'Nghìn lẻ một đêm' du ký: Chu du trong thánh địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều muộn, tôi hòa theo dòng người nườm nượp đổ về đền thiêng Imam Reza cho kịp giờ kinh tối. Vai đeo máy ảnh đầy háo hức, nhưng chưa kịp bước qua chốt kiểm tra đầu tiên, hai nhân viên an ninh nghiêm mặt đuổi thẳng cổ ra ngoài.
Lớp rào chắn an ninh trước đền Imam Reza ở thánh địa Mashhad. Ảnh: Lam Phong
Mashhad, đô thành được mệnh danh là Bazaar-I dunya (chợ phiên của thế giới) nằm trên cung đường tơ lụa nối từ Á sang Âu khi xưa, cũng là cung đường hành hương của người Hồi giáo. Rong chơi ở Mashhad, không hẳn là một chuyến du ngoạn thông thường, bởi những nguyên tắc - luật lệ trong tôn giáo dễ khiến khách phương xa phải biết “nhập gia tùy tục” nếu không muốn trở thành cái gai trong mắt người bản địa.
Những điều cấm kỵ
Ở Iran, nghe những câu hỏi về tiền lương, tình trạng hôn nhân, con cái là chuyện bình thường, khi giao tiếp nên tránh các chủ đề chính trị hoặc tôn giáo. Những chuyện này tôi có biết nhưng ngay hôm đầu lưu trú ở Mashhad, tôi đã phạm phải lỗi nghiêm trọng là... dám mặc quần ngắn xuống sảnh khách sạn.
Ở xứ này, tưởng chỉ phụ nữ mới phải tuân thủ trùm khăn che đầu, tuyệt đối không lộ da hở thịt nên khi quyết định trải nghiệm phòng tắm công cộng kiểu xưa ở tầng ngầm khách sạn Darvishi trên đại lộ Emam Reza, tôi hào hứng sử dụng quần lửng thể thao, đi dép lê thảnh thơi xuống sảnh khách sạn qua khu phòng tắm. Từ khi ra khỏi thang máy, tôi lấy làm lạ bởi nhiều ánh mắt nhìn chằm chằm, ánh lên chút khó chịu, thậm chí là giận dữ. Tôi không hiểu cớ sự, cho đến khi anh bạn bản địa Morteza bỏ nhỏ: “Đi lên phòng thay quần dài vào ngay, mặc thế này nơi công cộng là không được phép”. Lúc này tôi mới hiểu những ánh mắt khó chịu chiếu tướng vào mình bởi lý do lộ da thịt - một hành vi cấm kỵ ngay cả với nam giới, bởi có thể gây tà ý cho người khác.
Chiều đến, theo dòng người hành hương về đền Imam Reza, hành trang là bộ máy ảnh, tôi định bụng sẽ cố gắng ghi lại nhiều hình ảnh ưng ý về vẻ đẹp, sự bề thế, tráng lệ của ngôi đền. Nhưng ngay lớp kiểm soát đầu tiên tôi bị mời ra ngoài, nhân viên an ninh chỉ vào chiếc máy ảnh, hai tay ra dấu chéo. Trở về thuật lại chuyện cho Morteza, anh bảo nếu muốn vào tham quan đền, phải bỏ lại máy ảnh, bởi nếu có may mắn lọt qua lớp kiểm tra, cũng không dễ chụp hình được vì an ninh của đền được bảo vệ rất kỹ.
Khách hành hương qua chốt chặn an ninh trước đền Imam Reza
Ngày sau trở lại Imam Reza không máy ảnh đi cùng, tôi phải vượt qua đến ba chốt kiểm tra, soi chiếu đầy cẩn trọng mới lọt vào khoảng sân chính của đền nơi hơn ngàn người đang tụ tập trước giờ kinh nguyện. Từng nhóm các thanh niên đẩy xe kéo, chuyển các tấm thảm kích cỡ lớn trải khắp sân đền để tín đồ quỳ trên đó cầu nguyện. Trước không gian mênh mông, đẹp rực rỡ với những bảo tháp, mái vòm xanh ngọc (lấy theo màu của lam ngọc, một chất liệu quý mang thương hiệu Mashhad), cảm giác con người khi ấy thật nhỏ bé trong ngôi đền được xem là lớn nhất thế giới.
Nhìn quanh sân, lực lượng an ninh, tình nguyện viên đứng dày đặc, quan sát cũng có vài khách hành hương lấy điện thoại ra chụp hình, nhưng chỉ vừa giơ máy nhân viên an ninh đã đứng cạnh nhắc nhở lập tức. Ghi hình trong đền Imam Zera bị cấm tiệt, nhằm tránh gây phân tâm cho các tín đồ cầu nguyện, phần để đảm bảo an toàn cho thánh địa linh thiêng trong tâm thức người dân xứ Ba Tư.
Xài đồ kiểu Iran
Chiếc CG 125 mới với phần yên được bọc kỹ
Sống ở Mashhad, thật khó hình dung rằng xứ Ba Tư đang bị cấm vận, bởi những điểm mua sắm tấp nập, cửa hàng san sát, xe cộ qua lại sầm uất, đông vui, đường xá êm ru, thênh thang nắng gió. Chỉ khi quan sát kỹ mới thấy đằng sau vẻ ngoài ấy, là sự kỹ lưỡng của người Mashhad trong cách chăm chút vật dụng, từ cái ghế sofa, đến chiếc xe máy, xe hơi... dù đã cũ.
Vào văn phòng Công ty Badiee chuyên xuất khẩu hoa nghệ tây (saffron) ngay trung tâm Mashhad, điểm gây ấn tượng là bộ ghế salon vẫn còn nguyên vẹn lớp ni lông bảo hộ. Ông chủ bảo đã sắm bộ ghế này và sử dụng hơn một năm. Nhìn hiện trạng bộ ghế vẫn còn nguyên như mới, khi thấy tôi mân mê lớp ni lông, ông chủ vui vẻ tiết lộ: “Tôi để nguyên vậy xài cho khỏi bụi bẩn và giữ được lâu hơn. Bộ ghế này là hàng nhập, đắt tiền đấy”.
Tưởng chuyện xài đồ kỹ chỉ tùy người, hóa ra đi qua những nơi khác cũng đều gặp hình ảnh tương tự. Ở Mashhad, xe máy khá phổ biến, những dòng xe phổ thông sản xuất trong nước và nhập từ Ấn Độ, Nhật Bản như RockZ, Mahrun, CG125... chạy khắp đường phố. Kazem - chủ cửa hàng bán hoa nghệ tây trên phố Sheikh Toosi chỉ vào chiếc CG125 mới cáu cạnh của mình trên vỉa hè, giới thiệu: “Tôi mới mua nó được hơn tuần, khoảng 24 triệu rial (tương đương 42 triệu đồng)”. Ngoài chiếc xích to đoành khóa cẩn thận, con xe mới tinh của Kazem được bọc lớp yên bằng túi ni lông, chủ nhân nói thêm: “Phải bọc phần yên xe, vì nó rách là ở đây không có đồ thay thế, mua lại cái yên mới rất đắt”.
Anh bạn thổ địa Morteza kể trên chia sẻ bí kíp xài đồ kiểu Iran: “Ông nội tôi mua chiếc Suzuki TS125, sản xuất từ 1978, chuyển đến đời ba tôi sử dụng, rồi qua lượt tôi. Cách đây 5 năm, tôi bán nó cho người bạn để mua xe mới, giờ nhìn lại, ngoại hình chiếc xe vẫn nguyên thế chả cũ đi tí nào, máy còn chạy tốt, chưa rã luôn”. Nhớ lại xứ mình với một thời của Honda Dame, Honda 67, cánh én, Cub 81... cũng được chăm chút từng li tí ở những năm 1980 - 1990, thấy thật giống với Mashhad hôm nay.
Bên cạnh việc xài đồ kỹ, dân xứ Mashhad cũng có cách đánh giá đẳng cấp thông qua cái... bồn cầu. Hóa ra dân xứ này vẫn quen xài xí xổm, còn bệt vẫn là thứ “văn minh” đến sau. Vào không gian công cộng như khách sạn, nhà hàng, hay các khu di tích, cách phổ thông được dân Mashhad tiết lộ quy luật chọn xổm - bệt thường theo công thức “trái xổm - phải bệt”. Hiếm hoi ở các công ty lớn hoặc khách sạn hạng siêu sang, bệt - xổm sẽ được bố trí đề huề trong cùng phòng riêng biệt để khách tự do lựa chọn môn chơi ưng ý cho riêng mình. Có dịp trải nghiệm những bệt - xổm xứ Ba Tư, cũng không khó để thỉnh thoảng bắt gặp những hàng chữ hoặc hình ảnh chình ình sau cánh cửa, đại ý gìn giữ vệ sinh chung và đặc biệt là... không giẫm chân lên bồn cầu. Ngồi hưởng thụ một trong tứ khoái ở xứ Ba Tư, ngẫm thấy nhớ chuyện ở quê nhà quá xá. (còn tiếp)
Phụ nữ Iran bị cấm dự các sự kiện thể thao trực tiếp

Giới tính là vấn đề nhạy cảm ở Iran. Ở trường, học sinh nam và nữ được khuyến khích không nên giao tiếp với nhau nên khó gặp hình ảnh những cô cậu học sinh trung học vui đùa hoặc đi chơi cùng nhau trên phố. Chuyện các chàng trai Iran trưởng thành tìm đối tượng kết bạn, lập gia đình, bao giờ cũng là một mối quan tâm cực kỳ lớn và thường rất khó khăn.

Bóng đá Iran thi đấu quốc tế từ 1941, giành ba cúp vô địch châu Á ở thập niên 1960 - 1970, tham dự các kỳ World Cup (1978, 1998, 2006, 2014), nhưng ở Iran thật khó để nhìn thấy sân bóng và trẻ em chơi bóng ở đường phố là điều xa xỉ. Nguyên do bởi sự khắt khe trong tôn giáo, đàn ông không được để người khác giới thấy mình ăn mặc… khêu gợi (quần đùi áo số). Phụ nữ không nên thấy đàn ông mặc quần đùi, do vậy các sân bóng thường được xây tường rào kín để tránh bị nhòm ngó từ bên ngoài.

Lam Phong (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Nhiếp ảnh và du lịch

Nhiếp ảnh và du lịch

Ngắm những bức ảnh làng nghề đẹp ngất ngây từ mọi miền đất nước, tôi lại mường tượng ra hình ảnh của nước mắm Nam Ô, của chiếu Cẩm Nê, của đá Non Nước… đầy rung động rải khắp các phương tiện truyền thông xã hội.
Đi về miền Dao: Người Dao lên đèn

Đi về miền Dao: Người Dao lên đèn

Đánh dấu sự trưởng thành, lập gia đình, đau ốm mãi không khỏi, hay cuộc sống no đủ, mùa màng bội thu, hoặc chuẩn bị cho kiếp sống ở thế giới bên kia..., người Dao tổ chức lễ lên đèn theo các thứ bậc 3 - 7 - 9, riêng 12 đèn là lễ cúng lớn nhất của đời người dân tộc Dao.
Đi về miền Dao: Cái lý của người Dao

Đi về miền Dao: Cái lý của người Dao

Đang đi trên con đường liên thôn ở bản Trung Hồ, Phìn Ngan (H.Bát Xát, tỉnh Lào Cai), trời mưa nhẹ, Lò Lở Mẩy đột ngột tấp vào lề, ra dấu dừng xe, đoạn bảo: "Có thầy cúng đang đi hành lễ, mình phải đứng lại, nhường thầy đi trước". Hỏi vì sao? Mẩy bảo: "Cái lý người Dao mình nó thế".
Những mái chèo giữa trùng khơi

Những mái chèo giữa trùng khơi

“Dạy mầm non, chúng tôi dạy cả múa và hát. Môn tiếng Anh chúng tôi dạy được, riêng múa hát thì phải cố gắng vì mình là đàn ông, chân tay vụng về. Các em ngoài này hát hay lắm, hay hơn các thầy.
Đi về miền Dao: Sư công tiền mã của người Dao

Đi về miền Dao: Sư công tiền mã của người Dao

Thầy cúng (sư công) còn gọi là thầy Tào, là những nhân vật đặc biệt trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh của người Dao. Để học thành một thầy cúng cao tay, có khả năng hành lễ cấp sắc lên 12 đèn, khó hơn nhiều việc đào tạo một chức danh tiến sĩ.
Du khách ngoại mê chim Việt

Du khách ngoại mê chim Việt

Nhiều người Việt có thói quen tai hại nhốt chim để ngắm, thì nhiều du khách nước ngoài 'bay' theo cánh chim trời ở VN để được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc lạ và thể hiện ý thức bảo vệ thiên nhiên.
Cột mốc trong tim

Cột mốc trong tim

Có một điều dễ nhận thấy, là đường đến những cột mốc biên giới đều nhọc nhằn. Cho dù đó là cột mốc ở đỉnh núi cao, hay cột mốc ven sông, ven biển. Nhọc nhằn cả bởi hành trình tìm đến, và hơn cả, bởi hành trình để cột mốc ấy được dựng lên.
“Ông đồ” thời nay

“Ông đồ” thời nay

(GLO)- Ngày càng có nhiều người trẻ tìm đến với nghệ thuật thư pháp. Ở đó, họ thỏa đam mê với con chữ, tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống và góp phần truyền đi thông điệp tích cực qua nghệ thuật biểu hiện ngôn từ.
Chuyện lính biên phòng cắm bản

Chuyện lính biên phòng cắm bản

Là Đội trưởng vũ trang, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng và nay là Phó Bí thư Đảng ủy xã, người chiến sĩ biên phòng chúng tôi quen năm nào gắn vận mệnh của mình với vùng cao biên giới. Tri ân đồng đội, trọn nghĩa với dân là những gì chúng tôi thấy được trong cuộc đời cao đẹp đó.