Nhớ mãi ngày giải phóng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời khắc Gia Lai được hoàn toàn giải phóng chưa khi nào phai mờ trong tâm khảm những người lính, dù rằng chiến tranh đã lùi xa 44 năm. Để rồi, mỗi khi nhắc nhớ, họ lại xúc động lật giở từng trang ký ức về những ngày tháng rất đỗi hào hùng.
Trong chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, Gia Lai là một cứ điểm quan trọng nhằm cắt đứt đường 19, giam chân địch tại Pleiku và Kon Tum, tạo thuận lợi cho hướng chính là đánh chiếm Buôn Ma Thuột. Trong trận đánh quyết định này, ngoài lực lượng chủ lực còn có sự đóng góp to lớn của bộ đội địa phương, trong đó có Tiểu đoàn Đặc công 408 thuộc Tỉnh đội Gia Lai (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh).
  Thời khắc tham gia giải phóng Gia Lai là ký ức khó phai mờ trong lòng cựu chiến binh Hà Xuân Nhắc (bìa trái).   Ảnh: M.T
Thời khắc tham gia giải phóng Gia Lai là ký ức khó phai mờ trong lòng cựu chiến binh Hà Xuân Nhắc (bìa trái). Ảnh: M.T
Mãi đến giờ, ông Nguyễn Văn Tuyên-nguyên Trưởng ban Hậu cần Huyện đội Ayun Pa (nay là Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Ayun Pa) vẫn nhớ như in câu bình luận trên Đài BBC đầu năm 1974: “Đêm 28 Tết theo giờ Việt Nam, có một đội cảm tử quân vào đốt cháy hơn 50 vạn lít xăng tại sân bay Aria…”. Ông Tuyên cho biết, đội cảm tử quân đó chính là Đại đội 70 của Tiểu đoàn Đặc công 408 và ông (khi ấy là quyền Trung đội trưởng Trung đội 3, Đại đội 70) cũng là một trong những người trực tiếp tham gia đánh phá kho xăng của địch tại Sân bay Aria. Ông Tuyên kể lại: “Sau khi trinh sát địa bàn nắm được quy luật hoạt động của địch, khoảng cách tiếp cận mục tiêu, quy mô và kích thước của các bồn xăng… chúng tôi lên kế hoạch, làm công tác chuẩn bị. Đây là kho xăng lớn nên địch canh phòng rất nghiêm ngặt, có hỏa lực mạnh bảo vệ, hệ thống hàng rào 9 lớp, cấu trúc của 3 kho xăng hình tam giác. Được sự đồng ý của Chỉ huy Mặt trận B3, hơn 11 giờ đêm, Đại đội chia làm 2 tổ: tổ khắc phục chướng ngại vật, gỡ mìn đi trước mở cửa; theo sau là tổ ôm bộc phá gồm 3 nhóm, mỗi nhóm 2 người. Tôi cùng với đồng chí Triệu La Phương (hiện đang sinh sống tại tổ 1, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tiến hành đặt bộc phá ở bồn xăng xa nhất. Chúng tôi thực hiện theo kiểu “cuốn chiếu”, phối hợp chặt chẽ để các lực lượng rút ra ngoài an toàn mới điểm hỏa. Đúng 12 giờ đêm, Pleiku rực sáng với những tiếng nổ vang trời. Kho xăng địch đã bị ta đánh phá thành công, góp phần tạo khí thế trong toàn quân dân và cũng là “bàn đạp” cho chiến dịch giải phóng tỉnh sau này”.
Được sự giới thiệu của đồng nghiệp, tôi tiếp tục tìm đến ngôi nhà nhỏ số 77 Âu Cơ (tổ 4, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) để gặp cựu binh Dương Công Hoan-Trưởng ban Liên lạc Tiểu đoàn Đặc công 408, nguyên cán bộ chính trị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Nhấp vội ngụm trà, ông kể cho tôi nghe về những tháng ngày mùa xuân đáng nhớ mà bản thân ông cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn trải qua cách đây 44 năm. Theo đó, chấp hành nghị quyết của Khu ủy, Tỉnh ủy và mệnh lệnh của Quân khu 5, Ban Cán sự tỉnh và Ban Chỉ huy Tỉnh đội đã xác định các địa bàn tiến công trọng điểm, kết hợp 2 hướng là đánh đường 19 và hậu cứ địch. Tiểu đoàn Đặc công 408 được giao nhiệm vụ luồn sâu đánh hậu cứ, kho tàng, sân bay, Sở Chỉ huy địch. Sau khi củng cố tổ chức, Tiểu đoàn giao nhiệm vụ cho các đại đội tiến hành đi chuẩn bị chiến trường tại khu vực tổng kho Aria, sân bay Cù Hanh và tổng kho Yên Thế.
Ông Hoan nhớ lại, đầu năm 1975, những hoạt động đánh nghi binh của ta đã thu hút sự chú ý của CIA và tình báo ngụy. Chúng phán đoán nhầm ta sẽ đánh Pleiku và Kon Tum nên liên tục báo động tại các tiền đồn, tăng cường tuần tra canh gác, cài mìn những nơi ta thường xuyên qua lại, bọn thám báo biệt kích được tung ra ngoài lùng sục. Cán bộ từ tiểu đội trở lên phải thay phiên nhau đi chuẩn bị chiến trường, nhiều đêm vòng tránh mìn, tránh địch tuần tra đến 2, 3 giờ sáng. Đến ngày 10-3-1975, cuộc tiến công của ta vào Buôn Ma Thuột chính thức bắt đầu khiến địch vô cùng bất ngờ. Trên địa bàn tỉnh Gia Lai, đêm 12 rạng sáng 13-3, các đơn vị đồng loạt nổ súng tiến công ở mọi nơi. Riêng Tiểu đoàn 408, từ đêm 14 đến 16-3 đã tổ chức đánh phá nhiều kho tàng, tiêu hao sinh lực địch. Sau khi nhận được tin địch đã rút chạy về Phú Bổn, theo chỉ thị của cấp trên, sáng 17-3, đơn vị bắt đầu hành quân vào thị xã Pleiku và tiến hành đánh chiếm các mục tiêu gồm: khu Biên Trấn (nay là Thành đội và UBND TP. Pleiku), khu cố vấn Mỹ (nay là Cục Thuế tỉnh), khu Quân cảnh tư pháp (nay là Liên đoàn Lao động tỉnh) và cắm cờ giải phóng tại Tòa hành chính của địch. Ngoài ra, Kho gạo Tràng Tỷ (nằm ở vị trí cây xăng dầu Bắc Tây Nguyên gần hiệu bánh mì Tam Ba hiện nay)-một trong những kho lương thực lớn của địch cũng được đơn vị tiếp quản, bảo vệ và bàn giao lại sau này để phát cứu đói cho dân. “Nhìn lá cờ cách mạng tung bay phấp phới, trong lòng chúng tôi sung sướng khôn tả. Với việc giải phóng An Khê vào ngày 23-3, tỉnh Gia Lai đã hoàn toàn giải phóng, chế độ ngụy quân được xóa bỏ vĩnh viễn, ước mơ độc lập tự do bao ngày của quân và dân các dân tộc tỉnh nhà đã được toại nguyện. Bà con ta từ các làng cứ chạy theo sau bộ đội, khen bộ đội Bok Hồ đánh hay, đánh giỏi, gương mặt ai cũng đầy phấn khởi”-ông Hoan xúc động kể.
Cựu binh Dương Công Hoan tìm lại những kỷ niệm đấu tranh của đơn vị qua cuốn lịch sử Tiểu đoàn Đặc công 408. Ảnh: Mộc Trà
Cựu binh Dương Công Hoan tìm lại những kỷ niệm đấu tranh của đơn vị qua cuốn lịch sử Tiểu đoàn Đặc công 408. Ảnh: Mộc Trà
Khác với người lính đặc công 408, những ngày tháng 3 lịch sử trong hồi ức của cựu binh Hà Xuân Nhắc (thôn 4, xã Biển Hồ, TP. Pleiku, nguyên Trợ lý quân báo trinh sát Tỉnh đội Gia Lai) là khoảng thời gian ông bí mật hoạt động trong lòng địch, gây dựng cơ sở, tìm hiểu những ý đồ chiến lược của chúng để kịp thời thông báo cho chỉ huy cấp trên. “Khi ấy, tôi đang làm nhiệm vụ tại Sở Chỉ huy tiền phương phía Nam do đồng chí Lâm Huế phụ trách, đặt ở Bar Măih, huyện Chư Sê. Sau ngày ta giải phóng Buôn Ma Thuột, cộng với đường tiếp tế từ đồng bằng lên cũng bị cắt đứt nên địch ở Kon Tum và Pleiku hoang mang cực độ. Những thông tin mà quân báo chúng tôi nắm được khi ấy đều có phần lợi thế cho ta”-ông Nhắc hồi tưởng.
Rồi một ngày giữa tháng 3, ông Nhắc cùng đơn vị mình bỗng thấy hàng chục máy bay trực thăng của ngụy quần thảo trên bầu trời Phố núi rồi nối đuôi nhau bay về hướng Phú Yên. Tại Chư Sê, địch vác súng ống tập trung trên chốt và có dấu hiệu chuẩn bị tháo chạy. Lòng dân cũng xáo động không kém. Trước tình hình hỗn loạn đó, ông Nhắc cùng đồng chí, đồng đội trong đơn vị tập trung huy động nhân dân địa phương cùng vận động địch đầu hàng, giao nộp vũ khí, súng đạn vào nhà thờ Mỹ Thạch. Song song với đó, ông còn yêu cầu Huyện đội phó Khu 6 phối hợp đưa quân ra đánh chặn địch tháo chạy tại ngã ba Mỹ Thạch. “Từ 12 giờ đến 16 giờ ngày 16-3, chúng tôi đã vận động được khoảng 300 tên địch đầu hàng, thu được nhiều vũ khí, xe cộ. Tất cả sau đó được chúng tôi bàn giao lại cho bộ đội chủ lực để rút về Pleiku tiếp quản tại khu vực Nhà lao và các vùng lân cận. Thời khắc đó thật thiêng liêng và xúc động”-cựu binh Hà Xuân Nhắc kể lại.
Sau ngày giải phóng, ông Nhắc đảm nhận nhiệm vụ khai thác hàng binh ngụy quân, ngụy quyền để giúp tỉnh có hướng quản lý, cải tạo. Còn Tiểu đoàn Đặc công 408 được giao làm quân cảnh ở thị xã Pleiku, ngày đêm tuần tra giữ yên đường phố và bảo vệ đường 14, góp phần đảm bảo cho các đoàn xe vào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và làm nên thắng lợi vẻ vang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30-4-1975.
...Trở về từ chiến tranh, hành trang mang theo của các cựu binh là những câu chuyện, những kỷ vật gắn bó suốt một thời trai trẻ nơi trận mạc. Cùng với đó là những vết thương ăn sâu, in hằn trên cơ thể, không ngừng đau nhức mỗi lúc trái gió trở trời. Dẫu vậy, khi còn sức khỏe, họ vẫn luôn cống hiến hết mình cho xã hội, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế và giáo dục con cháu biết trân quý hơn giá trị của hòa bình, từ đó cố gắng rèn luyện để góp phần xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp.
 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.