Trang trí trên sọ thú: Nét tạo hình hoang sơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nếu trang trí trên vải, gỗ, kim loại...  phản ánh nét tạo hình của xã hội phát triển thì trang trí trên sọ thú mang đậm dấu ấn nghệ thuật nguyên sơ, những bức vẽ mộc mạc, hồn nhiên của các cư dân gần gũi với núi rừng đại ngàn, sinh sống bằng nghề săn bắt.  
Từ lâu đời, cuộc sống mưu sinh của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên dựa vào thiên nhiên bằng cách săn bắt, hái lượm. Thú rừng, chim muông không chỉ cung cấp cho đồng bào nguồn thực phẩm mà còn có vai trò quan trọng trong cuộc sống tâm linh, nghệ thuật, thẩm mỹ của tộc người. Nhiều tộc người lấy con thú làm vật tổ (tô tem giáo), thu nhặt các bộ phận của thú vật làm đồ trang sức.
Theo tập quán của nhiều dân tộc, sọ thú là vật phẩm được giữ gìn, bảo quản một cách cẩn thận ở các gia đình và nhà cộng đồng. Đặc biệt, chúng được chạm khắc, trang trí nhiều hoa văn, mô típ để trưng bày trong các công trình kiến trúc biểu thị ý nghĩa tâm linh hoặc làm đẹp thuần túy.
Ngoài chất liệu gỗ, một số dân tộc ít người ở miền núi còn trang trí trên cả những chiếc sọ thú. Nhà làng, không gian tâm linh của cộng đồng được trang trí bởi những bảo vật như: thanh la, chiêng, trống, ché, vũ khí, đặc biệt là sọ các con thú săn và thú nuôi sau khi tế lễ... Trong đó, không gian thiêng liêng nhất của nhà làng là nơi treo các loại sọ thú, nơi lưu trú của thần linh, tổ tiên, ma quỷ.
Tục treo sọ thú, đầu thú ở nhà làng truyền thống được các tộc người giải thích như sau: Trong mỗi cơ thể sống, linh hồn, sinh khí, sức mạnh cư ngụ ở trong đầu. Do đó, việc lấy những chiếc sọ treo ở nhà làng sẽ làm tăng thêm sức mạnh. Càng nhiều sọ thú thì buôn làng càng hùng mạnh.
Mô típ hình mặt trời, xương cá, ngọn rau dớn trang trí trên sọ thú của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Ảnh: Tấn Vịnh
Mô típ hình mặt trời, xương cá, ngọn rau dớn trang trí trên sọ thú của các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Ảnh: Tấn Vịnh
Ngoài ra, tục treo sọ còn thể hiện niềm kiêu hãnh của trai làng về sự dũng cảm và tài nghệ cũng như trách nhiệm lớn lao của mình trước cộng đồng, thể hiện chiến tích sắn bắt, thành quả chăn nuôi của cả làng. Các lễ hội mừng mùa bội thu, khánh thành nhà làng hay các lễ hội lớn khác của cộng đồng đều có hiến tế trâu, bò, dê... Sau lễ hội, dân làng đều giữ lại các sọ thú nuôi đó và chúng được treo trên vách nhà làng để lưu dấu, chứng minh cho bà con, khách khứa, bạn bè xa gần về sự giàu có của cả làng. Một số sọ thú được trang trí hoa văn, tạo nên nét đẹp rất hoang sơ, bí ẩn.
Người Cơ Tu vẽ hình hoa “alôm” và lá đùng đình bằng nhiều màu sắc lên các sọ bò (a cọ ka răk), sọ trâu (a cọ kapiêu), sọ nai (a cọ chrơ gơơng), các đường răng cưa, những chấm tròn đen đỏ lên sọ trâu (tuôx kapiêu)... Các hình họa trang trí trên sọ thú đó, ngoài chức năng thẩm mỹ, tác giả của nó còn thể hiện ước muốn săn được nhiều thú, mong đàn trâu bò không bị dịch bệnh, phát triển đông đúc bầy đàn...
Dân tộc Giẻ Triêng ở vùng miền núi Quảng Nam và phía Bắc tỉnh Kon Tum có sở trường về lối tạo hình này. Tộc người này còn bảo lưu đậm nét nghệ thuật trang trí trên sọ thú, nhất là sọ trâu, sọ các thú rừng lớn. Bên cạnh hình vẽ, hai bên sọ thú còn ghi dấu ngày tháng năm làng tổ chức “ăn trâu, ăn bò”, tên làng, tên người dâng lễ vật hiến tế hoặc săn bắt được thú lớn. Những nghi lễ cúng thần linh như mừng mùa bội thu, mừng săn được thú, khánh thành nhà làng... đều được tiến hành ngay chỗ đặt các sọ thú.
Trang trí hoa văn là lối tạo hình khá phổ biến của các tộc người miền núi. Nghệ thuật trang trí này được tìm thấy ở các dân tộc vùng Trường Sơn-Tây Nguyên như: Giẻ Triêng, Cơ Tu, Bahnar, Xơ Đăng...
Nếu trang trí trên vải, gỗ, kim loại...  phản ánh nét tạo hình của xã hội phát triển thì trang trí trên sọ thú mang đậm dấu ấn nghệ thuật nguyên sơ, những bức vẽ mộc mạc, hồn nhiên của các cư dân gần gũi với núi rừng đại ngàn, sinh sống bằng nghề săn bắt.
Hình thức trang trí này dần mờ nhạt trong cuộc sống đương đại, chỉ còn xuất hiện ở một số tộc người còn bảo lưu “nghệ thuật nguyên thủy”. Mỗi đồ án trang trí không chỉ khắc họa, tôn vinh cái đẹp mà còn gửi gắm ước mơ tốt đẹp cho cộng đồng.
TẤN VỊNH

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.