Ma túy-những câu chuyện khốc liệt - Kỳ 1: Cuộc truy bắt ma túy đẫm máu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chúng tôi trở lại Hang Kia, Pà Cò (Hòa Bình), Lóng Luông (Sơn La)… Những địa danh “nóng” hàng chục năm nay với nhiều vụ buôn ma túy lớn, với những tổn thất không thể bù đắp của lực lượng cảnh sát phòng chống ma túy.

Bảy năm trước, ngày 5-2-2010, địa danh Hang Kia trở nên “nổi tiếng” khắp đất nước vì một vụ chống người thi hành công vụ diễn ra tại bản Hang Kia 1, xã Hang Kia, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.

Hậu quả của vụ chống người thi hành công vụ là ba chiến sĩ Công an hy sinh. Hang Kia, một bản nhỏ bình yên, bỗng trở thành điểm nóng ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

 

Khoảng sân trước nhà Vàng A Khua - nơi ba chiến sĩ Công an huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) hy sinh vào tháng 2-2010.
Khoảng sân trước nhà Vàng A Khua - nơi ba chiến sĩ Công an huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) hy sinh vào tháng 2-2010.

Vững tâm ra đi

Không ai trong số hơn 50 cán bộ chiến sĩ công an của huyện Mai Châu và Công an tỉnh Hòa Bình có thể nghĩ rằng cuộc vây bắt Vàng A Khua lại để lại hậu quả nặng nề đến như thế.

Vàng A Khua là người Mông, bị truy nã vì buôn bán trái phép chất ma túy. Sau một thời gian truy bắt, có thông tin cho biết Khua đã về nhà ở bản Hang Kia 1. Công an Hòa Bình tổ chức vây bắt.

Là người nằm trong tổ chiến đấu ngày ấy, đại úy Hoàng Ngọc Tú - cán bộ điều tra của huyện Mai Châu - kể rằng phương án bắt Vàng A Khua được lên kế hoạch rất kỹ.

Đó là thời điểm gần tết, sau khi người Mông đã ăn tết truyền thống của họ xong. Vì đường xấu và xa, thời tiết không tốt, nhà Khua lại xây tường cao, cổng bằng sắt lớn, có camera và chó dữ nên việc tấn công bắt Khua không đơn giản.

Cả đêm hôm trước, ban chuyên án lập kế hoạch bắt Khua và bàn bạc cả đêm. Quá nửa đêm, trời lạnh như cắt da cắt thịt, các anh chỉnh đốn hàng ngũ nhận lệnh lên đường.

“Tới nhà Khua mới có 6h30 sáng. Trời còn tối mờ mờ” - ông Tú nhớ lại. Ban chuyên án chia nhau ra thành các đội để vây xung quanh khu nhà và vườn của Vàng A Khua.

 

Bao quanh khu nhà Vàng A Khua là hàng rào kiên cố cao quá đầu người, trước kia lắp camera quan sát đủ mọi góc và bên trong nuôi nhiều chó dữ.
Bao quanh khu nhà Vàng A Khua là hàng rào kiên cố cao quá đầu người, trước kia lắp camera quan sát đủ mọi góc và bên trong nuôi nhiều chó dữ.

Khu nhà vườn rộng khoảng 5.000 m2, tường bao cao hơn 2 mét, cổng sắt kiên cố, cứ 20 mét tường rào có một cửa nhỏ có thể nhìn ra ngoài.

“Từ 6 giờ 30 phút sau khi các tổ vào vị trí, ban chuyên án dùng loa gọi Vàng A Khua ra mở cửa. Tuy nhiên, mất cả buổi sáng vận động và thuyết phục, Khua vẫn cố thủ trong nhà” - ông Tú kể.

Ban chuyên án đã quyết định phá khóa. Khi chiếc khóa được phá, cánh cổng sắt chưa mở thì trong nhà Khua vang lên tiếng súng chỉ thiên. Ban chuyên án lại họp. Đến 3 giờ chiều 5-2-2010, có lệnh vào nhà bắt Khua.

Là một trong những người thuộc tổ chiến đấu trực tiếp cùng đại tá Hà Thái Yềm (phó trưởng Công an huyện Mai Châu, chỉ huy chuyên án), trung úy Sùng A Trư và thượng úy Bùi Quốc Đại, ông Tú cũng là người đến sát ngôi nhà của Vàng A Khua.

“Sau khi vận động, người nhà của Vàng A Khua đã ra ngoài hết. Trong nhà chỉ còn Vàng A Của, con trai lớn của Khua, chưa ra. Anh Của là thầy giáo ở trường tiểu học xã Hang Kia.

Sau khi vận động, anh Của từ trong nhà chạy về phía lực lượng Công an.

Nhưng khi anh Trư và anh Đại vừa chạy lên để đón ông Của đưa ra ngoài, Khua từ trong nhà xả đạn xối xả vào chính con trai mình và công an. Cả bốn người cùng đổ gục. Lúc đó là 3 giờ 30 phút chiều”, ông Tú kể.

Đẫm máu trở về

Khoảng sân nhà Vàng A Khua đẫm máu. Chỉ một lúc sau khi các chiến sĩ ngã xuống, Khua cũng bị tiêu diệt khi ở trên miệng căn hầm được xây ngay trong ngôi nhà.

Đối với những chiến sĩ tham gia chuyên án hôm ấy, đó là cảnh tượng ám ảnh không thể nào nguôi.

“Trong ba người, anh Sùng A Trư là người Mông, ở cự ly gần với Vàng A Khua nhất nên sau loạt đạn AK anh Trư hi sinh tại chỗ.

 

Thung lũng Hang Kia.
Thung lũng Hang Kia.

Tôi là người đưa chú Yềm lên cáng, khiêng chú ra xe cứu thương rồi đưa chú và anh Đại về Bệnh viện Mai Châu.

Cả chú Yềm và anh Đại đều hy sinh khi trên đường trở về. Đó là cuộc trở về đẫm máu” - giọng ông Tú chùng xuống.

Cho đến giờ hình ảnh về những vết đạn găm vào người của đại tá Yềm và thượng úy Đại vẫn hiển hiện trong tâm trí ông Tú cùng hai đồng đội khác, khi họ cùng trở về trên chuyến xe cứu thương.

“Máu của chú Yềm, anh Đại thấm đẫm cảnh phục của tôi” - ông Tú kể đau xót. Vàng A Khua cầm súng AK rê hết cả một băng đạn, đại tá Yềm bị trúng rất nhiều đạn từ chân đến ngực.

 

20 năm, 22 chiến sĩ hy sinh

Ngày 9-3, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày truyền thống lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (12-3-1997 - 12-3-2017).

Phát biểu tại buổi lễ, thượng tướng Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, cho biết trong 20 năm qua có 22 cán bộ, chiến sĩ hi sinh, hàng trăm người bị thương hoặc bị phơi nhiễm HIV trong khi làm nhiệm vụ.

“Tổ quốc mãi mãi ghi công các anh hùng, liệt sĩ đã dũng cảm hi sinh trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm về ma túy nói riêng” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.

20 năm qua, lực lượng cảnh sát đã phát hiện, khám phá thành công hơn 172.000 chuyên án, bắt giữ trên 283.000 đối tượng phạm tội về ma túy, thu giữ hơn 3.000 kg heroin...

“Bộ cảnh phục của chú ấy thủng lỗ chỗ vết đạn và đẫm máu. Những giây phút từ Hang Kia về đến Bệnh viện Mai Châu là những giây phút mà không gian như đông cứng lại đối với tôi.

Đó là những giây phút cuối cùng của các người đồng đội của tôi. Nhưng khi ấy, chú Yềm và anh Đại không còn nói được nữa. Chú không kịp nhắn nhủ gì cho gia đình và người con trai, cũng làm việc trong đội hình sự”.

Biết rằng công việc của người cảnh sát hình sự luôn đối diện với hiểm nguy rình rập, nhưng ông Tú nói chưa bao giờ ông lại có thể tưởng tượng được có ngày mình lại đưa đồng đội trở về trong cảnh buồn như ngày 5-2 năm đó.

“Sự hi sinh ấy đối với chúng tôi là thảm khốc” - ông Tú nói. Tết năm đó là một cái tết rất xót xa cho thân nhân và đồng đội của ba liệt sĩ.

Nhưng điều đáng lo hơn là sau vụ nổ súng, rất nhiều người Mông ở Hang Kia là họ hàng, người thân của Vàng A Khua đã tập trung đập phá ôtô của công an có mặt tại Hang Kia.

Theo tuoitre

Có thể bạn quan tâm

Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Trên quê hương người 'khai sơn phá thạch'

Xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) là mảnh đất quật cường, giàu truyền thống yêu nước, sản sinh ra nhiều con người tài ba như Trương Định, Trương Đăng Quế, Trương Quang Giao…, và Thiếu tướng Võ Bẩm người tiên phong "khai sơn phá thạch" mở đường Trường Sơn huyền thoại.
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi

Với tính đặc thù và sự khan hiếm nên giá ươi luôn 'nhảy múa' theo mùa vụ. Giá cao khiến ngày càng đông người vào rừng săn ươi, dẫn đến tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt, đốn hạ cây ươi để lấy quả, ảnh hưởng nghiêm trọng công tác bảo tồn hệ sinh thái rừng tự nhiên ở H.Bù Đăng (Bình Phước).
Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Đốn hạ rừng phòng hộ để săn ươi: Đánh dấu để tỉa cành, chặt hạ

Cứ mỗi độ vào mùa, người dân lại đổ xô vào rừng săn lùng quả ươi. Để xí phần, nhóm người săn ươi đánh dấu bằng cách dùng dao, rựa chặt vạt tạo vết trên thân cây hoặc xịt sơn làm ký hiệu; và hầu hết cây ươi bị đánh dấu này đều chung số phận bị chặt hạ, tỉa cành để khai thác ươi.
GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.