Thăm thành phố cổ Malacca

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi Malaysia mà chưa đến Malacca thì xem như bạn chưa biết gì về vương quốc này. Đó là câu nói cửa miệng của nhiều du khách khi tham quan bán đảo Mã lai, từ Malaysia sang quốc đảo Singapore. Mà đúng thật, thành phố cổ kính này luôn làm nao lòng những ai có dịp đến thăm…

Sau hơn hai giờ đi bằng xe ô tô khởi hành từ thủ đô Kuala Lumpur chạy trên con đường cao tốc giữa rừng cọ bạt ngàn bạn sẽ đến Malacca. Đây là thành phố cổ kính nhất vương quốc đạo Hồi này với tuổi đời hơn 600 năm (năm 2008 Malacca đã được tổ chức Unesco công nhận là di sản thế giới). Được thành lập vào năm 1404, nơi đây từng là cố đô của vương triều Malacca (1405-1511) và cảng biển Malacca từng là nơi tụ họp mua bán sầm uất nhất của thương nhân đến từ các quốc gia trong khu vực bấy giờ. Đã hơn 6 thế kỷ qua, thành phố cổ xưa này còn mang đậm dấu ấn kiến trúc của các nền văn hóa Trung Hoa, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh cùng tồn tại, đan xen… trong lịch sử hình thành và phát triển.

 

Đường phố Malacca. Ảnh: Nguyên Anh
Đường phố Malacca. Ảnh: Nguyên Anh

Cuối thế kỷ XIV, sau cuộc chiến tranh giữa hai vương quốc Srivijaya ở đảo Sumatra và vương quốc Majapahit ở đảo Java trên Thái Bình dương, triều đình Srivijaya dần suy yếu, một hoàng tử đã vượt eo biển sang lánh nạn ở bán đảo Mã Lai, sau đó ông cho lập thành phố Malacca ở đây. Rồi được sự ủng hộ của nhà Minh bấy giờ, vương quốc Malacca có vị thế cân bằng với hai vương quốc láng giềng là Ayutthaya phía bắc và Majapahit phía đông nam. Người Hoa nhanh chóng đến định cư ở đây và cộng đồng người Hoa là nét đặc trưng của Malacca, đưa người Hoa trở thành một phần lịch sử vương quốc Malaysia sau này. Tháng 8 năm 1511, quân Bồ Đào Nha tấn công, vương quốc Malcaca sụp đổ và sau đó trở thành thuộc địa của Bồ Đào Nha. Năm 1641 là thuộc địa của Hà Lan. Năm 1824 thuộc địa Anh và đến tháng 8-1957 vương quốc Malaysia chính thức giành độc lập và năm 1963 thành lập liên bang.

Chẳng hiểu vô tình hay hữu ý mà dòng sông Malacca chia thành phố thành hai nửa Đông-Tây. Phía đông là khu phố cổ mang dáng dấp kiến trúc Tây. Điểm nhấn của thành phố là khu Jonker Walk và quảng trường Hà Lan với màu đỏ bã trầu hiện diện trên tất cả các công trình kiến trúc. Chuyện kể rằng, viên quan cai trị Bồ Đào nha bấy giờ thấy người dân Malacca có tập quán ăn trầu, sau khi nhai xong thường nhả bã lên đường phố và quệt nước cốt trầu lên các bờ tường nên ông ta cho quét lớp sơn trùng màu bã trầu để bảo vệ màu sắc các công trình kiến trúc. Rồi đến người Hà Lan, người Anh cũng vẫn giữ nguyên màu đỏ này, kể cả các công trình xây dựng sau đó.

 

Đã qua nhiều thế kỷ vậy mà giờ đây đi trên các con phố nhìn những công trình kiến trúc như nhà thờ, quảng trường, các tòa lâu đài, biệt thự… du khách đều thấy một màu bã trầu đỏ tươi. Trung tâm của khu này là quảng trường Hà Lan với những con đường lát gạch đỏ rợp bóng cây, nhà thờ St Pauls và pháo đài Bồ Đào nha. Pháo đài đã gần như hoang phế, chỉ còn lại lối bậc tam cấp lên bức tường thành gạch đỏ loang lổ in hằn dấu thời gian và mấy cỗ đại pháo nằm im lìm chĩa nòng ra hướng bờ sông.

Bên phía tây là khu Chinatown mang đậm dấu ấn kiến trúc của người Hoa. Đi giữa những con phố sâu hun hút, yên tĩnh, làm chúng ta liên tưởng như đang đi trên phố cổ Hội An, Quảng Nam. Cũng những ngôi nhà gác gỗ một tầng nho nhỏ, kín đáo, nằm sát nhau trên con phố nhỏ, mái ngói rêu phong. Phía trước các ngôi nhà trưng bày những tượng đá hình lân, sư tử, kỳ hươu… đen bóng. Nơi đây cũng lưu giữ những công trình kiến trúc truyền thống của người Hoa như đền thờ bà Thiên Hậu, đền thờ Chen Hong… Như nhiều nơi khác ở các nước Á đông, người dân phố tây Malacca thường tận dụng chỗ ở làm nơi bán hàng, có khác là chỉ đến 15-16 giờ các hàng quán đã đóng kín cửa. Du khách có thể mua các mặt hàng lụa tơ tằm, đồ trang sức, đồng hồ… hoặc thưởng thức các món ăn truyền thống của người Hoa như há cảo, bánh củ cải, xíu mại...

 

Sông Malacca. Ảnh: Nguyên Anh
Sông Malacca. Ảnh: Nguyên Anh

Đi trên những chiếc xe xích lô ba bánh Trishaw trang trí như một giàn hoa di động với giá chừng 20 ringghit (tương đương 140 ngàn VND) trong 30 phút bạn thỏa sức ngắm cảnh đẹp phố cổ đỏ thắm trong buổi chiều muộn, dạo trên những hè phố lát đá đã mòn nhẵn thời gian. Bạn cũng có thể ngồi trên chiếc du thuyền nhỏ xuôi nhẹ trên dòng sông ngắm cảnh Malacca hai bờ phố xá lô nhô trong đêm với hàng ngàn ngọn đèn huyền ảo hắt ánh sáng xuống làn nước lung linh. Bất chợt có thể bạn sẽ tự hỏi chẳng biết đâu rồi những người đã từng xuôi trên dòng sông này, tản bộ trên những con phố này mấy trăm năm trước…
 

*
Ngoại ô Malacca có một nghĩa địa đã 600 năm của những người Hoa đầu tiên đến đây lập nghiệp. Tất cả đều hoang phế, chỉ còn những tấm mộ chí nghiêng ngả, rêu phong trên mộ phần. Chính quyền thành phố xem đây như một dấu tích lịch sử nên vẫn bảo quản, cho xây những con đường chạy giữa các hàng mộ để người dân có thể tản bộ. Phía bên kia đường là nghĩa địa của những người theo đạo Hồi, phần mộ không nấm, chỉ đánh dấu bằng những cây thánh giá xung quanh.

Đến Malacca du khách cứ như miên du trong một cõi cổ xưa…

Thanh Phong

Có thể bạn quan tâm

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

GenZ gánh vác công việc với cộng đồng

Nguyễn Thị Lan Anh (sinh năm 2001) đang là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và Du lịch cộng đồng Hòa Bắc (Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Cô gần như là người trẻ nhất trong HTX, cũng là số ít người trẻ còn ở lại với công việc của một tổ du lịch cộng đồng.
'Bà tiên' gieo hy vọng

'Bà tiên' gieo hy vọng

Đã bước sang tuổi 82 nhưng hằng ngày bác sĩ Đỗ Thúy Nga vẫn làm việc tại Trung tâm Hy Vọng - nơi gần 60 em nhỏ khuyết tật trí tuệ đang được bà và các cô giáo chữa lành, khắc phục dần khiếm khuyết của các em.
Lời ru chim yến…

Lời ru chim yến…

Tôi vẫn tin một quy luật mặc định với những ai có cuộc sống gắn với tồn sinh của tự nhiên, rằng không quý không yêu, không trân trọng tử tế với thiên nhiên, thì cái giá trả không rẻ.
'Bông hồng thép' Diệu Linh

'Bông hồng thép' Diệu Linh

Chị Nguyễn Thị Diệu Linh, SN 1983, hiện đang làm Quản lý Chương trình NPA tại tỉnh Quảng Trị đã có những đóng góp không nhỏ trong việc giảm thiểu tai nạn thương tích do bom mìn.

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Bát nháo 'chợ chim' săn mồi

Nuôi chim săn mồi, huấn luyện chúng trở thành những “chúa tể” bầu trời là sở thích của nhiều người. Thú chơi này nở rộ từ sau Tết Nguyên đán cho tới tháng 5, được các tay buôn lùng sục khắp nơi tìm nguồn.