Campuchia và những câu chuyện từ 40 năm trước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Khi nghe tôi kể chuyện về văn hóa, lịch sử của người Khmer, nhiều người thường ngạc nhiên hỏi “Tại sao anh yêu quý đất nước này đến thế?” Và câu trả lời của tôi là: Vì đây là mảnh đất mà rất nhiều bạn bè tôi đã nằm xuống. Họ đã chết cho tôi được sống.
Làm lữ hành quốc tế từ năm 1999, tôi luôn được giao nhiệm vụ đưa các đoàn khách đi tham quan, làm việc ở Campuchia. Hơn 300 lần ra vào Angkor và đi khắp đất nước chùa Tháp. Từ Hội chợ hàng Việt Nam Chất lượng cao và Xuất khẩu Việt - Cam, cho đến các đoàn mổ mắt, khám bệnh, phát thuốc, tặng quà miễn phí của Hội bảo trợ Bệnh nhân Nghèo, Hội Chữ Thập đỏ, các doanh nghiệp và của công ty.
Từ các đoàn huấn luyện Hướng dẫn viên, khảo sát các tour mới cho đến phục vụ Chủ tịch UBND TP.HCM (2005); Thủ tướng Phan Văn Khải (2006), lãnh đạo các tỉnh Lâm Đồng, Quảng Nam… Khi nghe tôi kể chuyện về văn hóa, lịch sử của người Khmer, nhiều người thường ngạc nhiên hỏi “Tại sao anh yêu quý đất nước này đến thế?” Và câu trả lời của tôi là: Vì đây là mảnh đất mà rất nhiều bạn bè tôi đã nằm xuống. Họ đã chết cho tôi được sống.
Chuyện 40 năm trước
Lúc đó, tôi đang công tác ở Ban Thiếu nhi thuộc Thành Đoàn TP.HCM. Chiến tranh biên giới Tây Nam, tôi từng xung phong đi bộ đội, đợt Hồng quân 1978 nhưng chỉ tiễn chứ chưa được mặc áo lính. Anh em Thành Đoàn có tham gia xây dựng tuyến phòng thủ biên giới ở Bến Cầu năm 1978. Nghĩ lại vẫn hoảng. Ra biên giới hạ cây thốt nốt, đào công sự chiến đấu giữa tiếng súng ì ầm. Tối thay phiên nhau gác. Gần trăm người chỉ vài khẩu carbin tự vệ. Nhiều người chưa biết cách sử dụng. Chỉ cần năm bảy tên Khmer Đỏ luồn sâu vào bên trong, kiểu đánh du kích là cả trăm người nguy khốn.
Cuối năm 1978, tin tức dồn dập bộ đội ta phản công giúp Mặt trận Đoàn kết dân tộc Cứu nước Campuchia. Chiều 7.1.1979, chế độ diệt chủng Pol Pot sụp đổ, thủ đô Phnom Penh và Campuchia được giải phóng. Thành Đoàn lập tức tổ chức cho Đội Thiếu niên Tiền phong mít tinh mừng chiến thắng lịch sử vào tối 9.1.1979 tại Nhà Thiếu nhi thành phố.
Tôi được giao nhiệm vụ “Tìm và mời các bạn nhỏ Campuchia tham gia”. Sau 2 ngày ngược xuôi, tôi tìm được mấy bạn nhỏ người Khmer ở quận 5. Các em cùng gia đình chạy loạn về đây từ mấy năm trước. Em nào cũng gầy nhom, đen nhẻm; không biết tiếng Việt. Tôi thì mù tịt tiếng Cam mà công việc rất gấp. Dùng đủ thứ ngôn ngữ thân thể và cả nhiệt tình, chỉ dạy được các em mấy chữ. 5 bạn nhỏ Campuchia tham gia mít tinh hồ hởi. Phần phát biểu chỉ nói được mỗi câu “Việt Nam – Campuchia - Xamaki – Chaychumnía” (Đoàn kết – Chiến Thắng).
Cuối thu 1979, sau 3 tháng huấn luyện cấp tốc, tôi được xuất ngoại lần đầu, qua Campuchia giúp bạn chiến đấu và xây dựng đất nước. Cùng đi với tôi đợt này có nhiều anh em ở Thành Đoàn, trong đó có nhà văn Nguyễn Đông Thức và luật sư Huỳnh Quí (lúc đó đều ở báo Tuổi trẻ). Từ vận tải đặc công ở E 117, chuyển sang pháo thủ cối bộ binh E 205, nhân viên Ban Chính trị Trung Đoàn, rồi D52 giúp bạn; tôi đi khắp vùng Đông Bắc, suýt chết vài lần. Có lần tưởng bị bắt sống.
Được về Sài Gòn 2 lần, kết hợp công tác và thăm nhà, đi cả tàu bay, lẫn tàu thủy, ngược dòng Tonle Sap từ Phnom Penh lên Siem Reap. Đơn vị đóng quân ở Sra Sroong (Hồ Sroong), đối diện đền Bantia Kdey. Từng chốt giữ cổng Nam, thành Angkor Thom cả tháng trời. Vào Angkor hoang phế, đầy phân dơi, thấy thán phục chứ không có khái niệm gì về du lịch.
Lúc đó, chỉ mong sớm ra quân, về nhà. Chỉ có về nhà mới an toàn “Bởi chiến tranh đâu phải trò đùa” (Phạm Minh Tuấn). Tôi học được nhiều nghề vặt, từ chụp ảnh, cắt chữ, viết báo, nấu ăn… kiểu bộ đội. Giờ rỗi, không biết nhậu, chẳng biết làm gì, đành tự học tiếng Khmer với trẻ con. Khổ nhất là mấy từ hình dung như cứng, mềm, đẹp, một nửa… Phải làm thí dụ cả chục lần, thử đi thử lại mới ra một chữ. Học để giết thời gian. Ai dè sau này làm du lịch, vốn liếng tiếng Khmer tự học, trở thành hàng hiếm công dụng.
Mùa thu 1983, sau 4 năm rong ruổi khắp xứ bạn, tôi chuyển ngành về lại Thành Đoàn, tiếp tục công tác ở Ban Thiếu nhi và Hội Đồng đội thành phố.
Trở lại Angkor
Do hoàn cảnh lịch sử, tôi bước vào ngành du lịch ngẫu hứng sau thời gian làm Trại trưởng trại hè Thanh Đa từ 1989. Trung tâm Dã ngoại Lửa Việt ra đời vào tháng 5.1995 và công ty Dã ngoại Lửa Việt thành lập ngày 26.3.1999. Cuối năm 1999, tôi trở lại Angkor. Xúc động vì thấy Campuchia thay đổi. Hồi hộp với bao cảm xúc. Vẫn phập phồng và ám ảnh bởi lần suýt bị bắt sống. Khi một mình leo lên núi Bakheng, gặp mấy trẻ em Khmer đùa chơi, tôi cứ ngỡ gặp tàn quân Pol Pot. Khi tìm lại người quen. Vào nhà gặp anh Huot, chị Vò mà vẫn run. Nhờ họ, Lửa Việt được mua dịch vụ với giá nội địa. Anh Huot lấy xe chở tôi lên tận Poi Pet và núi Kulen.
Lửa Việt tiên phong khai thác tour Angkor. Sau này bổ sung thêm núi Kulen và dòng sông ngàn Linga, tắm sông Mekong và xem cá heo nước ngọt ở Kratie, lên Poipet đi chợ biên giới Longkua. Đến ủy lạo bộ đội Campuchia khi đền Preak Vihear vừa im tiếng súng vào năm 2008 và tổ chức tuyến Preak Vihear – Anlong Veng – núi Kulen. Đặt tên cho thác và hồ nước là Phale ở đảo Rong Saloem (Sihanuok). Mở tour lên núi Tà Lơn (Thansur Bokor) với điện Tứ Giao, đồng Linga...
Những năm đó, tour Campuchia quanh năm không lên giá. Chỉ bắt đầu tăng giá và lộn xộn khi người Trung Quốc tràn ngập các điểm tham quan. Kampong Som (Sihanouk) thành Kampong Chan (cách người Khmer gọi người Trung Quốc). Năm 2.000, từ Sài Gòn đi Phnom Penh mất cả ngày dù chỉ 240 km. Từ Phnom Penh đi Siem Reap chủ yếu bằng đường thủy. Thành phố nào cũng đèn đóm lờ mờ, nước máy vàng như nghệ. Khách du lịch chủ yếu châu Âu và Mỹ. Từ 2008, khách Việt Nam áp đảo và từ 2014 là khách Trung Quốc. Campuchia đang thay đổi từng ngày chứ không phải từng tháng, từng năm.
Xưa khó khăn, chỉ mình Lửa Việt tung hoành, làm du lịch hết mình kiểu người lính. Giờ thuận lợi, hàng chục công ty cùng cạnh tranh, trăm hoa đua nở. Các đối tác ở Campuchia cũng khuyến mại sát rạt, giá tour chạm đáy, du khách càng có lợi.
40 năm sau
Những ngày đầu năm 2019, tôi đưa đoàn cựu chiến binh Lữ đoàn 22 Tăng - Thiết giáp thuộc Quân đoàn 4, về thăm lại chiến trường xưa. Đoàn ghé nghĩa trang Liệt sĩ Bến Cầu (Tây Ninh), viếng đồng đội. Mắt ai cũng đỏ hoe. Nắng trưa gay gắt, mồ hôi nhễ nhãi, ai cũng quân phục tươm tất. Tôi gợi ý đoàn vào bóng râm làm lễ thì có người nhắc “Đồng đội chúng tôi đã nằm đây hơn 40 năm. Đứng nắng chút xíu ăn thua gì”. Tôi lặng thinh, xấu hổ và thấm thía.
Đoàn có 30 người, hơn một nửa là đại tá. Số còn lại ra quân làm dân, đủ nghề. Ai cũng mộc chất lính tăng. Chỉ tội đa phần ghiền thuốc lá. Trưởng đoàn là vị tướng công an, cũng từng là sĩ quan Thiết giáp trong đoàn quân vào giải phóng Phnom Penh. Suốt hành trình, anh em thay nhau ôn chuyện cũ, râm ran hơn pháo tết. Tôi no nê với bao kiến thức mới mẻ về lính xe tăng, về chiến dịch giải phóng và giữ gìn Phnom Penh. Câu chuyện sống động còn hơn phim tài liệu. Nhiều chuyện thâm cung bí sử, cảm động và sâu sắc đến kinh ngạc.
Tham quan Hoàng Cung, ai cũng bồi hồi với những ký ức 40 năm trước. Cứ như một giấc mơ đẹp và bi hùng. Nhớ quay quắt những đồng đội đã nằm xuống. Càng nhắc nhau giữ mình để không xấu hổ với lương tâm và máu xương của bao người. Tối Phnom Penh, đoàn dùng bữa thân mật tại một quán nhỏ của người Việt. Có cả tướng Campuchia đến dự, cũng giản dị và thân thiện đến bất ngờ. Hỏi ra mới biết, bữa tối do anh em bên này hùn tiền đãi các chú.
Khuya, anh em dạo chơi dọc bờ sông Bốn Mặt. Đường vắng, phố tĩnh lặng, thanh bình. Có người đi chân trần để nghe đất thở, thì thầm kể chuyện bể dâu. Gió hào phóng đồng hành. Lòng lâng lâng cảm xúc vì mình vẫn sống có ích. Campuchia hiền hòa xinh đẹp, có một phần góp sức của những người lính năm xưa.
MOTTHEGIOI.VN/ Nguyễn Văn Mỹ (CCB E 117, E 205 Mặt trận 479)

Có thể bạn quan tâm

Phong vị Sài Gòn

Phong vị Sài Gòn

Có những người xa Sài Gòn hàng chục năm, hỏi rằng Sài Gòn những nét xưa có còn? Sài Gòn thế kỷ 21 có gì hay? Trong khi ấy, có những người xa Sài Gòn chỉ ít năm thôi cũng đã hỏi thành phố có gì mới?
Mật danh B29

Mật danh B29

Cuối tháng 10/2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã long trọng tổ chức buổi gặp mặt các đồng chí cán bộ thuộc Quỹ đặc biệt (Tiền thân là Quỹ ngoại tệ đặc biệt) chi viện chiến trường miền Nam, gọi tắt là Quỹ hoặc Ban B29.
Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.