"Hiến kế" phát triển du lịch cộng đồng tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Không chỉ tạo ra việc làm ổn định, du lịch cộng đồng (DLCĐ) cũng góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các chuyên gia du lịch đến từ TP. Hồ Chí Minh đã khẳng định như vậy tại buổi tọa đàm về phát triển DLCĐ do UBND TP. Pleiku tổ chức vào trung tuần tháng 12.
Trước đó, các chuyên gia du lịch đã có chuyến khảo sát tại một số ngôi làng có tiềm năng về DLCĐ trên địa bàn TP. Pleiku như: làng Kép (phường Đống Đa), Chuét 1 (phường Thắng Lợi), Ốp (phường Hoa Lư), Ia Nueng (xã Biển Hồ)… và đưa ra nhiều đánh giá về hiện trạng, cách thức cũng như phương hướng để thành phố có thể phát triển loại hình du lịch này trong tương lai gần.
   Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: M.T
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: M.T
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Nguyễn Hữu Quế thẳng thắn nhìn nhận: Phố núi Pleiku được xem là điểm đến hấp dẫn đối với du khách khi đến khu vực Bắc Tây Nguyên. Tuy nhiên, thời gian qua, thành phố chưa khai thác hết tiềm năng du lịch, nhất là DLCĐ để níu chân du khách. Đây là điều khiến lãnh đạo thành phố hết sức trăn trở và mong muốn có sự tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm từ phía các chuyên gia. Ông Nguyễn Văn Mỹ-Chủ tịch Hội đồng thành viên Lửa Việt Tours-cho hay: “Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy TP. Pleiku nói riêng và Gia Lai nói chung có nhiều tiềm năng. Trong đó, ấn tượng nhất với chúng tôi là những pho tượng gỗ dân gian. Tôi đã đi khá nhiều nước nhưng không thấy ở đâu có loại tượng này; ở Việt Nam thì chỉ các tỉnh Tây Nguyên mới có, riêng Gia Lai đang bảo tồn được rất nhiều. Tượng nào cũng có hồn, mộc mạc và chân thực. Thật uổng phí nếu không sử dụng những tượng gỗ này để tạo điểm nhấn trong DLCĐ, đồng thời góp phần khôi phục và phát huy nghề tạc tượng dân gian truyền thống đang dần mai một ở địa phương”.
Trước những ý kiến đưa ra tại buổi tọa đàm về thế mạnh của tỉnh và TP. Pleiku, ông Mỹ cho rằng, cà phê, các món ẩm thực và cồng chiêng của Gia Lai không thực sự đặc sắc, thậm chí có phần đơn điệu và không mấy khác biệt so với một số tỉnh khác trong khu vực Tây Nguyên. Thực trạng này vô hình trung sẽ khiến du khách cảm thấy nhàm chán. “Làm thế nào để biến bản sắc chung thành cái riêng có của mình nhằm thu hút khách du lịch hiện vẫn đang là bài toán chưa có lời giải. Qua số liệu, chúng tôi nhận thấy, lượng khách đến với Gia Lai trong những năm gần đây có tăng, song doanh thu thực chất lại giảm. Dường như các bạn đang đánh đồng khách du lịch với khách tham quan lễ hội. Nếu là khách du lịch thì mình phải thu được tiền, còn với khách tham quan lễ hội gần như chẳng thu được gì ngoài rác. Doanh thu từ 1 khách lưu trú có thể bằng 5-10 thậm chí 20 khách tạt qua. Vì vậy, khách lưu trú mới là mục tiêu mà chúng ta nên hướng tới khi làm du lịch. Chúng tôi cũng thiết nghĩ, trong phát triển du lịch, địa phương nên ưu tiên loại hình DLCĐ vì nó gắn liền với người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo”-ông Mỹ phân tích.
Đồng quan điểm, ông Dương Minh Bình-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CBT Travel-nhận định: “Ở đâu cũng có thể làm DLCĐ và ai cũng có thể làm du lịch. Thậm chí, bà con dân tộc thiểu số có trình độ hạn chế, không có chuyên môn vẫn làm rất tốt nếu được hướng dẫn thực hành đúng chuẩn. Từ đó, họ có thể làm giàu chính đáng trên chính ngôi làng của mình; đặc biệt là góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, cải thiện môi trường sống lẫn an ninh xã hội”. Minh chứng cho điều bản thân vừa nói, ông Bình đã đưa ra một vài mô hình DLCĐ gắn với xây dựng nông thôn mới mà các tỉnh phía Bắc đã thực hiện hiệu quả như: Homestay A Chu (tỉnh Sơn La), Homestay Minh Thơ (tỉnh Hòa Bình), Bản du lịch cộng đồng Sin Suối Hồ (tỉnh Lai Châu)…
Trên cơ sở phân tích, các chuyên gia đến từ TP. Hồ Chí Minh cũng nêu lên ý tưởng về phát triển DLCĐ nông thôn, từ khâu kết nối, tập huấn, đến việc đề ra giải pháp nâng cao năng lực để thúc đẩy phát triển và “kích hoạt” khả năng làm DLCĐ của người dân. Bên cạnh đó, tận dụng những nguyên vật liệu có sẵn tại địa phương để cải tạo, nâng cấp nhà ở, khuôn viên cũng như khu lưu trú, vệ sinh…; nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các hoạt động giá trị gia tăng; đồng thời quản lý chất lượng dịch vụ lồng ghép những yếu tố về bảo tồn văn hóa thông qua bộ quy chuẩn chung. Bước đầu, DLCĐ tại nông thôn là sinh kế phụ, giải quyết việc làm, tạo thu nhập, gắn với bảo vệ văn hóa, môi trường và xóa đói giảm nghèo; về lâu dài, đó là cách làm giàu chính đáng. 2 chuyên gia trên cũng chỉ rõ, muốn làm DLCĐ cần hội tụ đủ 4 thành tố, gồm: vốn đầu tư, chuyên môn nghiệp vụ, quan hệ đối tác, quảng bá và tiếp thị. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển DLCĐ nông thôn có thể từ chính sách phát triển của chính quyền địa phương; từ các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các tổ chức hội-đoàn thể trong nước hay những khách sạn 5 sao thực hiện hoạt động trách nhiệm xã hội. Nhưng trên hết, người dân là chủ đầu tư, sáng tạo và tiết kiệm, còn nhà nước chỉ hỗ trợ chứ không bao cấp. Riêng 3 thành tố tương đối khó khăn còn lại, nhà tư vấn có thể đảm nhiệm, đồng hành cùng người dân từ khảo sát, xây dựng sản phẩm, tiếp thị đến bán hàng và sẽ có chính sách bảo hành nhằm đảm bảo hiệu quả.
“Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, vì thế, TP. Pleiku không thể đơn độc trên hành trình này mà phải nối kết các huyện trong tỉnh, với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung bộ, thậm chí là cả nước bạn Campuchia để thu hút khách. Muốn xây dựng và phát triển DLCĐ, thành phố cần có lộ trình, có quy hoạch trọng điểm, xác định nguồn khách và những nghiên cứu cụ thể thông qua số liệu khách đến. Song song với việc thay đổi nhận thức làm DLCĐ, thành phố cũng nên tổ chức cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân đi tham quan một số mô hình hiệu quả cũng như thất bại, từ đó có thể lựa chọn một mô hình phù hợp với địa phương mình để triển khai thực hiện”-ông Bình trao đổi.
Dịp này, đại diện các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, địa phương có tiềm năng phát triển DLCĐ trên địa bàn TP. Pleiku đã cùng 2 chuyên gia trao đổi, làm rõ một số vấn đề liên quan đến chính sách ưu đãi về vị trí xây dựng mô hình DLCĐ; giải pháp khắc phục hạn chế về trình độ lẫn khả năng phục vụ du khách, đặc biệt là khách quốc tế; phí liên kết giữa đơn vị tư vấn và doanh nghiệp đầu tư; cách phát huy lợi thế đặc trưng của từng dân tộc khi làm du lịch; tăng cường sự kết nối giữa các điểm, tour du lịch…
 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Săn mây ở Tu Thó

Săn mây ở Tu Thó

Mỗi lần đến khu tái định cư Tu Thó (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum), tôi đều mang một cảm xúc mới.
Tour đường bộ 'lên ngôi'

Tour đường bộ 'lên ngôi'

Thay vì ngồi nhà nuối tiếc kỳ nghỉ lễ 5 ngày do giá vé máy bay quá cao, nhiều gia đình chọn chuyển hướng thuê xe hoặc tự lái xe tới các điểm du lịch gần để không bỏ lỡ 5 ngày nghỉ dịp lễ 30.4 - 1.5.