗi nhớ gia đình...
"Chuyện gì nó cũng viết được. Viết xong, nó hát cho anh em nghe. Tụi mình thấy hay, thấy thích, tập hát theo", binh nhất Phạm Hoàng Phúc, bạn thân chung khẩu đội với Công Vĩnh, nói.
Hoàng Phúc bảo "nhạc sĩ đảo Sơn Ca" sáng tác mọi lúc mọi nơi. Lúc nào Vĩnh cũng mang theo cuốn sổ tay, cây bút. Đi tăng gia sản xuất. Giờ giải lao giữa lúc huấn luyện. Khi đi gác đêm... Trong đầu bật lên câu nào, Vĩnh viết vội ngay ra sổ.
Kể lại tình huống viết bài Quay trở về nói về nỗi nhớ những người bạn thân, nhớ cha mẹ, nhớ người yêu, Vĩnh tâm sự sáng tác khi đang đứng gác trong chiều hoàng hôn.
"Mà hoàng hôn ở đảo đẹp không tả được - Vĩnh trải lòng - Thấy hoàng hôn tự nhiên mình nhớ bữa cơm chiều, phụ mẹ dọn dẹp nhà cửa. Nhớ những chiều hoàng hôn chở người yêu ra vùng ngoại ô chơi. Nhớ những chiều hoàng hôn gặp bạn bè làm nhạc chung vì vào giờ đó cảm xúc dâng trào, dễ viết nhạc".
Có đêm, trời mưa rất to. Vĩnh nằm trên giường, trằn trọc hoài không ngủ được. Anh chàng bật đèn pin, ngồi trên giường viết nhạc. "Mình hay viết nhạc lúc đồng đội ngủ", Vĩnh cười bảo. Sau đêm mưa ấy, bài Tháng 7 trời mưa ra đời.
Một trong những bài chiến sĩ đảo Sơn Ca thích nhất là Tết đảo. Bài đó Vĩnh viết đêm 30 Tết khi đang ngồi nấu bánh chưng với đồng đội. "Lúc đó đứa nào cũng nhớ nhà. Thấy tâm trạng mọi người hơi buồn, mình cũng buồn nên viết bài nhạc động viên mình và tụi nó vui lên", Vĩnh kể.
Anh chàng viết từ 23h đêm 30 Tết và đến 4h sáng mùng 1 Tết thì hoàn thành bài Tết đảo. "Khi nó hát cho bạn bè đồng đội nghe, đứa nào cũng xúc động. Có đứa chảy nước mắt", binh nhất Phạm Hoàng Phúc kể.
"Một năm phải đón Tết xa nhà. Không có mẹ cha... và cả người yêu cũng xa lạ... Đêm 30 làm sao con ngủ khi suy nghĩ nó cứ bao quanh đôi mắt cay... Con ước thời gian trôi nhanh...
Con không ngại khi thấy chông gai, vẫn tưởng tượng về một tương lai...
Lúc về nhà, con sẽ kể cho cha mẹ nghe hai năm đời lính con đi qua. Có bếp lửa đỏ đêm 30. Anh em đồng chí con sum vầy, nghe khúc giao mùa, chúc qua chúc lại để cho vơi bớt nỗi lòng này. Tiếng nói, nụ cười nở trên khuôn mặt dù cho đôi mắt đỏ cay cay...
Tết nơi đảo xa chỉ biết cầu chúc bằng cách gấp tay hình ngôi sao may mắn. Và con đã lớn, con vững vàng qua những ngày tháng chỉ mình con biết. Con sẽ kể cho cô gái của con nghe về những đêm trong tim có tuyết, vọng gác buồn cô đơn..., vẫn cứ nhìn về ngọn hải đăng và hỏi tại sao người lại im lặng...".
Binh nhất Huỳnh Lê Công Vĩnh được đồng đội gọi là “nhạc sĩ của đảo Sơn Ca” - Ảnh: MY LĂNG
Binh nhất Huỳnh Lê Công Vĩnh được đồng đội gọi là “nhạc sĩ của đảo Sơn Ca” - Ảnh: MY LĂNG
Nếu một ngày em ra đảo xa thăm anh...
Khi ra đảo nửa năm, bạn gái Vĩnh ngưng liên lạc... Đó là khoảng thời gian khó khăn với chàng chiến sĩ trẻ. Bởi mối tình ấy đã lâu, biết bao kỷ niệm... Nỗi buồn trong chuyện tình cảm đã mang đến nguồn cảm hứng cho Vĩnh sáng tác bài Chuyện khi nào.
Chuyện khi nào là tâm sự của một chàng trai đi lính ngoài đảo xa, không thể tự do liên lạc với bạn gái. Anh chàng nhớ lại những kỷ niệm khi còn trong đất liền và gửi gắm nỗi nhớ người yêu, hi vọng một ngày nào đó tình yêu sẽ tốt đẹp hơn.
Bài rap này có hai câu khiến các chiến sĩ trẻ rất thích và thuộc lòng: "Vẫn là chuyện khi nào, nếu một ngày em vượt qua hàng trăm hải lý đến nơi đảo xa thăm anh, là một ngày đẹp chỉ cần có em mà không màng nghĩ tới cơm canh...
Là ngọn hải đăng dẫn soi thật rõ cho từng bước chân em vào, nhưng là giấc mơ, anh vẫn tự hỏi khi nào. Viết cho em thật nhiều lời ca rồi cũng phải gói vào trong balô... Nhớ về em cho bớt nhọc nhằn".
Bài này Vĩnh viết trong ba ngày nhưng mất hai tuần để hoàn thiện vì đắn đo suy nghĩ lựa chọn ngôn từ. "Hồi đó có chuyến tàu chở thân nhân ra đây, nó hát bài Chuyện khi nào trong đêm chia tay, nhiều bác phụ huynh khóc. Mấy chị ra thăm chồng cũng khóc", Hoàng Phúc kể.

Công Vĩnh kể ở TP Tam Kỳ (Quảng Nam), anh là nhạc công của nhóm Midstylehursler. Khi rảnh, Vĩnh cùng nhóm biểu diễn miễn phí trên đường phố.

"Một năm ở Trường Sa mình viết nhạc nhiều hơn trong đất liền. Ra đảo, mình thay đổi cách viết nhạc, có thể sử dụng nhiều từ ngữ lãng mạn hơn, sâu sắc hơn. Môi trường rèn luyện ngoài đảo làm mình suy nghĩ chín chắn hơn, ca từ cũng phong phú hơn", Vĩnh chia sẻ.

"Nàng có ba người anh đi bộ đội/ những em nàng/ có em chưa biết nói/ khi tóc nàng xanh xanh.../ Một chiều rừng mưa/ ba người anh trên chiến trường Đông Bắc/ được tin em gái mất/ trước tin em lấy chồng".
Đã 10 năm hương hồn nhà thơ Hữu Loan dạo chơi đồi hoa sim cùng cô gái bé nhỏ của mình, nhưng những dòng thơ ông vẫn làm thổn thức biết bao trái tim.
Phóng viên Tuổi Trẻ trở lại những đồi hoa sim ấy để tìm hồn thơ Hữu Loan và tình yêu bất tử với vợ mình - "nàng vá tấm áo cho chồng ngày xưa"...
Mời đón đọc hồ sơ đặc biệt: Theo dấu hoa sim tím chiều hoang biền biệt
Theo MY LĂNG (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

'Hợp tác xã' của người trẻ - Bài 1: Khởi nghiệp nhờ… ao cá 'ế'

“Hợp tác xã” là khái niệm tưởng chừng đã lùi vào “muôn năm cũ”. Tuy nhiên, nhiều người trẻ ở Đà Nẵng khởi nghiệp thành công, không chỉ làm giàu trên chính quê hương mà còn đem lại sinh kế bền vững cho người dân địa phương bằng mô hình kinh tế tập thể từ thời “ông bà anh” này.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.