Nghìn lẻ một đêm du ký: Không ngủ ở Mashhad

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Giáp biên Afghanistan và Turkmenistan, Mashhad từ thời cổ đại đã là cửa ngõ giao thương của Iran với thế giới. Cả nghìn năm sau, máu thương buôn vẫn còn nguyên khi những tiệm buôn nơi đây không có khái niệm ngày - giờ đóng cửa.
Gần 10 giờ khuya, người mua sắm vẫn nườm nượp ở chợ trung tâm Bazar-e Reza
Ở Mashhad, có hai điểm đến đặc biệt hấp dẫn. Với người mộ đạo, thánh địa Hồi giáo Imam Reza là chốn hành hương không thể bỏ qua. Là kẻ ngoại đạo, chốn vui khác đậm chất thương buôn tôi rất yêu thích là các khu chợ liền kề, nối từ đường Shahid Andarzgou, Emam Reza, Soleiman Khater, Sheikh Toosi vào vòng xoay quảng trường Beyt-ol Moqaddas. Đây là nơi chứng kiến cuộc sống sôi động, náo nhiệt và đầy hấp dẫn từ văn hóa chợ ở xứ Ba Tư.
Chợ thảm dệt Saroye Saeed, Bazar-e Farsh, chợ trung tâm Bazar-e Reza, các cửa hiệu bán gia vị san sát ở quảng trường Beyt-ol Moqaddas... tất cả kết nối liên hoàn nhau trong phạm vi chưa đầy cây số vuông, tạo thành thiên đường mua sắm sát cạnh thánh đường Imam Reza. Điểm đặc biệt trong giới thương buôn ở Mashhad, chỉ toàn đàn ông, tuyệt nhiên không thấy bóng dáng phụ nữ.
Đắt khách áo quần... mát mẻ
Người Mashhad thích được chụp hình

Lang thang đường phố với chiếc máy ảnh, tôi nhận ra người Mashhad rất thích được chụp hình. Thấy đeo máy, họ sẵn sàng dừng lại hỏi chuyện làm quen, và nhân tiện tạo dáng nhờ chụp vài kiểu ảnh. Ở khắp khu trung tâm Mashhad, các hiệu ảnh mở san sát, với các tấm hình được chỉnh sửa, lắp ghép quá đà, nhưng được cư dân bản địa rất ưa chuộng. 

Iran dân số hơn 80 triệu người, trong đó 99,4% theo Hồi giáo (đông nhất khu vực Trung Đông). Riêng Mashhad, thành phố lớn thứ hai Iran với gần 3 triệu dân, được coi là vùng đất linh thiêng nhất của người Hồi giáo dòng Shiites, thế nên người dân nơi đây tuân thủ luật lệ đạo Hồi một cách triệt để. Phụ nữ khi ra đường mặc áo choàng đen kín mít, khăn quấn trùm đầu, đeo mạng che mặt. Nhưng ở các con phố mua sắm, phụ nữ tụ tập rất đông nơi các cửa hiệu thời trang “mát mẻ” dùng để mặc ở nhà.
Kinh doanh lâu năm trong ngành quần áo, Esmaei - chủ tiệm ngay quảng trường Beyt-ol Moqaddas tiết lộ: “Tiệm tôi chuyên bán các loại quần áo ngắn. Các bà các chị khi đi đền Imam Reza cầu nguyện thường ngày, xong giờ kinh họ hay la cà mua sắm và mặt hàng bán chạy ở tiệm là những loại trang phục đầy gợi cảm mà bạn không bao giờ nhìn thấy phụ nữ Iran mặc ngoài đường”.
Giới thương buôn, bán hàng ở Mashhad đều là nam giới. Ảnh: Lam Phong
Nhìn vào tiệm kinh doanh của Esmaei, tôi cố tìm xem cái “đầy gợi cảm” như lời anh chủ tiệm miêu tả, nhưng chỉ thấy thể loại đồ ngắn tay, quần đùi (kiểu như đồ bộ xứ ta) dành cho nữ. Hóa ra, với phụ nữ Iran, việc để lộ da thịt, dù chỉ một tí tẹo cũng dễ bị quy kết vào tội khiếm nhã, trở thành “gái hư” trong mắt những người bảo thủ. Gợi cảm theo kiểu Iran, chỉ là những chiếc áo ngắn mỏng, hở vai hở cổ kiểu như áo mùa hè hoặc áo ngủ ở quê nhà.
Những cửa hiệu thời trang quanh phố mua sắm chỉ thấy trưng bày áo ngắn tay, quá lắm là sát nách, không có tiệm chuyên bán đồ nội y bày lồ lộ sau lớp vách kính, trang hoàng lộng lẫy, khêu gợi như thường thấy ở trung tâm mua sắm các nước khác. Hỏi Esmaei sao không bán luôn đồ nội y, mắt anh sáng rỡ: “Tôi cũng muốn kinh doanh cái đó lắm nhưng các thương hiệu lớn cần vốn cao, chuyện cấm vận cũng khiến thương hiệu cao cấp chưa đầu tư kinh doanh vào thị trường này. Tôi biết nhu cầu đó lớn lắm, nhưng thiếu nguồn cung cấp. Chị em có điều kiện thường sang tận Dubai chỉ để sắm đồ nội y, mục đích mặc ở nhà, khi gần gũi với chồng”. Esmaei nói xong cười kèm theo cái nháy mắt đầy ẩn ý của một tay buôn lão luyện.
Hấp dẫn mua sắm ngày và đêm
Lạc vào các khu chợ ở Mashhad, cảm giác lệnh cấm vận dường như không ảnh hưởng đến nhịp sống thường ngày của cư dân. Các cửa hiệu nườm nượp khách ra vào từ 10 giờ sáng đến tận 11 - 12 giờ đêm. Vào mùa chay của người Hồi giáo (tháng Ramadan) các chợ còn mở cửa đến tận 2 giờ sáng. Riêng với những cửa hiệu bán gia vị, nổi bật nhất là nhụy hoa nghệ tây (saffron), các loại quả, hạt khô (mận, đào, nho, óc chó…) cùng những món ăn chơi đặc sản như Lavashak, Ghalam, Noghl, Nabat, Sohan... trên trục đường Andarzgou hay Soleiman Khater, không có khái niệm đóng cửa. Mỗi tiệm phân nhân viên bán hàng thành 3 ca, mỗi ca 8 tiếng để tranh thủ và tận dụng từng cơ hội giao thương dù là nhỏ nhất.
Một tiệm bán thảm dệt - nghề thủ công nổi tiếng Iran, ở chợ thảm Saroye Saeed
Hamid, một tay buôn trẻ thuộc thế hệ U.30, hiện là chủ tiệm bán bánh kẹo, gia vị, các loại hạt khô trên đường Shahid Andarzgou, kể về nghề kinh doanh cửa tiệm: “Cả gia đình tôi đều là thương buôn từ lâu đời, thế hệ sau được làm quen dần với việc buôn bán từ khi nhỏ, lớn lên được giao tiếp quản luôn công việc của gia đình”.
Nguyên cớ phải mở cửa 24/24, Hamid cho biết: “Khách hành hương đến đền thờ Imam Reza rất đông, từ trước khi mặt trời mọc để cầu kinh trong đền, khách du lịch tận dụng thời gian đi mua sắm khuya, cho nên lúc nào cũng có người lui tới.
Thù lao nhân công ở Mashhad chỉ khoảng 2,6 triệu rial/tháng (khoảng 4,5 triệu VND). Hệ thống điện cả tiệm không tắt ngày nào, cứ 50 ngày tốn khoảng 1,9 triệu rial (3,5 triệu VND). Chỉ một ca 8 tiếng mở bán trong ngày đã đủ chi phí cho thuê mặt bằng, trả lương nhân viên và điện nước, nên chúng tôi phải tận dụng tối đa”.
Quan sát cách cánh đàn ông Iran ở Mashhad bán hàng, mới thấy độ khéo léo, nhanh nhẹn và chiều khách đáng nể. Người bán hàng nào cũng áo quần bảnh bao, đầu tóc láng mướt như chuẩn bị dự tiệc. Hôm ghé chơi tiệm Hamid lúc chiều muộn, cu cậu hí hửng khoe mới sắm được chai nước hoa chất lượng từ Dubai. Nói rồi cậu lôi vào góc cuối tiệm, lôi ra chai thủy tinh bé bằng ngón tay cái, tháo nắp, lấy que, chấm nước hoa lên hai mu bàn tay tôi rồi ra dấu xoa nhẹ dưới hai dái tai. Tôi gượng gạo làm theo, cố gắng chịu đựng thứ mùi nồng, nặng và khó đoán của hương liệu Dubai kia. Hamid tiết lộ bí quyết: “Anh không biết đâu, tụi em bán hàng, mời mọc là dành cho khách đàn ông, còn phụ nữ phải dùng mùi quyến rũ họ”.
Quả thật, việc xáp lá cà, đưa đón mời mọc khách hàng nữ luôn là vấn đề nhạy cảm, dễ bị coi là khiếm nhã khi tiếp cận quá gần. Lữ khách quanh đền Imam Reza đa phần là người mộ đạo, việc đứng gần hay có hành vi đụng chạm phụ nữ là điều cấm kỵ, hoặc gây khó chịu. Thế nên chiêu lấy vẻ điển trai, bảnh bao cùng mùi nước hoa chiêu dụ khách của Hamid thật an toàn và hiệu nghiệm. Cu cậu diện đồ nổi bật, trẻ trung, thanh lịch, lượn qua lượn lại trước cửa tiệm khi các đoàn khách nữ đi qua, và khách vào nườm nượp, hiếm lắm mới thấy tiệm Hamid có đôi ba phút rảnh rang.
Cũng là mua sắm nhộn nhịp, nhưng ở Dubai là xô bồ, bon chen còn tại Mashhad, cảm giác thật bình yên và thú vị. (còn tiếp)
Lam Phong (Thanh Niên)

Có thể bạn quan tâm

Rừng cháy, người khát

Rừng cháy, người khát

Khô hạn kéo dài đang khiến rừng ở nhiều nơi tại các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ bị cháy trụi, cùng với đó, người dân và cây trồng... khát khô. Nắng nóng gay gắt kéo dài cũng khiến mực nước kênh mương khô cạn, nhiều cánh rừng ở miền Tây đối mặt với nguy cơ cháy rất cao.
Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Về làng tương gần 200 năm danh tiếng

Làng nghề truyền thống tương nếp Úc Kỳ, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên đã có truyền thống gần 200 năm, tạo ra loại tương trứ danh, là một trong 10 đặc sản của tỉnh Thái Nguyên. Nghề tương đã mang lại cuộc sống ấm no cho người dân nơi đây.
Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Khởi sắc kinh tế rừng xanh - Bài 2: Từ tri thức bản địa 'đẻ' ra tiền

Các nhà khoa học đánh giá, kiến thức bản địa và sản vật dưới tán rừng là tiềm năng lớn, giúp dọc dài dãy Trường Sơn phát triển nếu như được phát huy. Và người trẻ ngày nay lên với các cánh rừng cũng đến với kiến thức bản địa một cách thích thú, từ đó lan tỏa bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.
Kể chuyện bằng... bóng

Kể chuyện bằng... bóng

(GLO)- Trên tấm màn sân khấu, bóng của các vũ công khi uyển chuyển đơn lẻ, lúc lại lồng ghép biến hóa thành nhiều chủ thể khác nhau. Với sự kết hợp cùng âm thanh, ánh sáng một cách sinh động, những câu chuyện giàu cảm xúc cứ thế được kể lại một cách chân thực và chạm đến trái tim khán giả.
Vì những cánh rừng bình yên

Vì những cánh rừng bình yên

Đam mê từ những chuyến đi và tình yêu với màu xanh thiên nhiên, cô gái trẻ Lê Thị Lan Anh (SN 1996) quê Quảng Bình đã tìm về miền núi Nam Tây Nguyên, nơi có những cánh rừng già bạt ngàn để thực hiện những khát khao, hoài bão của tuổi trẻ.